Buông lỏng quản lý đất đai - Kỳ cuối: Cần nâng cao vai trò, trách nhiệm

Những bất cập, sai phạm trong công tác quản lý đất đai tồn tại qua nhiều thời kỳ, trong khi những chính sách, pháp luật về đất đai liên tục điều chỉnh khiến cho việc xử lý vi phạm gặp nhiều khó khăn, để lại những hệ quả khó giải quyết. Từ thực trạng này, UBND tỉnh Khánh Hòa đã chỉ đạo tăng cường công tác quản lý đất đai trên địa bàn tỉnh.

Vì sao xảy ra sai phạm?

Theo đánh giá của UBND tỉnh, do quá trình đô thị hóa, dân cư biến động dẫn đến tăng nhu cầu về đất phi nông nghiệp nên việc quản lý đất công ích diễn biến phức tạp, còn nhiều tồn tại, thiếu sót. Một số địa phương nhận thức chưa đúng trong công tác quản lý đất công ích nên vẫn còn nhiều bất cập trong việc quản lý sử dụng đất. Cụ thể, tại huyện Vạn Ninh, chưa thực hiện thu hồi đất công ích theo đúng quy định của pháp luật. Tại thị xã Ninh Hòa, việc hoán đổi và thu hồi đất không đúng trình tự… Ngoài ra, trong thời gian gần đây, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra tình trạng chuyển đổi mục đích sử dụng đất không đúng quy định; công tác thanh tra, kiểm tra việc quản lý, sử dụng đất đai chưa được thực hiện thường xuyên, các vi phạm xảy ra nhưng chưa được xử lý kịp thời. Một số địa phương có biểu hiện buông lỏng quản lý đất đai làm ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự, môi trường đầu tư, định hướng phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Khu vực cánh đồng thôn Quang Đông (xã Ninh Đông, thị xã Ninh Hòa) có diện tích đất được cấp cho người dân không trùng với giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Bên cạnh đó, việc cho thuê quỹ đất công ích bộc lộ nhiều sai phạm, có nơi cho thuê nhưng không có hợp đồng, hoặc có hợp đồng nhưng lại sử dụng quá thời hạn ghi trên hợp đồng làm thất thoát ngân sách nhà nước; có nơi có diện tích đất công ích trên thực tế ít hơn diện tích trên hồ sơ quản lý hoặc không rõ ranh giới, vị trí, không được bàn giao cụ thể qua các thời kỳ; công tác bàn giao hồ sơ, tài liệu qua các thời kỳ của một số cơ quan, xã, phường không chặt chẽ, không có biên bản bàn giao hồ sơ, danh sách hoặc giấy tờ liên quan đến quỹ đất công ích mà nhiệm kỳ trước bàn giao; cán bộ, công chức khi luân chuyển công tác không bàn giao cho người kế nhiệm. Điều này khiến địa phương không nắm rõ chính xác số liệu diện tích, thửa đất, nguồn gốc sử dụng đất, quá trình biến động đất đai.

Theo bà Nguyễn Thị Hồng Hải - Quyền Chủ tịch UBND thị xã Ninh Hòa, nguyên nhân dẫn đến những tồn tại trong công tác quản lý đất công ích tại địa phương là trong một thời gian dài, khi thực hiện các công trình công cộng ảnh hưởng đến đất của các hộ dân, thuộc trường hợp thu hồi đất nhưng các xã, phường đã không đề xuất thu hồi đất, bồi thường theo quy định của Luật Đất đai mà tự ý thỏa thuận hoán đổi đất với các hộ dân. Từ đó dẫn đến việc cơ quan chức năng không có cơ sở pháp lý để chỉnh lý biến động giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ), ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân. Điều này còn làm phát sinh những khiếu kiện, khiếu nại kéo dài trong thời gian qua.

Tăng cường quản lý đất đai

Tại huyện Vạn Ninh, từ năm 2021 đến nay có 22 trường hợp ở xã Vạn Thạnh và 16 trường hợp ở xã Vạn Thọ đề nghị UBND huyện cấp GCNQSDĐ (nhận chuyển nhượng bằng giấy tờ viết tay) nhưng bị từ chối giải quyết. Trong đó, trường hợp ông Trương Văn Vinh và bà Huỳnh Thị Kiều đã khởi kiện ra tòa. Ngày 9-8-2022, Tòa án nhân dân tỉnh đã tuyên buộc UBND huyện Vạn Ninh cấp GCNQSDĐ cho ông Vinh, bà Kiều. Không đồng ý với phán quyết của tòa, UBND huyện Vạn Ninh đã có đơn kháng cáo đến Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng. Nhằm tránh các khiếu kiện kéo dài, đảm bảo các quyền lợi hợp pháp cho người dân, ngày 22-8, UBND tỉnh có văn bản giao Thanh tra tỉnh tổ chức thanh tra chuyên đề về công tác quản lý, sử dụng đất trên địa bàn huyện Vạn Ninh (trước mắt là tại xã Vạn Thạnh và xã Vạn Thọ). UBND tỉnh yêu cầu UBND huyện Vạn Ninh tổ chức kiểm tra, xử lý việc người dân sử dụng đất có nguồn gốc của Nhà nước quản lý; kiểm tra, rà soát chặt chẽ về nguồn gốc đất, quá trình sử dụng đất để giải quyết cấp GCNQSDĐ đúng quy định của pháp luật, tránh xảy ra sai phạm.

Khu vực đất công ích ở xã Suối Cát (huyện Cam Lâm) bị người dân lấn chiếm, xây nhà từ nhiều năm nay.

