Cả cha và con miệt mài cắm bản, gieo chữ trên đỉnh Cà Đam

Gần 30 năm trước, chàng thanh niên trẻ bỏ phố thị để mang con chữ đến với lớp lớp trẻ em nơi rẻo cao Trà Tân, Trà Bùi (Quảng Ngãi). Nối nghiệp cha, con gái cũng xung phong cắm bản, gieo chữ trên đỉnh Cà Đam.

Người thầy lặng lẽ nơi non cao

Năm 1997, chàng thanh niên Nguyễn Thanh Tuấn, trú xã Trà Bình, huyện Trà Bồng được tuyển dụng vào ngành giáo dục để đứng lớp.

Tình yêu nghề và tình thương dành cho những đứa trẻ đồng bào người Cor níu giữ bước chân người thầy bám trụ từng điểm trường dẫu khó khăn, vất vả chồng chất khi mà đường đi chỉ là lối mòn, lương giáo viên ba cọc ba đồng không đủ sống.

Gần 30 năm bám trường bám lớp nơi non cao, thầy giáo Nguyễn Thanh Tuấn như người cha của từng đứa trẻ dân tộc Cor nơi rẻo cao Ca Đam.

Thấm thoắt thời gian trôi qua, chàng giáo viên trẻ ngày nào giờ ngoài 50, tóc đã ngả màu muối tiêu, giọng nói cũng không còn vang như trước. Dẫu vậy, niềm đam mê với con chữ, gắn bó mật thiết với lớp lớp học trò dướng như vẫn vẹn nguyên.

Dù mưa hay nắng, ngày ngày, người đồng bào Cor nơi rẻo cao Trà Bùi (xã Trà Bùi, huyện Trà Bồng, Quảng Ngãi) ngay bên đỉnh núi Cà Đam, ngọn núi cao nhất Quảng Ngãi, vẫn thấy thấp thoáng bóng dáng thầy giáo Tuấn lặng lẽ mang con chữ đến với những đứa trẻ nghèo khó nơi đây.

Điểm trường lẻ thôn Nước Nia - Trường Phổ thông dân tộc bán trú và THCS Trà Bùi có 2 phòng học với 30 học sinh học ghép từ lớp 1 đến lớp 4. Tại đây, 100% học sinh đều là đồng bào dân tộc thiểu số người Cor.

Thầy Tuấn cho hay, sau khi tốt nghiệp thầy được phân công về dạy bậc tiểu học ở xã Trà Tân, cách nhà khoảng 25km. Đến năm 2010, thực hiện luân chuyển giáo viên theo đề án của huyện Trà Bồng, thầy Tuấn về dạy học tại xã Trà Bùi.

Dù xã Trà Tân và Trà Bùi cách nhau chưa đến 10km, nhưng điểm trường lẻ thôn Nước Nia nơi thầy Tuấn công tác lại xa vời vợi. Để đến trường, từ trung tâm xã phải đi đường vòng gần 60km.

Đều đặn hành trình cõng chữ đến non cao của thầy Tuấn bắt đầu với sáng thứ hai đi xe máy từ nhà đến điểm trường chính báo cáo công tác dạy và học.

Xong việc, thầy chạy xe máy cắt đường qua huyện Sơn Tịnh, đến huyện Sơn Hà, ngược núi về hướng huyện Tây Trà cũ mới về đến đất thôn Nước Nia. Tổng chiều dài quãng đường đến lớp khoảng 60km.

Còn đi đường tắt tầm 20km nhưng không thể đi xe máy được vì đường dốc đá dựng đứng và nhỏ hẹp nên chỉ dùng cho đi bộ.

Miệt mài nắn nót chỉnh từng con chữ cho bầy con thơ.

"Ban đầu lãnh đạo nhà trường phân công tôi dạy ở trung tâm xã, nhưng tôi tình nguyện đi vì mình không nhận thì các cô giáo trẻ khác phải đi. Không lẽ mình đàn ông con trai lại "chọn việc nhẹ nhàng", đẩy phần việc khó khăn cho các giáo viên nữ", thầy Tuấn tâm sự giản dị.

