Bước nhảy hoàn vũ: Chiêu trò thắng thế

PN - Bước nhảy hoàn vũ không thắng trong chuyên môn khiêu vũ mà thắng trong bài toán kinh tế, thắng cả khán giả khi cung cấp đúng cái nhiều người cần - những trò vui. Còn chuyện nhảy nhót? Ai quan tâm chứ!

Qua bốn đêm thi thố của chương trình Bước nhảy hoàn vũ (BNHV) trên sóng VTV3, khán giả đã có thể lờ mờ nhận ra điểm chung xuyên suốt là sự chiến thắng của các chiêu trò cả trên lẫn bên ngoài sân khấu và dường như chuyên môn khiêu vũ không phải là thứ quan trọng nhất ở sân chơi này.

Dẫu chưa kết thúc, Bước nhảy hoàn vũ 2012 được dự đoán sẽ “chắc thắng” trong kinh doanh - Ảnh: LVPH

Lạm dụng “bưng bê” là cái dễ thấy nhất ở những cặp đôi không mạnh về khả năng khiêu vũ. Thay vì nhảy, họ bồng nhau lên, quay vòng, lặp lại động tác cho... hết thời gian, dù mỗi tiết mục chỉ khoảng hai phút. Trường hợp phải thực sự nhảy, họ đẩy phần khó cho vũ công, chỉ giữ vai trò hỗ trợ, trong khi lẽ ra phải là ngược lại. Bên cạnh đó, hầu như những cặp còn lại cho đến vòng thi này đều cho thấy họ có khả năng diễn trò tốt hơn. Một Huỳnh Đông vào vai chàng thủy thủ hay Quách Ngọc Ngoan phục trang theo lối “cướp biển” đã thu hút và phân tán sự chú ý của khán giả vào năng lực nhảy múa của họ. Tương tự, Minh Hằng, Minh Quân, Vân Trang cũng gây chú ý nhờ khả năng biểu cảm, diễn xuất. Không thể trách họ nếu không muốn nói ngược lại, rằng họ rất thông minh khi tìm cách chơi để thắng.

Dạo quanh các diễn đàn, lắng nghe dư luận khán giả sau mỗi đêm thi, điều thường xuyên nghe được không phải là ai nhảy tốt hơn mà là ai diễn vui hơn, ai mặc đồ đẹp hơn. Rõ ràng trong mắt khán giả, BNHV không phải là một cuộc thi khiêu vũ mà chỉ là một gameshow mà cả tính chất lẫn cách thể hiện khác rất xa với phiên bản Dancing with the star, càng xa so với So you think you can dance? ở nước ngoài. Trong hệ quy chiếu ấy, việc ban tổ chức (BTC) để mặc thí sinh diễn trò hoặc thí sinh dốc sức cho các video clip giới thiệu, cho quần áo, đạo cụ cũng là lẽ đương nhiên, miễn sao khán giả thấy vui mắt là đủ.

Không chỉ tung chiêu trên sân khấu, từ “vụ án đạo giọng” đến thư “tự thú, giải trình” của BTC và Minh Quân, rồi lại “nghi án chân đau” của Minh Hằng kéo theo hàng loạt lời giải thích của những người liên quan, đều trở thành đề tài bàn tán và đều bị kết luận là cách để thu hút dư luận theo đúng format của những chương trình truyền hình ăn khách. Ngay lúc này, dù cuộc chơi vẫn chưa kết thúc, công chúng đã kịp được nhận thông tin không thể kiểm chứng nhưng dễ suy đoán rằng kết quả BNHV đã có từ một số blogger và những người hành nghề “PR dạo”. Đương nhiên thông tin càng nhiễu loạn càng khiến người ta bán tín bán nghi và chú ý chương trình nhiều hơn. Các fanclub thì hẹn nhau nhắn tin bênh vực thần tượng. Khán giả thì bất bình cho những người nhảy tốt hơn, diễn tốt hơn và cũng sẵn lòng “rút điện thoại vì công lý”. Nếu đem so với những chương trình ít “chiêu trò” hơn diễn ra cùng thời gian như Tiếng hát mãi xanh, Bài hát yêu thích thì liveshow mang tên BHNV hoàn toàn có ưu thế hơn hẳn. Họ không thắng trong chuyên môn khiêu vũ mà thắng trong bài toán kinh tế, thắng cả khán giả khi cung cấp đúng cái nhiều người cần - những trò vui. Còn chuyện nhảy nhót? Ai quan tâm chứ!

HOÀNG HƯNG

Nguồn Phụ Nữ TP.HCM: http://www.phunuonline.com.vn/2012/Pages/buoc-nhay-hoan-vu-chieu-tro-thang-the.aspx