Buồn hay vui khi Việt Nam 'ngộ độc... HCV' ở ABG5?

Hôm nay 3.10, Đại hội thể thao bãi biển châu Á (ABG5) bế mạc tại TP Đà Nẵng. Chủ nhà Việt Nam xuất sắc nhất toàn đoàn nhưng thành tích này lại khiến cho nhiều người phải trăn trở. Thậm chí còn…

Chủ nhà Việt Nam "vô đối ở ABG5. Ảnh: H.Long

Chủ nhà Việt Nam đoạt tổng cộng đến 52 HCV, bỏ xa đoàn xếp thứ 2 - Thái Lan (36 HCV) đến 16 HCV. Một điều gây ngạc nhiên khác là Việt Nam xếp trên cả những cường quốc như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc... Đó giống như một chiến công đáng ngợi ca nhưng nhìn thẳng vào toàn cuộc tranh tài là một điều khó giải thích nổi.

Khi nhắc đến các môn thể thao bãi biển thì ai cũng nghĩ ngay đến các môn như lướt ván, dù bay, thuyền buồm, bóng đá bãi biển, bóng ném, bóng chuyền… nhưng “ca khó” là không nhiều các môn bãi biển được tổ chức tại Đại hội thể thao bãi biển ABG5, thay vào đó là các môn trong nhà thuộc thế mạnh của Việt Nam như vovinam, võ cổ truyền, vật, đá cầu… Nguyên nhân có thể lý giải là chúng ta còn khó khăn nên không thể tổ chức được hết những môn thể thao bãi biển.

Quan trọng hơn cả là chuyện chủ nhà Việt Nam dẫn đầu xuyên suốt ABG5 có sự đóng góp rất lớn từ thành tích của những môn thế mạnh kể trên. Điển hình như chúng ta giành trọn 7 HCV ở môn vật, Muay cũng góp nhiều HCV… Một ví dụ khác là chỉ tính đến ngày 28.9, chủ nhà Việt Nam giành 31 HCV, vượt xa chỉ tiêu đưa trước giải là cố gắng có 18-22 HCV trong cả giải đấu. Có thể ví von là Việt Nam đã “ngộ độc” HCV tại ABG5.

Khán giả xem ABG5 được chứng kiến nhiều môn không thuộc thể thao bãi biển. Ảnh: H.Long

Chuyện giành quá nhiều HCV và bỏ xa những cường quốc về thể thao bãi biển như Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản khiến cho nhiều người nhớ lại cuộc tranh tài từng giành rất nhiều HCV của thể thao Việt Nam trong quá khứ: Đại hội thể thao học sinh Đông Nam Á năm 2013, một kỳ Đại hội khiến nhiều người ngán ngẩm thành tích đạt được của Việt Nam năm đó.

Năm 2013, chúng ta sắm vai trò chủ nhà tại Đại hội thể thao học sinh Đông Nam Á. Kết thúc giải, Việt Nam giành hơn cả trăm huy chương, trong đó có 50 HCV và xếp thứ nhất. Nhưng chẳng ai lấy làm vinh dự, thậm chí xấu hổ với căn bệnh thành tích của thể thao Việt Nam.

Đơn giản là các nước khác hầu hết chỉ dùng VĐV được chọn từ trường phổ thông còn Việt Nam chọn những Ánh Viên, Nguyễn Thị Oanh ra thi đấu. Dù không phạm luật khi họ đúng là học sinh nhưng ai cũng hiểu chơi như thế là không đẹp, tầm cỡ Ánh Viên lúc đó chuẩn bị gặt HCV SEA Games thì lấy HCV ở sân chơi học sinh chẳng khác nào “lấy đồ trong túi”.

Đến năm 2014, một câu chuyện đáng suy ngẫm khác lại xảy ra khi Bộ Giáo dục - đào tạo cử đoàn thể thao sinh viên Việt Nam dự Đại hội thể thao sinh viên Đông Nam Á tại Indonesia, nhưng nòng cốt hầu hết là các VĐV chuyên nghiệp. Điển hình như “nữ hoàng tốc độ” Vũ Thị Hương cũng đi thi đấu điền kinh ở Đại hội này.

Từ câu chuyện của Đại hội thể thao học sinh Đông Nam Á cách đây 3 năm đến ABG5, một vấn đề là chuyện cử VĐV và một chuyện là môn thi đấu, nhưng thật sự khiến nhiều người phải suy ngẫm về ngôi nhất toàn đoàn của chủ nhà Việt Nam. Liệu có thuyết phục và chúng ta vui hay buồn?

THIÊN LỘC

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/the-thao/buon-hay-vui-khi-viet-nam-ngo-doc-hcv-o-abg5-597649.bld