Cà phê bonsai: Tại sao không?

Cây cà phê được người phương Tây di thực vào Việt Nam vào cuối thế kỷ XIX. Năm 1975, diện tích cà phê cả nước trên 13.000 ha, sản lượng quả khoảng 6.000 tấn, chủ yếu tập trung ở Tây Nguyên.

Đến năm 2023, tổng diện tích cà phê của Việt Nam đạt khoảng trên 600.000 ha; xuất khẩu 1,6 triệu tấn với kim ngạch đạt hơn 4,1 tỷ USD. Riêng tỉnh Gia Lai hiện có gần 100 ngàn ha, sản lượng hơn 250 ngàn tấn nhân.

Cà phê là cây nông sản hàng hóa rất phù hợp với miền cao nguyên đất đỏ bazan. Đó là thứ cây trồng của các điền trang lớn cũng như các nông trại và nông hộ. Nó tạo ra các vùng nông sản hàng hóa chuyên canh cao, tạo ra những cánh đồng lớn cà phê trên các triền đồi trải dài tít tắp tới tận chân mây.

Sau vụ thu hái quả, những đồi cà phê đón mùa khô Tây Nguyên cùng thời khắc phân hóa mầm hoa để cương nụ đồng loạt. Ngày giáp Tết, qua đợt tưới nước thứ nhất, các vườn rẫy cà phê đồng loạt bung hoa trắng muốt đồi nương, buôn làng. Hương cà phê tỏa lan mênh mang trời đất. Sắc trắng tinh khiết và hương thơm ngạt ngào dâng cho Tây Nguyên những ngày xuân lãng mạn, trinh nguyên.

Gần đây, nhiều người dân và du khách về các vườn rẫy buôn làng chiêm ngưỡng, thưởng thức mùa hoa cà phê. Tuy nhiên, vẻ đẹp ấy, không gian ấy vẫn ở trên đồi, trên rẫy. Để thứ cây thứ hoa đó gần gũi hơn với đời sống con người, mang đến một vẻ đẹp khác rất cần sự đầu tư tâm sức cho cây cà phê dưới một loại hình nghệ thuật mới: Nghệ thuật bonsai cây cảnh.

Cà phê bonsai tại showroom của Hợp tác xã Khoa học công nghệ-thương mại cà phê Việt Nam (số 104 Lê Lợi, TP. Pleiku). Ảnh: Hữu Long

Còn nhớ, cách đây mấy năm, tôi và nhà thơ Văn Công Hùng sau khi nghỉ hưu đã cùng cộng tác với một công ty du lịch sinh thái ở huyện Củ Chi, TP. Hồ Chí Minh. Khi qua mùa thu hái cà phê, tôi được chủ doanh nghiệp cử về Tây Nguyên chọn cây chọn phôi để tạo hàng loạt cây bonsai. Là người có ít nhiều kiến thức về bonsai, tôi thấy rất phấn khích với công việc được giao.

Cây trồng trong chậu, đầu tiên xuất hiện ở Trung Quốc, với mục đích di thực các cây vị thuốc ở rừng về nhân giống và duy trì trong vườn nhà. Tiến tới người ta trồng cây trong các loại chậu làm cây cảnh, gọi là “bồn tài”. Người Nhật tiếp thu kiểu trồng cây cảnh này của người Trung Quốc, có cải tiến chêm đá, kiến tạo giả sơn, hồ nước và gọi là “bonsai”.

Khi cây cảnh vào Việt Nam, người Việt thêm vào đó những triết lý nhân sinh khá sâu sắc. Các thế cây cơ bản được hình thành gồm thế trực (thẳng đứng), trực xiêu (nghiêng lên), thế hoành (nằm ngang), thế huyền (mọc xiên góc chốc xuống), thế thác đổ (ngọn cây chúc xuống thấp hơn gốc)… Rồi tạo gốc, tạo rễ nổi, tạo thân u cục uốn cong, tạo tán tạo cành… Làm sao cây mang lại ý tưởng ý chí của người chơi cây như một tác phẩm điêu khắc hội họa. Những tam đa (phúc, lộc, thọ), tam tài (thiên, địa, nhân), tam cương (vua tôi, cha con, vợ chồng), ngũ thường (nhân, nghĩa, lễ, trí, tín)…

