Bước đột phá trong xây dựng ngân hàng đề thi

NGND.PGS.TS Hồ Sĩ Đàm - Chủ biên Chương trình GDPT 2018 môn Tin học, chia sẻ những điểm đáng lưu ý để có sản phẩm ngân hàng đề thi chất lượng...

Học sinh Trường THCS-THPT Ban Mai (Hà Đông, Hà Nội). Ảnh: NTCC

Bày tỏ đồng tình với định hướng xây dựng ngân hàng câu hỏi thi tốt nghiệp THPT có tính mở, NGND.PGS.TS Hồ Sĩ Đàm - Chủ biên Chương trình GDPT 2018 môn Tin học, đồng thời chia sẻ những điểm đáng lưu ý để có sản phẩm chất lượng.

Lợi ích “kép”

- Bộ GD&ĐT định hướng xây dựng ngân hàng câu hỏi thi Kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 có tính mở, phát huy trí tuệ toàn ngành. Quan điểm của ông về định hướng này?

- Tôi cho rằng, định hướng này có tính đột phá, đổi mới tư duy sẽ mang lại nhiều hiệu quả. Như GS.TS Nguyễn Ngọc Hà - Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT) đã trao đổi trên báo chí. Cách tiếp cận mở, mới này huy động được nhiều giáo viên, chuyên viên giáo dục của cả nước, tạo nguồn đề phong phú, sát với kết quả dạy và học. Làm được điều này, ngân hàng đề sẽ phục vụ hiệu quả không chỉ cho việc ra đề thi tốt nghiệp THPT, mà còn cả công tác kiểm tra, đánh giá thường xuyên, định kỳ trong quá trình dạy và học ở các nhà trường.

Các cơ sở giáo dục có được nguồn đề phong phú để tham khảo, tự so sánh, đánh giá nhằm hoàn thiện nguồn đề kiểm tra đánh giá thường xuyên và định kỳ, đảm bảo hòa nhập với mặt bằng chất lượng giáo dục chung các vùng miền khác nhau trên cả nước. Qua đó, tạo động lực để mỗi địa phương có giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục sao cho “bằng chị, bằng em”.

Cách làm này còn tạo cơ hội cho giáo viên thể hiện được tâm huyết, năng lực bản thân, tạo nguồn nhân lực ngày càng phát triển, có chất lượng về làm ngân hàng đề thi cho cả trường, sở và Bộ GD&ĐT; tránh lựa chọn cán bộ theo cảm nhận của lãnh đạo, đôi khi chọn đối tượng không phù hợp, khó đáp ứng yêu cầu khách quan, chất lượng.

Bên cạnh đó, trong quá trình tham khảo, đánh giá khách quan ngân hàng đề thi giúp giáo viên, cán bộ quản lý có cơ sở điều chỉnh quan niệm còn chưa chuẩn xác về yêu cầu cần đạt, nội dung cốt lõi của Chương trình GDPT 2018 cần thể hiện đúng trong các đề thi, kiểm tra.

- Từ trước đến nay, công tác làm đề thi luôn tối mật. Cách ra đề có tính mở rất mới, theo ông có thể gặp phải những khó khăn như thế nào?

- Cách làm mới tất yếu sẽ gặp khó khăn nhất định. Trước hết là nhận thức về vai trò, trách nhiệm tham gia từ cán bộ quản lý các cấp, đơn vị chức năng đến cộng đồng giáo viên. Tránh coi đây là cơ hội có nguồn đề để khai thác, áp dụng cho địa phương mà xem nhẹ trách nhiệm đóng góp xây dựng nguồn đề, nhất là trong các năm đầu sẽ ít về số lượng và chất lượng chưa cao.

Cách tiếp cận về kiểm tra, đánh giá của Chương trình GDPT 2018 là theo năng lực và dựa vào yêu cầu cần đạt của chương trình. Hai điểm đổi mới cốt lõi này còn mới đối với giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục. Tuy Bộ GD&ĐT có nhiều văn bản hướng dẫn, nhưng thói quen dựa vào nội dung có trong sách giáo khoa không chỉ trong dạy và học mà cả thi, đánh giá thường xuyên, định kỳ và đề thi tốt nghiệp đã ăn sâu, không dễ thay đổi một sớm, một chiều.