Cứ thế, hành trình đưa đò của người thầy giáo tận tâm với nghề, từng ngày bồi đắp kiến thức cho thế hệ trẻ dưới chân núi Cà Đam lớn lên, trưởng thành. Có người sau này về làm cán bộ xã, có người nối nghiệp thầy cầm phấn.

Hôm chúng tôi đến điểm trường lẻ thôn Nước Nia, trường tiểu học Trà Bùi, nơi đấy là một dãy phòng cấp 4 thấp lè tè, màu sơn cũ kỹ. Phía bên trong là hai phòng học được chia làm 4 lớp học.

Ngôi trường trở nên nhỏ bé, lẻ loi giữa rừng già. Chỉ tay về phía những bộ bàn ghế chất chồng lên nhau cuối lớp học, thầy bảo: Đó là nơi ngủ nghỉ của thầy mỗi ngày vì nơi đây không có nhà công vụ.

"Mình sống cảnh này mấy chục năm rồi nên thấy bình thường. Ở riết thành quen, nhiều khi về nhà nghỉ hè ngủ giường nệm lại nhớ trường, nhớ lớp, nhớ cái "giường" ở đây", thầy Tuấn cười vui.

Dìu bước chân con vào nghề

Trong dãy phòng học ấy có một căn phòng nhỏ tầm 4m2 ở phía cuối, thầy Tuấn cho biết, đó là nơi sinh hoạt của "đồng nghiệp" Nguyễn Thị Ý Mỹ. Ngồi bên cạnh, cô giáo trẻ khúc khích cười: Ba nói thế tội con.

Tấm bảng đen được chia làm 2 phần để dạy cùng lúc hai khối lớp 1 và 2, nhưng cô giáo trẻ Nguyễn Thị Ý Mỹ vẫn luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Trò chuyện mới hay, chị Mỹ là con gái ruột của thầy Tuấn. Từ những ngày xa, khi cô con gái còn học cấp 1, cấp 2, cứ mỗi lần có dịp nghỉ là nằng nặc đòi theo cha lên núi… xem cha dạy học. Những chuyến "phượt" lên non cao cùng cha và cảm nhận về hình bóng người thầy đã ăn sâu vào suy nghĩ của cô gái nhỏ.

Và rồi từ đó cô gái trẻ quyết tâm trở thành cô giáo để nối nghiệp cha. Chị Mỹ được phân công công tác về điểm trường lẻ Trà Bùi nơi có cha công tác.

Từ đó, hai cha con đùm bọc lẫn nhau cùng dạy học, cùng vui buồn nơi non cao để lớp lớp thế hệ học trò nơi đây được học con chữ, được đến trường.

Cơn mưa rừng bất chợt đổ xuống, trời như tối sầm lại, mây mù giăng kín khiến khung cảnh núi rừng Càn Đam trở nên trầm mặc. Ánh đèn điện chập chờn lúc mờ lúc tỏ. Thầy Tuấn bảo, do đường dây điện kéo quá xa, mưa lớn là mối nối bị "mô ve" nên điện tải về yếu.

Dẫu vậy, với cha con thầy giáo Tuấn, từng ấy cũng đã là hạnh phúc rồi, vì những năm trước khi đến đây dạy học, thầy phải dùng đèn dầu để thắp sáng nơi ở vì điện lưới quốc gia chưa đến.

Học thêm “ngoại ngữ”

Với trách nhiệm đứng lớp dạy học sinh khối lớp 1 và 2 nên cô giáo Ý Mỹ khá vất vả vì học sinh vùng cao tiếp cận kiến thức chậm và phần vì các em chưa rành tiếng Việt.

Để dạy học hiệu quả, ngoài được cha hỗ trợ, truyền kinh nghiệm, cô giáo trẻ còn phải học thêm… tiếng Cor.

