Cả triệu người kê khai tài sản, không phát hiện trường hợp nào thiếu trung thực

Tổng Thanh tra Chính phủ Phan Văn Sáu cho biết hơn 1 triệu cán bộ, công chức hoàn thành việc kê khai tài sản, thu nhập nhưng qua xác minh chưa phát hiện trường hợp nào kê khai không trung thực.

Chi cho mỗi biên chế các bộ, ngành không quá 55 triệu đồng/năm

Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định số 46/2016/QĐ-TTg ban hành định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách nhà nước năm 2017.

Quyết định quy định rõ định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách nhà nước cho các bộ, cơ quan Trung ương, trong đó, mức chi cho quản lý hành chính đối với khối các cơ quan Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, cơ quan thi hành án dân sự, Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra Chính phủ tối đa là 55 triệu đồng/biên chế.

Định mức được áp dụng theo phương pháp lũy thoái đối với Bộ Tư pháp (không bao gồm cơ quan thi hành án dân sự), các bộ, cơ quan Trung ương (trừ các cơ quan nêu trên và các cơ quan, đơn vị, tổ chức đặc thù ở Trung ương)... (Xem tiếp)

“1 triệu người kê khai tài sản, chưa phát hiện trường hợp nào không trung thực”

Báo cáo về công tác phòng chống tham nhũng năm 2016 trước Quốc hội ngày 28/10, Tổng Thanh tra Chính phủ Phan Văn Sáu cho biết, tỷ lệ kê khai tài sản, thu nhập trong năm đạt 99,1%; số người đã hoàn thành việc kê khai tài sản, thu nhập là trên 1 triệu người. Số bản kê khai tài sản đã công khai trên 993.000 bản, đạt tỷ lệ gần 99%.

Có 414 người thuộc diện kê khai được xác minh tài sản, chưa phát hiện trường hợp nào kê khai không trung thực.

Về việc nộp lại quà tặng, Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết, quy định còn mang tính hình thức. Việc thực hiện quy định này chưa nghiêm, hiệu quả thấp và trên thực tế cũng rất khó kiểm soát do phụ thuộc nhiều vào tính tự giác, đạo đức của cán bộ, công chức. Trong năm 2016 chưa phát hiện trường hợp nào vi phạm. (Xem tiếp)

“Tiền có từ chống tội phạm thì nên để đấu tranh chống tội phạm”

Trước đó, trong phiên thảo luận tổ chiều 27/10 về dự án Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, ông Nguyễn Hòa Bình đề cập cách một số nước lập quỹ gồm các khoản tiền thu được từ buôn lậu, tham ô, ma túy, tham ô tham nhũng... và lấy tiền đó để chi trả cho bồi thường oan sai, mà không sử dụng tiền thuế của dân.

Ông Bình cho biết, theo quy định của chúng ta, bất cứ khoản nào xung công quỹ thì đưa vào ngân sách, còn nhiều nước khác lại không như thế.

Về khoản tiền thu được từ tham ô hay tham nhũng, tôi cho rằng đất nước ta không giàu nghèo gì từ khoản tiền ấy... (Xem tiếp)

Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao, ông Nguyễn Hòa Bình.

TS. Nguyễn Đình Cung: “Chỉ cần làm tốt hai việc này, GDP có thể đạt được 7%”

Thắt chặt chi tiêu ngân sách, giảm bội chi và đẩy mạnh cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước thì GDP sẽ tăng thêm được 0,5 điểm phần trăm.

TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương đã cho biết như vậy tại Hội thảo “Báo cáo Kinh tế vĩ mô Quý III/2016”, ngày 28/10.

TS. Cung đặt vấn đề: Hiện chủ trương của Chính phủ là không thay đổi mục tiêu tăng trưởng. Như vậy, chúng ta sẽ phải làm gì để thúc đẩy tăng trưởng hay vẫn dựa vào khai thác dầu thô, than đá như trước đây? (Xem tiếp)

Cắt cỏ tốn 700 tỷ, chiếu sáng, thoát nước…tiêu hết bao nhiêu?

Sáng 28/10, trình bày báo cáo thẩm tra về công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) năm 2016 trước Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho hay, người dân, doanh nghiệp ngày càng có tư tưởng chịu đựng tham nhũng dẫn đến chấp nhận các chi phí không chính thức trong giải quyết công việc có liên quan đến chính quyền.

Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp về công tác phòng chống tham nhũng năm 2016 nêu rõ, sau vụ việc cắt cỏ tốn đến 700 tỷ đồng xảy ra ở Hà Nội, nhiều người dân muốn chính quyền các thành phố lớn công khai chi phí các dịch vụ công cộng. (Xem tiếp)

Huy động vốn ODA chưa gắn kết chặt với hạn mức nợ công

Theo báo cáo, tổng vốn ODA và vốn vay ưu đãi ký kết theo các điều ước quốc tế cụ thể thời kỳ 2011 - 2015 đạt trên 27,782 tỷ USD, cao hơn 31,47% so với mức của thời kỳ 2006 - 2010. Trong đó, ODA vốn vay và vốn vay ưu đãi đạt 26,527 tỷ USD, chiếm khoảng 95,48% và ODA viện trợ không hoàn lại đạt 1,254 tỷ USD chiếm khoảng 4,52% so với tổng vốn ODA và vốn vay ưu đãi đã ký kết cho thời kỳ này.

Về cơ cấu, các nhà tài trợ nhóm 6 ngân hàng Phát triển (ADB, AFD, JICA, KfW, KEXIM, WB) vẫn chiếm vị trí vượt trội. Tổng giá trị vốn vay ODA và vốn vay ưu đãi ký kết với các nhà tài trợ này trong thời kỳ 2011 - 2015 đạt khoảng 26,308 tỷ USD, trong đó vốn vay ưu đãi của ADB, AFD và WB khoảng 4,5 tỷ USD. (Xem tiếp)

Thực phẩm, y tế, giá xăng kéo CPI tháng 10 tăng kỷ lục

Tổng cục Thống kê vừa công bố CPI tháng 10 năm 2016 tăng 0,83% so với tháng trước, mức tăng kỷ lục trong vòng nhiều tháng qua. Chỉ số CPI cũng tăng 4,09% so với cùng kỳ năm trước; tăng 4% so với tháng 12 năm trước; CPI bình quân mười tháng đầu năm 2016 so với cùng kỳ năm trước tăng 2,27%.

Cụ thể, theo thống kê, trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chính, có 9 nhóm tăng với mức tăng như thuốc và dịch vụ y tế tăng 10,07%; Giao thông tăng 2,02%; Giáo dục tăng 0,61%; Nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,31%; Hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,17%; (Xem tiếp)

Bí thư Hà Nội: Có thể phải lùi thời điểm cấm xe máy đến năm 2030

Trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội ngày 28/10, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải cho biết: Thành phố dự kiến cấm xe máy nội đô từ năm 2025, nhưng có thể sẽ phải lùi đến năm 2030.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải cho biết, thành phố đang chịu sức ép rất lớn về đô thị, giao thông, dân cư.

Hà Nội hiện có khoảng 560.000 xe ôtô, 5,5 triệu xe máy. Tỷ lệ gia tăng của ô tô gần 17%/năm, xe máy tăng gần 8%. Trong khi đó, diện tích khu vực nội đô không mở rộng, tốc độ đầu tư cho giao thông hạ tầng của thành phố chỉ 3,9%/năm. (Xem tiếp)

Tuấn Việt

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/thoi-su/ca-trieu-nguoi-ke-khai-tai-san-khong-phat-hien-truong-hop-nao-thieu-trung-thuc-2133015.html