Đề thi tốt nghiệp THPT cơ bản dựa vào nội dung, yêu cầu cần đạt của chương trình lớp 12. Trong khi năm 2025 là năm đầu thực hiện Chương trình GDPT 2018 ở lớp 12. Trải nghiệm dạy và học theo chương trình mới chưa nhiều, có thể ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng nguồn đề thi tốt nghiệp và kiểm tra đánh giá thường xuyên, định kỳ do địa phương đề xuất. Điều này phải mất ít nhất một, hai kỳ thi mới nâng cao được số và chất lượng. Vì vậy, Bộ GD&ĐT nên có sự chủ động xây dựng ngân hàng đề thi cho kỳ thi đầu tiên đổi mới.

PGS.TS Hồ Sĩ Đàm. Ảnh: NVCC

Quán triệt về định hướng và đầu tư nguồn lực, thời gian

- Ông có những gợi ý, đề xuất gì cho hoạt động xây dựng ngân hàng câu hỏi thi Kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025?

- Tôi cho rằng, trước hết cần quán triệt đổi mới về thi, đánh giá theo năng lực, dựa trên yêu cầu cần đạt của chương trình. Coi trọng cả đánh giá thường xuyên, định kỳ và thi tốt nghiệp. Đồng thời, cần quán triệt tiêu chí để xét tốt nghiệp theo định hướng dựa vào kết quả của các hoạt động này. Bởi vậy, không nên quá thiên lệch, chỉ chú trọng làm đề thi tốt nghiệp THPT.

Giữa đề thi tốt nghiệp THPT và đánh giá thường xuyên, định kỳ có liên quan chặt chẽ, bổ trợ cho nhau; nhưng cũng có khác biệt. Ví dụ, đề thi tốt nghiệp THPT, cấu trúc đề có hạn chế với chỉ hai, ba dạng trắc nghiệm khách quan. Trong khi đó, đề kiểm tra đánh giá thường xuyên, định kỳ cần đa dạng hơn; có tự luận, trắc nghiệm khách quan, cả thực hành, thực hiện dự án, tạo sản phẩm. Câu hỏi trắc nghiệm khách quan cũng phong phú, có cả điền khuyết, ghép cặp, câu hỏi ngắn…

Theo tôi, Bộ GD&ĐT tập trung chủ yếu về ngân hàng đề thi tốt nghiệp THPT theo cấu trúc đã xác định; còn các địa phương lo về đề thi đánh giá thường xuyên và định kỳ. Như vậy sẽ đánh giá kết quả dạy và học toàn diện, việc xét tốt nghiệp đảm bảo chuẩn xác hơn.

Tránh cấu trúc đề thi tốt nghiệp chủ yếu theo dạng thức trắc nghiệm khách quan chi phối, ảnh hưởng quá sâu đến cấu trúc đề kiểm tra, đánh giá định kỳ của giáo viên, cơ sở giáo dục.

Do vậy, việc phối kết hợp của Vụ Giáo dục Trung học và Cục Quản lý chất lượng rất quan trọng, đảm bảo sự nhất quán, phân công trọng tâm trách nhiệm rõ ràng để việc xét tốt nghiệp toàn diện, thực chất.

Một điều quan trọng là những giáo viên, chuyên gia được lựa chọn để xây dựng ngân hàng đề cần tập huấn kỹ lưỡng về Chương trình GDPT 2018, kiến thức nghiệp vụ, kỹ năng ra đề và cần đạt chứng chỉ sau tập huấn. Dựa vào kết quả tập huấn để chọn lọc nhân sự sẽ khách quan, chất lượng, không chỉ cho Bộ GD&ĐT xây dựng ngân hàng đề thi tốt nghiệp THPT, mà cả địa phương xây dựng ngân hàng đề phục vụ công tác đánh giá thường xuyên và định kỳ.

Hiện có khoảng 10 trường đại học tổ chức thi đánh giá theo năng lực, có ngân hàng đề được xây dựng nhiều năm, cần rà soát tuyển chọn, chỉnh sửa cho sát với Chương trình GDPT 2018 để đưa vào ngân hàng đề.

Do nguồn đề tuyển chọn từ nhiều địa phương, chất lượng khác nhau, việc thẩm định, chọn lọc, sửa đổi, điều chỉnh nguồn đề đòi hỏi công phu, nên cần đầu tư nguồn lực, thời gian, giải pháp cụ thể và kế hoạch hiệu quả để thực hiện. Trong đó có chế độ, kinh phí bồi dưỡng xứng đáng cho giáo viên, chuyên viên có đề xuất đề nguồn và chuyên gia thẩm định, chọn lọc và chỉnh sửa để đưa vào ngân hàng đề.

