Bước đầu thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ

Sau hơn 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VII và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ VI, Thái Nguyên đạt nhiều thành tựu to lớn. Năm 1992, Thái Nguyên mở chiến dịch gieo cấy 2 vạn héc-ta lúa mùa sớm.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII của Đảng (họp từ ngày 24 đến 27/6/1991) đã thông qua Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, Chiến lược ổn định và phát triển kinh tế -xã hội đến năm 2000.

Quán triệt tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VII và căn cứ vào đặc điểm tình hình của địa phương, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên lần thứ VI (vòng 2, ngày 26/9/1991) đã đề ra mục tiêu tổng quát trong 5 năm là: Ổn định và phát triển kinh tế-xã hội, hình thành về cơ bản cơ cấu kinh tế hàng hóa nhiều thành phần nhằm cải thiện đời sống nhân dân, giữ vững ổn định về chính trị.

Sau hơn 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VII và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ VI, Thái Nguyên đạt nhiều thành tựu to lớn. Năm 1992, Thái Nguyên mở chiến dịch gieo cấy 2 vạn héc-ta lúa mùa sớm, năng suất đạt 30 tạ/ha, sản lượng lương thực đạt 193.140 tấn, giải quyết cơ bản tình trạng đói giáp hạt trong nông dân.

Trong những năm sau, sản lượng lương thực không ngừng tăng lên, đạt 256.085 tấn vào năm 1996. Năm 1996, diện tích trồng chè trên địa bàn tỉnh đạt 8.965ha (tăng 2523ha so với năm 1992), sản lượng chè đạt 19.540 tấn (tăng gần 38% so với năm 1990).

Chăn nuôi tiếp tục phát triển: Trong 6 năm (1991-1996), đàn trâu, bò tăng từ 134.023 con, lên 150.868 con; đàn lợn tăng từ 255.514 con, lên 314.633 con.

Về lâm nghiệp, Thái Nguyên khuyến khích phát triển kinh tế đồi rừng, đổi mới cơ chế đầu tư vốn, thay đổi cơ cấu cây trồng, mở rộng diện tích cây ăn quả, cây đặc sản, đẩy nhanh việc hoàn thành kế hoạch trồng rừng theo Dự án PAM.

Trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiếp, từ năm 1991 đến 1996, giá trị sản xuất công nghiệp từ hơn 713 tỷ đồng đã tăng lên gần 1.800 tỷ đồng (152,4%). Tốc độ tăng giá trị sản xuất công nghiệp bình quân 6 năm (1991-1996) là 124,3%.

Đối với các xí nghiệp quốc doanh do địa phương quản lý, Thái Nguyên sắp xếp lại, chỉ đầu tư vào những xí nghiệp làm ăn có hiệu quả; số còn lại giải thể hoặc chuyển đổi hình thức sở hữu. Các xí nghiệp chế biến gỗ, chế biến khoáng sản, vật liệu xây dựng, Liên hiệp Gang thép, Luyện kim mầu, Y cụ, Công ty Kim khí, than là những đơn vị sản xuất, kinh doanh có hiệu quả…

Tính chung trong thời gian 1991-1995, Thái Nguyên đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân mỗi năm 8,8%. Cơ cấu kinh tế có bước chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa. Hoạt động kinh tế đối ngoại được mở rộng, kim ngạch xuất khẩu tăng gần 3 lần, mức sống của gần 70% dân số được cải thiện rõ rệt, 10% hộ có tích lũy…

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/dat-va-nguoi-thai-nguyen/202311/buoc-dau-thuc-hien-cuong-linh-xay-dung-dat-nuoc-trong-thoi-ky-qua-do-557017c/