Ghé ra phía sau dãy trường là mấy lu nước cũ, cô giáo trẻ Ý Mỹ cho biết, đó là lu đựng nước mưa mà hai cha con mang dưới xuôi lên để trữ dùng nấu cơm và thức ăn. Còn tắm giặt và các sinh hoạt khác thì sử dụng nước suối.

"Ban đầu lên nhận công tác háo hức lắm vì lúc đó mới đầu mùa thu nên không khí trong lành, mát mẻ, khung cảnh nên thơ. Nhưng sau vào mùa đông, nhất là những ngày mưa to gió lớn, một mình nằm trong phòng mà sợ lắm. Dần dà rồi cũng quen với cảnh giáo viên cắm bản", cô giáo Ý Mỹ tâm sự.

Nuôi khát vọng con chữ nơi rẻo cao

Con đường dốc quanh co dẫn về điểm trường lẻ thôn Nước Nia nơi cha con thầy Tuấn giảng dạy như một mê cung giữa đại ngàn Đông Trường Sơn. Dẫu còn nhiều thiếu thốn, khó khăn, song hai cha con vẫn miệt mài với sự nghiệp trồng người.

Điểm trường lẻ bên chân núi Cà Đam nơi hai cha con thầy Nguyễn Thanh Tuấn và cô giáo Nguyễn Thị Ý Mỹ miệt mài "trồng người".

Họ tình nguyện "neo con đò cuộc đời" ở mảnh đất trăm bề vất vả này để những đứa trẻ người Cor lớn lên biết con chữ, ra đời tự nuôi sống bản thân và xây dựng quê hương.

Ngày đông, từ phía xa, tiếng con trẻ tập đánh vần vang vọng giữa bốn bề rừng già. Phía bên trong dãy phòng nhỏ ở góc trái cô giáo Ý Mỹ chia tấm bảng đen làm hai phần. Một phần dạy cho học sinh lớp 1, phần còn lại dạy học sinh lớp 2.

Căn phòng học xuống cấp, cũ theo màu thời gian, nhưng bên trong lại ấm cúng vô cùng. Những bức tranh, những tấm biển cổ vũ tinh thần học tập tự tay cô giáo Mỹ làm ra đã tạo nên không gian tươi mới. Giọng cô giáo thanh thót vang lên, bên dưới nhóm học trò đồng thanh đáp lời.

Ở phòng học bên cạnh, ông giáo già Nguyễn Thanh Tuấn cũng chia đôi lớp học thành hai để dạy học sinh lớp 3 và lớp 4. Hết chỉ cho bên này làm toán, thầy Tuấn lại sang dãy bàn bên cạnh chỉ bài tiếng Việt cho các cô cậu trò nhỏ.

Chúng tôi rời núi khi ngày đã dần tắt, đám học trò cũng tan trường rẽ về các con dốc nơi những xóm nhà đã lên đèn. Phía xa xa, cha con thầy giáo Tuấn vẫy tay tạm biệt. Họ ở đó, miệt mài với sự nghiệp trồng người.

Nhờ kinh nghiệm truyền đạt từ cha và nỗ lực của bản thân, cô giáo trẻ Nguyễn Thị Ý Mỹ dần trở thành điểm tựa cho những đứa trẻ nơi rẻo cao.

Điều đọng lại trong tôi là câu nói của thầy Tuấn: Có lẽ mình sống cạnh người đồng bào lâu quá thành ra xem họ như người thân từ lúc nào. Thấu hiểu những vất vả, khó khăn của học sinh và người dân nơi đây nên thầy không đành rời núi.

Nhưng trên hết, từ tận tâm thì chỉ có ngọn lửa yêu nghề mà hai cha con thầy Tuấn mới bám trụ trên mảnh đất này để nhìn từng đứa trẻ khôn lớn, trưởng thành…

Lê Đức

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/cha-con-thay-giao-miet-mai-cam-ban-gieo-chu-tren-dinh-ca-dam-192231120141003196.htm