Giáo viên Phenikaa School phân tích đề thi tốt nghiệp THPT cho học sinh. Ảnh: NTCC

Tăng cường đầu tư cho môn thi mới

- Năm 2025, lần đầu tiên môn Tin học được đưa vào Kỳ thi tốt nghiệp THPT. Ông có lưu ý, đề xuất gì khi xây dựng đề thi với môn học này?

- Cũng như các môn học khác, lần đầu đổi mới cách tiếp cận xây dựng ngân hàng đề thi nên có nhiều thách thức, khó khăn cần quan tâm giải quyết. Môn Tin học lần đầu là môn thi tự chọn (bình đẳng như 9 môn học khác), chưa có trải nghiệm nhiều trong việc xây dựng ngân hàng đề thi nên khó khăn gấp bội. Các cấp quản lý giáo dục cần quan tâm đầu tư tăng cường đặc biệt cho môn Tin học.

Cụ thể, khó khăn lớn nhất là phải thay đổi nhận thức cho lãnh đạo, quản lý các cấp, thấm nhuần hơn nữa năng lực tin học là một trong các năng lực đặc thù của mọi môn học, cần có đối với mọi học sinh. Lâu nay bất cập ở chỗ, nhận thức và chủ trương có thể có, ai cũng thấy năng lực tin học tối cần thiết cho mọi người trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0; nhưng thực tế triển khai lại rất đáng quan ngại.

Tin học không là môn thi, không có trong tổ hợp xét thi tốt nghiệp nên bị coi là “môn phụ”, ít quan tâm. Tôi không hiểu vì lý do gì mà trong ngân hàng đề thi đánh giá năng lực để tuyển sinh hầu hết trường đại học không có câu hỏi nào về năng lực tin học, dẫu rằng đây là một trong những năng lực bắt buộc phải có đối với mỗi học sinh. Ngay cả gần 170 khoa, trường đại học có tuyển sinh ngành Công nghệ thông tin cũng không có môn Tin học trong các tổ hợp môn tuyển sinh.

Khoảng cách giữa định hướng, chủ trương đúng và sự thật về triển khai thực tế còn khá xa. Các bất cập nêu trên dẫn đến hệ lụy nhiều trường THPT hạn chế, thậm chí có trường không đưa môn Tin học vào các tổ hợp môn học để học sinh lựa chọn. Tình trạng này đáng báo động, bởi có thể dẫn đến một bộ phận học sinh cả cấp học THPT hoàn toàn không được học Tin học.

Cùng đó, nhiều năm qua, vấn đề thi kiểm tra đánh giá việc dạy và học môn Tin học chưa được thực hiện bài bản, có chất lượng như các môn học khác. Chuyên viên phụ trách môn Tin học và giáo viên Tin học ít có kinh nghiệm trong xây dựng ngân hàng đề, nay đòi hỏi phải cố gắng gấp bội.

Chương trình GDPT 2018 môn Tin học có nhiều đổi mới khá căn bản, cập nhật tính hiện đại, thay đổi cách tiếp cận, nên có thể nói ngân hàng đề thi hầu như chưa có, chưa có gì nhiều để kế thừa. Ví dụ, Chương trình GDPT 2006, lớp 12 chỉ có một chủ đề là “Cơ sở dữ liệu”; còn với Chương trình GDPT 2018, chủ đề này được dạy và học ở lớp 11.

Thay vào đó, Chương trình GDPT 2018 môn Tin học lớp 12 có 7 chủ đề hoàn toàn mới. Điều này là tất yếu vì Tin học phát triển nhanh, cần cập nhật kiến thức mới. Tuy nhiên, sự thay đổi này là thách thức không nhỏ để xây dựng ngân hàng đề thi theo định hướng mới.

Thêm nữa, dẫu rằng Chương trình GDPT 2018 xác định rõ ràng nội dung môn Tin học gồm 3 mạch kiến thức hòa quyện là: Học vấn số hóa phổ thông, Tin học ứng dụng (ICT), Khoa học máy tính (CS). Tuy nhiên không ít người cho rằng, năng lực tin học chỉ có kỹ năng sử dụng máy tính, tức chỉ có mạch kỹ năng học vấn số phổ thông (thực chất là tin học văn phòng), không quan tâm thích đáng đến mạch kiến thức Khoa học máy tính. Điều này cần quan tâm, nếu không sẽ ảnh hưởng đến chất lượng không chỉ việc dạy và học, mà còn thể hiện trong quá trình xây dựng ngân hàng đề thi.

