Cá lóc - món ăn vị thuốc giúp bồi bổ cơ thể

Cá lóc hay còn gọi là cá quả (miền Bắc), cá chuối (miền Trung) là món ăn chứa nhiều khoáng chất, vitamin... Ngoài công dụng chế biến món ăn, cá lóc còn là vị thuốc giúp bổi bổ cơ thể.

Cá lóc (còn có tên là cá quả , cá tràu, cá chuối, cá hoa, cá sộp… ) là giống cá nước ngọt, sinh sống tự nhiên ngoài sông suối, đồng ruộng, ao hồ, kênh rạch. Không chỉ được dùng làm thực phẩm, cá lóc còn được sử dụng trong điều trị bệnh.

Người miền Bắc hay gọi cá lóc là cá quả.

Theo bác sĩ chuyên khoa 2 Huỳnh Tấn Vũ - Đơn vị Điều trị ban ngày, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM (cơ sở 3) cho biết, cá lóc được dùng trong y học cổ truyền với tên thuốc là lệ ngư. Thịt cá lóc có 18,2 mg protein, 2,7 mg lipid, 2,2 mg sắt... Ngoài ra, cá lóc còn có vitamin B2, vitamin PP.

Theo Đông y, cá lóc có vị ngọt, tính bình, không độc, có tác dụng bổ khí huyết, kiện tỳ, tiêu viêm, khu phong thanh nhiệt. Dùng cho các trường hợp đau khớp, phong thấp, phù nề, lở ngứa, trẻ em ăn kém, chậm tiêu, chữa phụ nữ ít sữa, bồi bổ cho người mới khỏi bệnh vì dễ hấp thu.

Một số món ăn bài thuốc từ cá lóc

Chữa lở ngứa lâu ngày không khỏi: Cá lóc 1 con làm sạch, mổ bụng, bỏ hết ruột, nhồi lá ké đầu ngựa vào, buộc chặt, sau đó lấy lá ké đầu ngựa bọc xung quanh mình cá, đốt lửa cho đến khi lớp lá này cháy hết thì gỡ bỏ lá, ăn hết thịt cá trong 1 ngày. Dùng 2-3 ngày.

Chữa mồ hôi trộm: Cá lóc 1 con làm sạch nhớt, đánh vảy, mổ bụng, bỏ hết ruột, sấy khô giòn, tán bột, rây mịn. Ngày uống 3 lần, mỗi lần 10 g chữa mồ hôi trộm, viêm gan, vàng da.

Chữa nhọt trong tai: cá lóc 250 g, cá mực 200 g, đậu phụ 50 g, trám muối 4 quả. Tất cả nấu nhừ. Ăn cả cái lẫn nước.

An thần, kiện tỳ: Cá lóc 500 g, táo đỏ 10 quả, táo tây vỏ đỏ 2 quả, gừng tươi 2 lát, gia vị, dầu thực vật. Cá rán với gừng cho thơm. Táo tây gọt bỏ vỏ, hạt, thái miếng nhỏ. Táo đỏ bỏ hạt. Nấu nước sôi rồi cho tất cả vào, đậy kín, nấu 2 tiếng. Cho gia vị, ăn nóng. Dùng liên tục 10 ngày.

Dùng cho người suy nhược: Cá lóc (1 kg), làm sạch vẩy, bỏ ruột, đầu đuôi, cắt khúc, cho ít nước sôi đun chín, đem gỡ bỏ xương, giã thành nhuyễn cho bông lên, thêm muối tiêu và chút bột gừng lượng thích hợp đảo khô lại trên chảo, để nguội cho vào lọ sạch đậy nắp kín. Dùng cho người cao tuổi, phụ nữ, trẻ em suy nhược, gầy yếu chán ăn; ăn kèm trong các bữa ăn từng đợt 5 - 7 ngày.

