Bước đột phá phát triển giao thông ở Tuyên Quang

Ngày 31-12-2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 2275/QĐ-TTg phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ kết nối với cao tốc Nội Bài - Lào Cai từ hình thức BOT sang hình thức đầu tư công. Tuyến đường cao tốc sẽ tạo động lực quan trọng, bước đột phá về giao thông để các tỉnh Tuyên Quang, Hà Giang phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng-an ninh và thúc đẩy phát triển du lịch; đáp ứng nhu cầu của du khách trong nước và quốc tế về thăm Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Tân Trào, Kim Bình,...

Một góc TP Tuyên Quang.

Một góc TP Tuyên Quang.

Ngày 31-12-2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 2275/QĐ-TTg phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ kết nối với cao tốc Nội Bài - Lào Cai từ hình thức BOT sang hình thức đầu tư công. Tuyến đường cao tốc sẽ tạo động lực quan trọng, bước đột phá về giao thông để các tỉnh Tuyên Quang, Hà Giang phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng-an ninh và thúc đẩy phát triển du lịch; đáp ứng nhu cầu của du khách trong nước và quốc tế về thăm Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Tân Trào, Kim Bình,...

Công trình kết nối quan trọng

Theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ kết nối với cao tốc Nội Bài - Lào Cai có chiều dài hơn 42 km kết nối giữa các khu công nghiệp quan trọng của các tỉnh Tuyên Quang, Phú Thọ với Khu công nghệ cao Hà Nội; bảo đảm kết nối thông thương giữa các địa phương, rút ngắn thời gian di chuyển từ Hà Giang, Tuyên Quang và các huyện Đoan Hùng, Thanh Ba, Phù Ninh của tỉnh Phú Thọ về Hà Nội. Dự án được phân kỳ đầu tư thành hai giai đoạn. Giai đoạn 1 (2021 - 2023) gồm các hạng mục: Giải phóng mặt bằng với quy mô hoàn chỉnh nền đường rộng 17 m, mặt đường rộng 11 m, với hai làn xe cơ giới mỗi làn rộng 3,5 m và hai làn xe hỗn hợp mỗi làn rộng 2 m, phần giữa hai làn xe cơ giới rộng 5 m để mở rộng mặt đường trong giai đoạn 2; kết cấu mặt đường cấp cao A1; hệ thống cầu, cống thoát nước, hầm giao thông dân sinh, nút giao, đường gom được đầu tư theo thiết kế được duyệt. Trong giai đoạn này chưa tiến hành thu phí. Giai đoạn 2 thực hiện sau năm 2025, gồm đầu tư hoàn chỉnh với quy mô theo chủ trương được duyệt tại Quyết định số 1768/QĐ-TTg ngày 6-12-2019 của Thủ tướng Chính phủ khi được bố trí vốn, cụ thể: Vận tốc thiết kế Vtk = 80 km/giờ, nền đường rộng 17 m, mặt đường rộng 14 m, quy mô bốn làn xe cơ giới, mỗi làn rộng 3 m,...

Ngay sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư, với quyết tâm cao và quyết liệt, các sở, ban, ngành của tỉnh Tuyên Quang đã phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành của tỉnh Phú Thọ hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư. Ngày 25-1-2021, Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang có Quyết định số 77/QĐ-UBND phê duyệt điều chỉnh dự án với tổng mức đầu tư gần 3.113 tỷ đồng, trong đó, thực hiện đầu tư giai đoạn 1 là 2.653 tỷ đồng, giai đoạn 2 gần 460 tỷ đồng. Đến nay, đã hoàn thiện xong đề cương, nhiệm vụ khảo sát, thiết kế, đang triển khai các bước lựa chọn nhà thầu tư vấn đáp ứng đủ năng lực để thực hiện. Dự kiến trong tháng 4-2021 sẽ thực hiện xong công tác khảo sát, thiết kế kỹ thuật, tháng 5-2021 sẽ thực hiện xong công tác lựa chọn nhà thầu, đủ điều kiện để triển khai thi công xây dựng công trình.