Theo định hướng, đề thi tốt nghiệp cơ bản dựa theo chương trình lớp 12, trong khi ở lớp 10, 11 có nhiều chủ đề cốt lõi, nhiều thời lượng cho cả cấp học. Điều này đòi hỏi cần có trao đổi thảo luận rộng rãi để có sự thống nhất trước, quán triệt thấu đáo cho giáo viên, cán bộ quản lý, tránh thiếu nhất quán giữa các địa phương.

Do đó, việc cần là tập huấn cho giáo viên, cán bộ quản lý môn Tin học sâu, đúng trọng tâm hơn về Chương trình môn Tin học 2018 và cấu trúc đề thi tốt nghiệp môn Tin học. Ví dụ, tập huấn xây dựng ma trận đề, đặc tả đề thi cho một số chủ đề quan trọng, có nhiều tiết học, cách tạo đề trắc nghiệm khách quan sao cho có chất lượng.

- Cấu trúc đề thi chỉ có 2 dạng trắc nghiệm khách quan, chưa thi được thực hành Tin học trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT. Vậy đề thi phải thiết kế thế nào để có thể khắc phục hạn chế, đánh giá được tốt nhất năng lực học sinh?

- Yêu cầu cần đạt trong chương trình GDPT chú trọng để học sinh làm ra sản phẩm thông qua thực hành, bài tập nhóm, dự án. Ở lớp 12, tổng thời lượng thực hành, làm sản phẩm cho định hướng Tin học ứng dụng (ICT) chiếm khoảng 50% và cho định hướng Khoa học máy tính (CS) khoảng 35%. Điều này đòi hỏi trọng số (tỷ lệ tiêu chí xét tốt nghiệp) đánh giá phải tương xứng.

Tôi quan niệm, ngân hàng đề phục vụ cả việc làm đề thi tốt nghiệp THPT và đánh giá thường xuyên, định kỳ sẽ có nhiều dạng thức khác nhau, không chỉ có 2 hoặc 3 dạng trắc nghiệm khách quan. Nên phủ hết các dạng thức khác, có tự luận, thực hành và cả dạng câu hỏi trắc nghiệm khách quan. Có thể cần chú trọng hơn đánh giá thường xuyên, định kỳ về sản phẩm làm được của học sinh.

Đối với môn Tin học, không đòi hỏi phải tốn kém kinh phí nhiều để làm ra sản phẩm. Thông qua làm sản phẩm phát triển được năng lực vận dụng, giải quyết vấn đề, phát triển khả năng sáng tạo, làm việc nhóm, giao lưu bạn bè rất hiệu quả. Kết quả thi tốt nghiệp THPT cũng chỉ là một tiêu chí để xét tốt nghiệp cho học sinh. Bởi vậy, không để cấu trúc đề thi tốt nghiệp chi phối quá mức sẽ ảnh hưởng đến chất lượng đánh giá thường xuyên, định kỳ, kéo theo việc xét tốt nghiệp thiếu toàn diện.

Cũng cần nói thêm rằng, câu hỏi trắc nghiệm khách quan cũng có thể đánh giá về thực hành, dù rằng chủ yếu ở mức biết, hiểu. Thêm nữa, trắc nghiệm khách quan cũng có thể đánh giá tư duy, năng lực sáng tạo, giải quyết vấn đề, dẫu rằng điều này là không dễ; người ra đề cần có kinh nhiệm, hiểu yêu cầu cần đạt trong chương trình thấu đáo, có hiểu biết tốt về nghiệp vụ xây dựng đề thi.

- Xin cảm ơn ông!

Ngân hàng đề thi chỉ bao gồm các câu hỏi với 2 dạng trắc nghiệm khách quan có hạn chế là khó đánh giá năng lực học sinh thông qua sản phẩm một cách hiệu quả. Tuy nhiên về cơ bản có thể đánh giá được nếu ngân hàng đề được xây dựng có chất lượng. Tất nhiên, xây dựng câu hỏi đáp ứng yêu cầu đòi hỏi có kiến thức kỹ năng nghiệp vụ tốt, chuyên tâm và trách nhiệm cao.

Hải Bình (Thực hiện)

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/buoc-dot-pha-trong-xay-dung-ngan-hang-de-thi-post679313.html