Ngày 24-11, UBND TP. Nha Trang có văn bản yêu cầu UBND các xã, phường rà soát, thống kê chi tiết, theo dõi biến động, số thửa, nguyên nhân biến động đối với quỹ đất công ích và quỹ đất nông nghiệp ngoài quỹ đất công ích (đất hoang, đất bị thu hồi, đất do tổ chức, cá nhân trả lại hoặc tặng cho quyền sử dụng đất cho Nhà nước chưa giao, chưa cho thuê, bị lấn chiếm). Trong đó, các địa phương phải xác định rõ, đầy đủ các thửa đất đủ điều kiện sản xuất nông nghiệp để đưa vào danh sách đất công ích và thực hiện quản lý, cho thuê đúng quy định của Luật Đất đai. Các trường hợp hoang hóa hoặc không đủ điều kiện để sản xuất thì căn cứ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được phê duyệt, lập phương án sử dụng đất để đảm bảo quản lý chặt chẽ và sử dụng hiệu quả. Cùng với đó, thành phố yêu cầu các xã, phường rà soát đất công ích đang được địa phương cho thuê, tiến hành thanh lý hợp đồng cho thuê không đúng thẩm quyền, hợp đồng đã hết thời hạn, không đúng thời hạn.

Một lãnh đạo UBND huyện Vạn Ninh cho biết, để khắc phục các tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý nhà nước về đất đai và trật tự xây dựng, UBND huyện đã yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương tăng cường chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hơn nữa vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, chính quyền trong công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng, bảo đảm chấp hành nghiêm các quy định, văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh; tuyệt đối không được buông lỏng trách nhiệm quản lý, kiên quyết xử lý nghiêm đối với các trường hợp sai phạm. UBND các xã, thị trấn cần tiếp tục thực hiện có hiệu quả kế hoạch xử lý các trường hợp vi phạm về đất đai, trật tự xây dựng tồn đọng từ những năm trước và tập trung giải quyết dứt điểm các vụ việc vi phạm phát sinh trong năm 2023.

Theo ông Hồ Văn Mừng - Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Nha Trang, ngày 28-4-2022, Thành ủy Nha Trang đã ban hành Nghị quyết số 18 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác quản lý đất đai, khoáng sản, trật tự xây dựng và trật tự mỹ quan đô thị. Sau hơn 1 năm triển khai Nghị quyết số 18, UBND thành phố đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính 377 trường hợp trong lĩnh vực đất đai với số tiền hơn 2,3 tỷ đồng; 112 trường hợp trong lĩnh vực trật tự xây dựng với số tiền gần 4 tỷ đồng. Thành ủy đã chỉ đạo các địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm túc, quyết liệt, thường xuyên và có hiệu quả Nghị quyết số 18, đảm bảo 100% trường hợp vi phạm được phát hiện và xử lý kịp thời.

Một lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết, muốn thực hiện tốt công tác quản lý đất đai thì phải hoàn thiện điều tra, đánh giá tài nguyên đất, đảm bảo cung cấp đầy đủ thông tin, tư liệu về số lượng, chất lượng, tiềm năng và môi trường đất phục vụ cho việc hoạch định chính sách và ban hành quyết định của cơ quan nhà nước trong lĩnh vực quản lý và sử dụng đất. Đồng thời, xây dựng hệ thống đăng ký đất đai hiện đại với quy trình, thủ tục cơ bản được tự động hóa bằng công nghệ số; triển khai thống nhất hồ sơ địa chính dạng số được chỉnh lý biến động thường xuyên đầy đủ, kịp thời. Thời gian tới, Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ hoàn thiện hệ thống quy hoạch - kế hoạch sử dụng đất với vai trò công cụ quản lý nhà nước về đất đai, đảm bảo phân bổ tài nguyên đất đai hợp lý, quản lý và sử dụng đất hiệu quả. Sở cũng sẽ thường xuyên thực hiện các cuộc kiểm tra, thanh tra quản lý đất đai theo kế hoạch và đột xuất nhằm kịp thời phát hiện sai phạm để ngăn ngừa và chấn chỉnh công tác quản lý, sử dụng đất ở các địa phương.

Ông NGUYỄN TẤN TUÂN - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh: Để tăng cường công tác quản lý đất đai, UBND tỉnh đã giao Sở Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh, Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai cấp huyện thực hiện nghiêm túc quy định về tách thửa, hợp thửa theo quy định. Đối với công tác quản lý đất công ích, UBND tỉnh giao UBND cấp huyện kiểm tra UBND cấp xã thực hiện việc rà soát, thống kê diện tích đất công ích bị lấn chiếm, sử dụng không đúng mục đích, việc ký hợp đồng cho thuê đất sai quy định, lập hồ sơ quản lý đất công ích để kịp thời chấn chỉnh những tồn tại và xử lý nghiêm các sai phạm theo quy định của pháp luật. Chủ tịch UBND cấp huyện chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh về công tác quản lý đất đai trên địa bàn. Các trường hợp vi phạm mà không bị xử lý thì Chủ tịch UBND cấp huyện xử lý trách nhiệm Chủ tịch UBND cấp xã, kiên quyết đẩy lùi tình trạng vi phạm trong công tác quản lý đất đai trong thời gian tới.

V.KỲ - M.HÙNG - T.THỊNH

Kỳ 1: Sai sót trong việc cấp sổ đỏ

Kỳ 2: Chiếm dụng đất công

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/phong-su/202312/buong-long-quan-lydat-dai-ky-cuoi-can-nang-cao-vai-tro-trach-nhiem-2aa2755/