Cà Mau tăng cường kết nối trực tiếp đầu tư với các nước và khu vực

Theo ông Quách Văn Ấn, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh Cà Mau (iPEC), năm 2021, tỉnh tăng cường năng lực xúc tiến đầu tư; kết nối xúc tiến trực tiếp với các hiệp hội, tổ chức thương mại và đầu tư của các nước đang đầu tư mạnh vào Việt Nam và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Cụm công nghiệp khí–điện-đạm Cà Mau. Ảnh: Cổng TTĐT Cà Mau

Tỉnh sẽ tổ chức đoàn khảo sát, nghiên cứu tiềm năng mời gọi đầu tư và làm việc với các tổ chức, hiệp hội các doanh nghiệp, nhà đầu tư tại một số tỉnh, thành phố trong cả nước; tổ chức tọa đàm kết nối xúc tiến đầu tư với các đối tác nước ngoài.

Ông Quách Văn Ấn cho hay, đơn vị được Ủy ban nhân dân tỉnh giao nhiệm vụ theo dõi, hỗ trợ đầu tư đối với 38 dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh. Thời gian qua, iPEC đã trực tiếp hỗ trợ hoàn thiện 35 hồ sơ đề xuất dự án cho các doanh nghiệp; trong đó 10 doanh nghiệp được cấp chủ trương đầu tư, 15 dự án đang triển khai thực hiện và phối hợp các đơn vị có liên quan tiến hành tư vấn, hỗ trợ 12 nhà đầu tư đến tìm hiểu môi trường đầu tư, khảo sát vị trí...

Hầu hết, các nhà đầu tư đến Cà Mau đều có mong muốn tìm hiểu môi trường đầu tư, chính sách ưu đãi đầu tư, vị trí khu đất và thủ tục đầu tư. Nắm bắt tâm lý đó, tỉnh đã hỗ trợ tạo điều kiện thuận lợi nhất để các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước tiếp cận tìm hiểu và đề xuất dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh; trong đó phải kể đến một số nhà đầu tư chiến lược có kinh nghiệm và nguồn lực lớn như các Tập đoàn TTC, FLC, TNG Holdings, Central Group, B.Grimm Power, Mitsubishi Nhật Bản, Tổ chức Xúc tiến ngoại thương Nhật Bản...

Tuy hoạt động xúc tiến đầu tư của tỉnh từng bước được cải thiện, nâng cao về hiệu quả, song vẫn còn một số ‘‘điểm nghẽn’’. Ông Quách Văn Ấn nhận định, hoạt động hỗ trợ xúc tiến đầu tư còn gặp khó khăn do tỉnh chưa bố trí đủ nguồn lực để ưu tiên cho các dự án trọng điểm; thông tin quy hoạch sử dụng đất đai khó tiếp cận, các quy hoạch chưa đồng bộ.

Các loại đất khác nhau được quản lý bởi nhiều cơ quan chuyên môn khác nhau nên bị chi phối bởi các Luật, quy định khác nhau liên quan đến đất rừng, đất trồng lúa, nhà ở đô thị, Khu bảo tồn và dự trữ sinh quyển... và thẩm quyền quản lý qua nhiều cấp khác nhau nên cũng gặp không ít khó khăn trong thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ xúc tiến đầu tư.

Bên cạnh đó, tiến độ giải phóng mặt bằng còn chậm gây ảnh hưởng đến tiến độ thi công dự án, doanh nghiệp còn gặp vướng mắc khi thực hiện thủ tục xin giao đất, cho thuê đất và chuyển mục đích sử dụng đất../.

Theo TTXVN

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/kinh-te/ca-mau-tang-cuong-ket-noi-truc-tiep-dau-tu-voi-cac-nuoc-va-khu-vuc/423499.vgp