Cà Mau khát khô giữa mùa hạn

Trải qua những mùa khô hạn khốc liệt, việc tìm kiếm nguồn nước ngọt dồi dào ở Cà Mau càng thêm cấp thiết. Năm nay cũng vậy, đang cao điểm mùa khô, những khu vực vốn được coi là 'rốn' ngọt của tỉnh Cà Mau đã 'khát khô' vì thiếu nước ngọt.

Kênh, rạch vùng ngọt huyện Trần Văn Thời (tỉnh Cà Mau) cạn khô vì nắng hạn.

Cái nắng cháy da ngày cuối tháng 3 khiến cư dân vùng ngọt của huyện Trần Văn Thời càng thêm bức bối vì “khát nước”. Toàn huyện hiện có hơn 600 hộ dân đang trong tình trạng thiếu nước sinh hoạt.

Lay lắt chờ mưa

Chỉ riêng tại ấp Minh Hà B, trong khoảng 160 hộ dân của ấp này thì có đến 81 hộ thiếu nước sinh hoạt, tập trung chủ yếu bên bờ nam kênh xáng Minh Hà. Bà Lê Thu Đông (ấp Minh Hà B) cho hay: “Dân trong xóm nhiều lần thuê khoan giếng nhưng bất thành vì nước nhiễm phèn, nhiễm mặn không sử dụng được. Lu, khạp… trữ đầy nước mưa, nhưng chưa đến hai tháng mùa hạn đã dùng hết”.

Ấp 6, Ấp 12A và ấp Minh Hà B là ba khu vực thiếu nước sinh hoạt trầm trọng trên địa bàn xã Khánh Bình Đông, chiếm gần 40% tổng số hộ thiếu nước sinh hoạt của toàn huyện Trần Văn Thời. Không khoan được giếng do điều kiện địa chất, dù đã được đầu tư trạm cấp nước tập trung, nhưng do trạm có công suất nhỏ, cho nên chỉ có thể cung cấp nước cho khu vực chung quanh trạm, chưa thể kéo dài đường ống dẫn nước cho những khu vực ở xa...

Người dân xã Biển Bạch (huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau) tiếp nhận nước uống miễn phí từ nhà hảo tâm để giải cơn khát.

Chuyện không khoan được giếng ngầm để lấy nước ngọt cũng là tình trạng ở xã Biển Bạch. Đây cũng là đơn vị cấp xã duy nhất trên địa bàn huyện Thới Bình liên tục tái diễn tình cảnh “khát nước” trong những mùa khô khắc nghiệt. “Hơn nửa tháng nay xã vận động các nhà hảo tâm tặng can nước miễn phí cho dân, nhờ đó, gia đình có nước nấu ăn qua ngày, chứ bỏ tiền ra mua nước thì tốn kém lắm”, bà Trương Thị Tiệp, một trong những hộ nghèo ở Ấp 18 (xã Biển Bạch) cho hay.

Trong mùa hạn năm 2024, trên địa bàn xã Biển Bạch có 581 hộ gia đình bị thiếu và không chủ động được nguồn nước sinh hoạt, tập trung nhiều tại các Ấp 18, 11, Thanh Tùng và Trương Thoại. Trong số này, có khoảng hơn 400 hộ phải mua nước để sử dụng cho các nhu cầu thiết yếu hằng ngày. “Mấy cái lu trữ nước mưa đã dùng hết, giờ phải mua nước bên ngoài, giá từ 40.000-50.000 đồng/mét khối. Gia đình sử dụng tiết kiệm lắm, nhưng một tuần cũng tốn hơn 100.000 đồng tiền nước”, bà Danh Thị Nương, hộ đồng bào Khmer ở ấp Thanh Tùng cho biết...

Nguời dân ấp Minh Hà B (xã Khánh Bình Đông) dùng nhiều lu, khạp… trữ nước mưa nhưng không đủ xài trong mùa khô hạn.

Cà Mau có hơn 233.000 hộ dân sinh sống ở vùng nông thôn, hiện còn hơn 2.600 hộ gia đình bị thiếu nước hoặc không chủ động được nguồn nước ngọt cho sinh hoạt, tập trung chủ yếu tại các huyện vùng ngọt của tỉnh, như: U Minh (461 hộ); Trần Văn Thời (667 hộ); Thới Bình (581 hộ); thành phố Cà Mau (801 hộ)...