Những cây dáng đẹp, cổ kính, có tầm tư tưởng thường có giá trị rất cao, cả hàng trăm triệu đồng; được truyền từ nhiều đời người chơi cây. Ngoài cây cảnh, còn có loại cây vừa chơi cảnh vừa chơi hoa như đào, mai. Những loại cây này quanh năm được tạo thế, dịp gần Tết thì chăm bón, hãm cho hoa nở đúng ngày để vừa thưởng cây đẹp, vừa chơi hoa Tết.

Cây cà phê có lẽ thuộc nhóm cây đào, cây mai. Đó là thứ cây vừa tạo thế cây đẹp, vừa tạo được hoa nở ngày Tết. Ngoài sắc hồng tươi sáng của đào, sắc vàng sang trọng của mai, cà phê cho sắc trắng tinh khiết trong dịp xuân mới. Và hơn thế, hoa cà phê còn đem đến hương thơm bay bổng lãng mạn.

Cây cà phê vốn rất dễ tạo thế tạo cành, hãm hoa theo ý thích của người chơi cây. Trồng cỡ 3-4 năm thì cây cho hoa. Trồng khoảng dăm năm, cây cà phê đã cho dáng lão hóa, u sần, một thứ rất cần trong thú chơi bonsai. Thân cành cà phê thớ mạch gỗ mịn chắc, lại dẻo dễ uốn tạo thế theo ý tưởng của con người.

Hoa cà phê ít lệ thuộc mùa vụ, rất dễ hãm cho nở đúng Tết, không quá khó như đào và mai. Cứ cắt nước, tạo sự phân hóa mầm hoa, khi thấy nụ cương lớn, tưới nước lần một, hoa sẽ nở đồng loạt. Cành cà phê cũng như mai đào, mắt cây đã ra hoa thì năm sau phải cắt bỏ, tạo cành mới cho cây mới nảy mầm nụ. Mọi sự tạo tán, tạo thế còn lại; phối gỗ, phối đá vào chậu đều do gu thẩm mỹ của từng người chơi mà có cây thế bonsai hợp ý mình. Một sự thuận lợi nữa là phôi cây rất dồi dào, đặc biệt vào vụ tái canh cà phê, người chơi sẽ có rất nhiều nguồn để lựa chọn.

Dịp tôi được cử về Tây Nguyên mua cây cà phê già để tạo bonsai ấy, điểm đến là Nông trường Ia Sao-“cái rốn” cà phê của tỉnh. Giữa bát ngát vườn cà phê tái canh, tôi thả sức chọn những cây dáng đẹp, vừa tầm, nhờ thợ cắt cành tỉa tán.

Sau đó, chi tiền công cho người đào hố, bó gốc cây, để ở lán tưới nước một thời gian cho đảm bảo cây đã tươi, rễ đã bén, đảm bảo sức sống khi vận chuyển đến nơi mới. Đợt ấy, tôi thuê cả chuyến xe tải lớn chở cà phê tái canh về thành phố làm cây bonsai. Điều rất mừng là cà phê bonsai trồng mau bén, dễ sống.

Những cây cà phê bonsai đã lặng lẽ đơm hoa, tỏa hương giữa khu du lịch sinh thái của thành phố đô hội. Nó đem đến một vẻ đẹp rừng núi thanh tao cho miền đất phố phường tấp nập những chút tĩnh lặng hiếm hoi quý giá.

Xuân này, tôi thấy ở showroom của Hợp tác xã Khoa học công nghệ-thương mại cà phê Việt Nam (Hợp tác xã VCSC, số 104 Lê Lợi, TP. Pleiku) trưng bày 1 chậu hoa cảnh cà phê khá đẹp, khá quyến rũ, hoa nở trắng cây và thơm ngào ngạt. Bonsai cà phê nếu đến được từng nhà, có lẽ đó sẽ là một vẻ đẹp khác của cây cà phê đã lừng danh trên cao nguyên đất đỏ.

Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/ca-phe-bonsai-tai-sao-khong-post267523.html