Bước đi quan trọng của Myanmar

Sự thành công của cuộc bầu cử bổ sung vừa qua ở Myanmar là một bước đi có ý nghĩa trọng đại đối với đất nước chùa Vàng, trong bối cảnh Naypyidaw đang triển khai mạnh mẽ tiến trình cải cách dân chủ, mở đường cho việc phát triển kinh tế, tăng cường hội nhập khu vực và quốc tế.

Ngày 1/4, khoảng 6,8 triệu cử tri Myanmar đã đi bỏ phiếu trong một kỳ bầu cử lịch sử với việc lần đầu tiên các đảng phái khác xuất hiện cùng với đảng cầm quyền tại các điểm bỏ phiếu. Trong nỗ lực thực hiện cam kết tiến hành bầu cử một cách công bằng, tự do và minh bạch, Chính phủ Myanmar đã mời hơn 200 quan sát viên, bao gồm các quan chức ngoại giao, nghị sỹ và phóng viên, đại diện cho tất cả các quốc gia trong khối ASEAN và 6 nước đối tác đối thoại của ASEAN, cũng như Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), Liên hợp quốc tới Myanmar chứng kiến cuộc bầu cử Quốc hội bổ sung lần này.

Theo kết quả sơ bộ được Ủy ban bầu cử liên bang Myanmar chính thức công bố trên đài phát thanh và đài truyền hình quốc gia một ngày sau bầu cử, Đảng Liên minh Quốc gia vì Dân chủ (NLD) đã giành được đa số ghế trong cuộc bầu cử quốc hội bổ sung ở nước này. Theo đó, trong số 45 ghế được bầu bổ sung, đảng đối lập Liên minh Dân tộc vì Dân chủ (NLD) của bà Aung San Suu Kyi giành được 40 ghế, trong đó có 35 ghế Hạ viện, 3 ghế Thượng viện và 2 ghế đại biểu khu vực hoặc bang. Sau khi kết quả sơ bộ được công bố, bà San Suu Kyi bày tỏ hy vọng về một "kỷ nguyên mới" cho Myanmar và hy vọng tất cả các đảng tham gia bầu cử sẽ hợp tác với NLD nhằm tạo ra không khí dân chủ cho đất nước.

Mặc dù kết quả bầu cử trên không ảnh hưởng tới quyền kiểm soát đa số của Đảng Liên minh Đoàn kết và Phát triển (USDP) cầm quyền tại Quốc hội Myanmar, do số đại biểu được bầu lần này chỉ chiếm khoảng 7% tổng số ghế tại cả Thượng và Hạ viện nhưng cuộc bầu cử vẫn có ý nghĩa quan trọng đối với tất cả các đảng phái chính trị tại Myanmar vì nhiều lý do.

Thứ nhất, đây là cuộc bầu cử đầu tiên kể từ khi chính phủ dân sự hiện nay nhậm chức hồi tháng 3/2011, với sự tham gia tranh cử của nhiều chính đảng với 157 ứng cử viên, trong đó có 7 ứng cử viên độc lập, đua tranh vào 45 ghế, gồm 37 ghế Hạ viện, 6 ghế Thượng viện và 2 ghế tại các cơ quan lập pháp cấp khu vực và cấp bang. Thứ hai, sự tham gia của NLD trong quá trình tranh cử và bầu cử và sự trở lại chính trường sau nhiều năm của nhân vật đối lập là bà Suu Kyi được coi là một trong những bằng chứng rõ nét chứng tỏ quyết tâm cải cách dân chủ của xứ sở chùa Vàng. Thứ ba, qua kết quả bầu cử, cả USDP và NLD sẽ có được sự đánh giá đúng đắn nhất về niềm tin của người dân đối với mình, để từ đó có những sách lược hợp lý tiến tới cuộc tổng tuyển cử vào năm 2015.

Cuộc bầu cử cũng không chỉ có ý nghĩa quan trọng đối với các chính đảng tại Myanmar mà nó còn có ý nghĩa như một "sự sát hạch" của cộng đồng quốc tế đối với những cải cách theo hướng dân chủ của nước này. Đối với hình ảnh của quốc gia, cuộc bầu cử ở Myanmar là minh chứng thuyết phục mới nhất về quyết tâm cải cách đời sống chính trị, tạo tiền đề cho việc thúc đẩy mạnh mẽ phát triển kinh tế của đất nước chùa Vàng. Theo đó, những cải cách dân chủ theo đúng lộ trình 7 bước của nước này sẽ khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài chọn Myanmar vào danh sách những điểm đến tiềm năng cho hoạt động đầu tư và kinh doanh. Nhận định chung của giới phân tích đều cho rằng những nhà đầu tư nước ngoài có trách nhiệm sẽ đóng một vai trò quan trọng trong quá trình cải cách ở Myanmar, không chỉ xét trên khía cạnh tạo công ăn việc làm, mà còn mang tới những kinh nghiệm quý báu trong lĩnh vực quản lý những công nghệ tiên tiến nhất.

Đáng chú ý là ngày diễn ra cuộc bầu cử trên cũng là ngày mà chính sách thả nổi tỷ giá hối đoái có kiểm soát của Myanmar chính thức có hiệu lực. Nhật báo Ánh sáng mới của Myanmar nêu rõ mục đích chính của chương trình này là việc thống nhất hệ thống hối đoái phức tạp cũng như từng bước xóa bỏ những rào cản trong giao dịch và thanh khoản quốc tế. Cùng với dự thảo luật đầu tư mới đang được Quốc hội Myanmar xem xét, đây là quyết định có tác dụng quan trọng tới nội dung cải cách cần thiết, nhằm tạo nền tảng xây dựng một môi trường có sức hút lớn đối với các nhà đầu tư nước ngoài, mà trong đó dự kiến Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) sẽ đảm nhiệm một vai trò lớn.

Quốc Chính

Nguồn TG&VN: http://www.tgvn.com.vn/Item/VN/ThoiSu/2012/4/0D1CA751270A821C/