Theo ông Lê Công Nguyên, Giám đốc Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn Cà Mau, khu vực “khát nước” ở Cà Mau được phân thành bốn nhóm. Theo đó, nhóm sinh sống ở khu vực thưa thớt, phân tán (613 hộ); nhóm sinh sống gần công trình cấp nước tập trung nhưng chưa tiếp cận được nước nối mạng (1.106 hộ); nhóm sinh sống ở khu vực có hệ thống nước nối mạng nhưng bị xuống cấp, không cung cấp đủ nước sinh hoạt (298 hộ) và nhóm sinh sống tập trung nhưng chưa có công trình cấp nước (603 hộ).

Qua rà soát thực tế nhu cầu nước sinh hoạt của người dân, ngày 26/3 vừa qua, Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau có văn bản chấp thuận việc sử dụng 10 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách để hỗ trợ nước sinh hoạt cho người dân. Trong đó, ưu tiên cho hai nhóm đối tượng đầu bằng cách mua bồn trữ nước cấp phát cho người dân, đồng thời mở rộng tuyến ống dẫn nước cho người dân sử dụng. Đối chiếu với nhu cầu hiện có thì trong thời gian ngắn sắp tới, khoảng 60% hộ dân khu vực thiếu nước sẽ có được nguồn dùng tạm trong mùa khô hạn…

Mong chờ bổ sung nguồn nước ngọt

Hạn hán không chỉ ảnh hưởng đến sinh hoạt mà còn gây nhiều bất lợi đến sản xuất của cư dân vùng ngọt tỉnh Cà Mau. Tại các xã sản xuất hệ nước ngọt của huyện Trần Văn Thời, các kênh, rạch... vùng nội đồng hiện đã cạn khô, nơi còn nước thì cũng ở dưới mực nước chết.

Mất nguồn nước dự trữ, cho nên nhiều tuyến lộ giao thông nằm dọc theo kênh, rạch… của huyện Trần Văn Thời xảy ra sụt lún, sạt lở đất, ảnh hưởng nghiêm trọng đến kết cấu công trình. Tính đến ngày 25/3, toàn huyện đã có 131 tuyến kênh, rạch xảy ra sạt lở, sụt lún đất tại 569 vị trí với tổng chiều dài gần 15.000m. Sụt lún, sạt lở đất đã làm hư hỏng hơn 11.000m đường bê-tông (mặt đường từ 1,5-3m), gần 4.000m đường đất, tổng thiệt hại về tài sản ước tính hơn 20,1 tỷ đồng. Theo Bí thư Huyện ủy Trần Văn Thời Nguyễn Minh Nhứt, trên địa bàn huyện hầu như ngày nào cũng phát sinh vụ việc mới về sụt lún, sạt lở, ảnh hưởng lớn đến giao thương hàng hóa, đi lại của người dân. Đó là chưa tính đến nhu cầu nước ngọt phục vụ sản xuất cho nông dân vùng ngọt.

Kênh, rạch vùng ngọt huyện Trần Văn Thời (tỉnh Cà Mau) kiệt quệ, khô cạn nước ngọt vì nắng hạn khốc liệt.

Cơn khát tại Cà Mau cũng đang tạo ra áp lực không nhỏ lên hệ sinh thái rừng tràm của tỉnh khi có đến khoảng 60% diện tích (gần 25.000 ha) đang dự báo cháy ở mức độ rất cao (từ cấp 4 đến cấp 5).

Với đà nắng nóng và nước bốc hơi nhanh như hiện nay, không lâu nữa, vài nơi trên lâm phần rừng ngập ngọt Cà Mau sẽ không còn nước để chữa cháy rừng nếu xảy ra cháy.

Với đà nắng nóng và nước bốc hơi nhanh như hiện nay, không lâu nữa, vài nơi trên lâm phần rừng ngập ngọt Cà Mau sẽ không còn nước để chữa cháy rừng nếu xảy ra cháy.