Là công trình đáp ứng sự mong mỏi của người dân các địa phương có đường đi qua nên các hộ dân trong diện giải phóng mặt bằng đồng tình ủng hộ cao chủ trương thu hồi đất để xây dựng tuyến đường. Tại địa phận tỉnh Tuyên Quang đã phê duyệt xong phương án bồi thường và đã chi trả tiền bồi thường, bàn giao mặt bằng được hơn 98%. Địa phận tỉnh Phú Thọ có 1.909 hộ, tổ chức thuộc diện thu hồi cũng đã kiểm kê, phê duyệt phương án bồi thường và chi trả tiền bồi thường đối với các hộ dân có đất nông nghiệp, đang hoàn thiện phương án bồi thường đối với đất phi nông nghiệp, theo kế hoạch sẽ hoàn thành 100% công tác giải phóng mặt bằng trong tháng 4-2021.

Đột phá phát triển hạ tầng

Trong những năm qua, được sự quan tâm và tạo điều kiện của Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành trung ương và từ quyết tâm cao của Tỉnh ủy, UBND, HĐND tỉnh, cùng sự chung tay góp sức của chính quyền địa phương, các cấp, ngành, sự ủng hộ của nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh, hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông của tỉnh Tuyên Quang đã và đang được hoàn thiện tương đối đồng bộ, đan xen, kết nối, liên hoàn với trung tâm các tỉnh, thành phố lân cận, với Thủ đô Hà Nội và các trung tâm kinh tế trọng điểm như Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Hải Phòng, Quảng Ninh…, ngày càng thu hút các nhà đầu tư đến với tỉnh Tuyên Quang, đưa Tuyên Quang trở thành tỉnh phát triển khá trong các tỉnh miền núi phía bắc, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng trong khu vực. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang có 6.138,28 km đường giao thông chính (không kể đường ngõ xóm, đường chuyên dùng). Trong đó, có bảy tuyến quốc lộ (QL 2, QL 2C, QL 2D, QL 3B, QL 37, QL 279, QL 280), với tổng chiều dài 563,77 km đều đã và đang được đầu tư xây dựng mặt đường cơ bản vào cấp, 100% mặt đường có kết cấu bê-tông nhựa, bê-tông xi-măng hoặc láng nhựa, bảo đảm đi lại thuận lợi cho người dân. Đường tỉnh gồm ba tuyến (ĐT 185, ĐT 186 và ĐT 189) với tổng chiều dài 451,43 km, tạo thành trục giao thông chính của tỉnh, giúp kết nối từ các trung tâm huyện, các khu dân cư, các khu công nghiệp trong tỉnh đến các tuyến quốc lộ và các tỉnh lân cận. Còn các tuyến đường đô thị có tổng chiều dài 303,88 km, đường huyện tổng chiều dài 1.141,14 km, đường xã, trục thôn dài 3.678,06 km. Tuy nhiên, hiện nay Tuyên Quang vẫn là tỉnh còn nhiều khó khăn, hệ thống giao thông chủ yếu là đường bộ cấp thấp, không có đường sắt và đường hàng không. Mặc dù có nhiều tiềm năng về phát triển du lịch, công nghiệp và có vị trí địa lý gần Thủ đô Hà Nội nhưng do những hạn chế nêu trên dẫn đến chưa kích thích được tăng trưởng mạnh kinh tế - xã hội.

Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang lần thứ 17, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã xác định, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, đô thị động lực và hạ tầng công nghệ thông tin đồng bộ, theo hướng hiện đại là một trong ba khâu đột phá, cho nên ngay sau khi kết thúc đại hội, Sở Giao thông vận tải đã chủ trì, tham mưu, xây dựng và được HĐND tỉnh thông qua Đề án bê-tông hóa đường giao thông nông thôn và xây dựng cầu trên đường giao thông nông thôn giai đoạn 2021 - 2025 với mục tiêu: Phấn đấu thực hiện bê-tông hóa hơn 1.080 km đường thôn và đường nội đồng bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật theo quy định; xây dựng ít nhất 200 cầu nhỏ với khẩu độ 8-12 m trên đường giao thông nông thôn, đồng thời chủ động phối hợp với các ngành xây dựng Đề án phát triển kết cấu hạ tầng, ưu tiên hạ tầng giao thông, đô thị động lực và hạ tầng công nghệ thông tin. Bên cạnh đó, ngành giao thông vận tải cũng đã phối hợp các ngành, tham mưu với tỉnh khởi công dự án sửa chữa tuyến đường ĐT 186 đoạn từ Sơn Nam đến Khu công nghiệp Long Bình An; tuyến ĐT 188 từ thị trấn Chiêm Hóa đến Lâm Bình; hoàn thành dự án sửa chữa nền, mặt đường tuyến ĐT 185 đoạn từ Phúc Yên đến Khau Cau, huyện Lâm Bình; công trình cầu Tình Húc vượt sông Lô, thành phố Tuyên Quang; triển khai các dự án sửa chữa nền, mặt đường trên các tuyến quốc lộ ủy thác; xây dựng một số cầu treo dân sinh và bê-tông hóa đường giao thông nội đồng; cùng với thực hiện nhiệm vụ của ngành về duy tu bảo dưỡng thường xuyên hệ thống đường bộ bảo đảm giao thông thông suốt, an toàn trong mọi tình huống.

Trong thời gian tới, ngành giao thông vận tải sẽ tiếp tục phối hợp các ngành tham mưu, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm để phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, trong đó sẽ triển khai các dự án trọng điểm có tính liên kết vùng, làm động lực để phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng và kết nối các khu dân cư, khu đô thị trọng điểm mới như: Đường từ Khu du lịch suối khoáng Mỹ Lâm đến quốc lộ 2D kết nối với đường cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ; Dự án đầu tư xây dựng cầu và tuyến đường tránh thị trấn Sơn Dương; Dự án cầu Xuân Vân; Dự án cầu Bạch Xa; trục phát triển trung tâm thành phố đến Khu du lịch suối khoáng Mỹ Lâm; Đường tránh QL 2 hướng từ trung tâm thành phố Tuyên Quang đi Km31 đường Tuyên Quang - Hà Giang đến QL 2 (xã Thái Sơn, huyện Hàm Yên), cải tạo, nâng cấp QL37 đoạn qua địa phận tỉnh Tuyên Quang; QL 2C từ Khu di tích lịch sử quốc gia Kim Bình, huyện Chiêm Hóa đến thị trấn Na Hang, huyện Na Hang (Km189+500 - Km250+990)... Đồng thời, thực hiện các nhiệm vụ quy hoạch để hoàn thiện mạng lưới giao thông đường bộ của tỉnh theo hướng đồng bộ, hiện đại, liên kết các vùng phát triển kinh tế - xã hội trong và ngoài tỉnh như quy hoạch đường cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang kết nối với cửa khẩu quốc tế Thanh Thủy, Hà Giang; các tuyến QL 2C kéo dài qua khu danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt Na Hang - Lâm Bình, QL 2D kéo dài qua Khu công nghiệp Long Bình An, kết nối với tỉnh Vĩnh Phúc, QL 3B kéo dài kết nối với tỉnh Yên Bái; tuyến đường tỉnh ĐT 187 mới; các tuyến đường huyện và trục phát triển đô thị mới trên địa bàn các huyện, thành phố Tuyên Quang.

Việc đầu tư xây dựng tuyến đường cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ kết nối với cao tốc Nội Bài - Lào Cai là hết sức cần thiết, tạo động lực quan trọng để kết nối giao thông tuyến Phú Thọ, Tuyên Quang đi cửa khẩu quốc tế Thanh Thủy (Hà Giang) tạo điều kiện thuận lợi trong việc giao lưu hàng hóa nội địa và xuất khẩu; đồng thời tăng tính kết nối giữa các khu công nghiệp của các tỉnh Tuyên Quang, Hà Giang, Phú Thọ với các tỉnh vùng xuôi và đặc biệt là rút ngắn thời gian di chuyển về Thủ đô Hà Nội và ngược lại, góp phần tích cực trong việc thúc đẩy phát triển ngành du lịch, một thế mạnh trong phát triển kinh tế-xã hội của các tỉnh Tuyên Quang và Hà Giang.

LAN HƯƠNG

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/tin-tuc-kinh-te/buoc-dot-pha-phat-trien-giao-thong-o-tuyen-quang--636112/