Cà phê giá cao nhưng nguồn cung trong dân đã cạn

Hiện giá cà phê sắp chạm mốc 100.000 đồng/kg, nhưng thị trường Đắk Nông khá trầm lắng vì nguồn cung sụt giảm.

Đại lý Hưng Thắm là một đại lý thu mua nông sản có thâm niên hàng chục năm tại thị trấn Đắk Mâm, huyện Krông Nô. Năm nay, việc mua bán cà phê ở đại lý rất ảm đạm. Tại đại lý vẫn còn ít tấn cà phê nhưng chủ yếu đó là cà phê người dân ký gửi.

Lượng cà phê còn lại không nhiều tại đại lý Hưng Thắm, huyện Krông Nô

Chủ đại lý là bà Hoàng Thị Thắm cũng không ngờ năm nay cà phê có giá cao như vậy. Phần lớn lượng cà phê trong dân đều bán vào thời điểm giá 60.000 - 70.000 đồng/kg. Đến thời điểm cà phê tăng giá, người dân cơ bản không còn cà phê để bán nữa.

Cũng như phần lớn các đại lý khác ở Đắk Nông nói riêng và Tây Nguyên, đại lý Hưng Thắm vừa thu mua nông sản, vừa cung ứng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón. Các đại lý cung ứng vật tư nông nghiệp cho một nhóm người dân trước và thu lại chi phí sau khi thu hoạch. Một số người dân bán trực tiếp cà phê cho đại lý để trừ nợ hoặc ký gửi cà phê tại đại lý. “Giờ cà phê còn trong kho một ít nhưng là của dân, họ đồng ý bán lúc nào, giá nào là quyền của họ. Cà phê lên giá quá cao nên các đại lý như chúng tôi cũng không dám tự ý chốt bán”, bà Thắm chia sẻ.

Giá cà phê cao một phần cũng do nguyên nhân sụt giảm sản lượng. Niên vụ 2023, phần lớn nông dân đều nhận định mất mùa. Ví dụ như rẫy cà phê 1,3ha của gia đình anh Nông Văn Dương, ở xã Đắk Sôr, huyện Krông Nô. Mặc dù cà phê đang độ tuổi sung sức nhưng gia đình chỉ thu chưa đến 3 tấn. Ngay thời điểm giá cà phê đạt khoảng 60.000 đồng/kg, gia đình anh Dương đã bán hết. “Cà phê vụ rồi mất mùa, chi phí đầu tư lại tăng cao. Thấy giá được hơn mọi năm là gia đình tôi bán ngay để trang trải. Giờ giá cà phê tăng cao chúng tôi tiếc lắm. Vụ này chúng tôi tập trung chăm sóc và hy vọng giá cà sẽ cao để dân đỡ khổ”, anh Dương cho hay.

Anh Nông Văn Dương, xã Đắk Sôr, huyện Krông Nô tập trung chăm sóc cà phê với nhiều hy vọng

Krông Nô là 1 trong những vùng trọng điểm cà phê của tỉnh Đắk Nông với hơn 25.000ha, trong đó có 23.000ha trong giai đoạn sản xuất. Năng suất trung bình của cà phê Krông Nô đạt từ 2,7 - 2,9 tấn/ha. Tổng sản lượng cà phê toàn huyện đạt khoảng trên 65.000 tấn.

Niên vụ 2023, năng suất cà phê giảm 20 - 30% so với các năm trước vì ảnh hưởng tiêu cực của khí hậu. Tổng sản lượng cà phê toàn huyện Krông Nô giảm xuống còn khoảng 48.000 tấn.

Theo Trưởng Pphòng NN-PTNT huyện Krông Nô Doãn Gia Lộc, ngoài sản lượng sụt giảm, giá cà phê tăng cao cơ bản là do hụt nguồn cung. Sau 3 năm ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid - 19, đời sống kinh tế của nhiều người dân gặp nhiều khó khăn. Họ phải ứng vốn trước qua các kênh ngân hàng, đại lý… để mua phân bón và các chi phí khác. Nên ngay sau khi thu hoạch thấy giá đạt khoảng 60.000 đồng/kg, phần lớn người dân đã bán cà phê non, cà phê tươi chứ không tích trữ.

Phần lớn lượng cà phê trong dân và các đại lý ở Đắk Nông đã cạn kiệt

Ông Lộc cho rằng, thị trường cà phê trầm lắng một phần là do bấp bênh từ thị trường. Phần nhiều người dân thường có thói quen ký gửi đại lý, chờ thời điểm phù hợp để bán. Nhưng việc một số đại lý làm ăn không uy tín, vỡ nợ khiến người dân hoang mang, không dám đặt hoàn toàn niềm tin vào đại lý như trước. “Giá cà phê tăng cao nên muốn đầu cơ cần lượng tiền rất lớn. Vì vậy, nhiều đại lý, doanh nghiệp, cá nhân không dám đầu tư vào “canh bạc” nhiều rủi ro này. Giá cà phê tăng cao chủ yếu là do nguồn cung hụt, cà phê trong dân cơ bản không còn”, ông Lộc cho hay.

Lê Phước

Nguồn Đắk Nông: https://baodaknong.vn/ca-phe-gia-cao-nhung-nguon-cung-trong-dan-da-can-206683.html