Vùng bắc Cà Mau có diện tích tự nhiên hơn 154.000 ha, bao gồm một phần diện tích huyện Thới Bình, thành phố Cà Mau, toàn bộ huyện U Minh và phần lớn diện tích huyện Trần Văn Thời. Khu vực này được quy hoạch sản xuất theo hệ sinh thái ngọt. Nhưng do thủy lợi chưa bảo đảm ngăn mặn, giữ ngọt, cho nên một số khu vực đã chuyển sang luân canh mặn-ngọt theo kiểu thuận thiên với mô hình lúa-tôm. Dẫu vậy, khu vực trên rất cần nước ngọt.

Ở đây, nhu cầu nước ngọt phục vụ cho rửa mặn đồng ruộng để trồng lúa; nước ngọt để xử lý cung cấp cho sinh hoạt hằng ngày; nước ngọt để kênh, rạch... vùng ngọt “no nước” trong mùa hạn, không còn sụt lún, cũng có nguồn nước tưới ruộng vườn, cây ăn trái… Nhu cầu thực tế là vậy nhưng nhiều năm qua, việc tìm nguồn nước ngọt của Cà Mau vẫn chưa được như mong đợi. Đó cũng là nguyên nhân khiến vùng ngọt Cà Mau nhiều lần (mùa khô 2016 và 2020) chịu cảnh mùa màng thất bát, đường sá sụt lún, hư hỏng, nhiều khu vực nông thôn chờ nước cứu khát...

Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau Phan Hoàng Vũ, có ba mặt giáp biển và nằm xa nhất về phía biển cho nên Cà Mau là địa phương duy nhất khu vực Đồng bằng sông Cửu Long không được tiếp nước ngọt từ sông Mê Công. Mọi hoạt động liên quan đến sản xuất, đời sống của người dân đều nhờ tích trữ nước mưa, hoặc khai thác tầng nước ngầm. Vùng đất thấp và chưa có hệ thống trữ nước mưa cho nên mùa mưa thì kênh, rạch vùng ngọt bị ngập, trong khi mùa khô thì lại thiếu nước ngọt. Khi tác động của biến đổi khí hậu ngày càng khốc liệt thì điệp khúc thiếu nước ngọt trong mùa khô hạn khắc nghiệt lại xuất hiện nhiều hơn.

Liên quan câu chuyện dẫn nước ngọt cho vùng Cà Mau, chia sẻ với báo chí bên lề hội nghị công bố quy hoạch và kế hoạch, chính sách, giải pháp thực hiện quy hoạch phòng chống thiên tai và thủy lợi thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050 vào sáng 21/3, Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết, khác với 12 tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Cà Mau chỉ có tích nước tại chỗ (nước mưa) mà chưa có nguồn nước ngọt khác bổ sung. Như huyện Trần Văn Thời, trong mùa khô 2024 này, hiện cơ bản không có nước, gây ra sụt lún, hư hỏng hàng loạt tuyến đường giao thông.

Lực lượng chức năng tỉnh Cà Mau vận chuyển, mở rộng tuyến ống dẫn nước sinh hoạt về khu vực nông thôn thiếu nước sinh hoạt.

Để giải quyết câu chuyện thiếu nước ngọt ở vùng ngọt Cà Mau, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp cho hay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang nghiên cứu hai giải pháp chuyển nước ngọt từ nơi khác về. Thứ nhất, Bộ sẽ cùng tỉnh làm cống âu thuyền Tắc Thủ, khi hoàn thành sẽ ngăn nước mặn chảy từ biển vào. Thứ hai, là nghiên cứu tìm cách chuyển nước từ hệ thống thủy lợi Cái Lớn-Cái Bé qua kênh Chắc Băng và chuyển nước từ hệ thống sông Tiền, sông Hậu qua kênh Quản Lộ-Phụng Hiệp về Cà Mau…

Hàng chục năm qua, các cấp lãnh đạo tỉnh Cà Mau quyết tâm rất lớn trong việc tìm nước ngọt cho những khu vực bị thiếu. Hiện, mục tiêu tìm nước ngọt có sự thay đổi: không phải là ngăn mặn, giữ ngọt triệt để, hoặc bao ví để nhất nhất giữ hay phát triển hệ sinh thái ngọt, mà là “pha loãng” mặn-ngọt, sử dụng nguồn nước hợp lý cho những mô hình phát triển bền vững. Những mô hình thuận thiên ấy đã chứng minh hiệu quả, phù hợp với thực tế và cũng thuận lòng dân.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/ca-mau-khat-kho-giua-mua-han-post802317.html