Lao phổi, suy nhược: Cá lóc 1 con loại vừa (200- 300g): làm sạch vẩy, bỏ ruột, đầu đuôi, cắt khúc, cho mắm muối, bột tiêu, gừng đập giập, thêm gia vị, nước; nấu nhừ. Mỗi tuần ăn 2 - 3 lần. Dùng cho các trường hợp lao phổi, suy nhược...

Tuy nhiên bác sĩ lưu ý khi có vấn đề về sức khỏe, nên được khám và tư vấn bởi thầy thuốc có chuyên môn. Nếu sử dụng cá lóc như một vị thuốc, cần có tư vấn của thầy thuốc.

Cá lóc vị ngọt, tính bình có tác dụng bổ khí huyết.

Những ai không nên ăn cá lóc?

Cá lóc là món ăn bổ dưỡng, có giá trị dinh dưỡng cao so với các loại thịt khác. Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể ăn được cá lóc. Dưới đây là một số đối tượng cần thận trọng khi sử dụng:

Người bệnh gút: Các loại cá và hải sản như tôm, cua, nghêu, sò,... chứa hàm lượng purin cao. Sau khi vào cơ thể, purin sẽ được chuyển hóa thành axit uric. Nếu có quá nhiều axit uric trong máu có thể dẫn đến bệnh gút. Vì vậy, người bị bệnh gút nên hạn chế ăn cá, trong đó có cá lóc để tránh bệnh trở nên nặng hơn.

Người mắc bệnh gan, thận: Cá lóc chứa hàm lượng protein cao. Sau khi đưa vào cơ thể, protein sẽ được chuyển hóa chủ yếu ở gan và thận. Đối với những người bị tổn thương chức năng gan và thận, việc tiêu thụ quá nhiều protein có thể làm tăng tải trọng cho các cơ quan này từ đó khiến tình trạng bệnh trở nên tồi tệ hơn.

Người dị ứng cá: Cá chứa nhiều protein, có thể gây dị ứng ở một số người. Nếu bạn đã từng bị dị ứng với hải sản thì nên hạn chế ăn cá lóc vì có thể gây ra các triệu chứng như phát ban đỏ, nổi mề đay, ngứa da, đau bụng, tiêu chảy, nôn mửa, hắt hơi, phù nề,...

Người bị rối loạn tiêu hóa: Rối loạn tiêu hóa có thể gây ra các triệu chứng khó chịu như đầy hơi, khó tiêu, tiêu chảy, táo bón,… ảnh hưởng trực tiếp đến sinh hoạt hàng ngày của người bệnh. Những người bị rối loạn tiêu hóa ăn nhiều cá có thể khiến tình trạng bệnh trở nên trầm trọng hơn vì cá chứa nhiều protein.

Món cá lóc kho chứa nhiều dinh dưỡng, song có một số người nên hạn chế sử dụng. Ảnh: SGAT

Những lưu ý khi sử dụng cá lóc

Để nhận được tối đa dưỡng chất có trong loài cá này cũng như hạn chế những tác dụng phụ không mong muốn, bạn phải lưu ý những điều sau:

Không ăn quá 340g cá lóc nấu chín mỗi tuần, vì cá lóc có tính lạnh, dễ gây đau bụng.
Tránh ăn thịt cá lóc sống và nấu chưa chín kỹ vì có thể chứa nhiều vi khuẩn, ký sinh trùng có hại cho cơ thể.
Nấu cá lóc cẩn thận ở nhiệt độ cao trong thời gian đủ lâu để đảm bảo an toàn.
Cá lóc rất ngon và bổ dưỡng nhưng bạn nên lưu ý tránh xương cẩn thận vì thịt cá chứa nhiều xương gãy.
Khi chọn mua cá lóc, bạn nên chọn những con cá có kích thước vừa phải, không quá lớn cũng không quá nhỏ. Thân cá thon dài, không quá tròn, sờ vào chắc, không mềm là cá lóc tươi ngon./.

(Tổng hợp)

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/ca-loc-mon-an-vi-thuoc-giup-boi-bo-co-the-220388.htm