Bước đầu hiện thực hóa kỳ vọng

(baodautu.vn) Sau 1 năm điều hành, Chính phủ trong nhiệm kỳ mới với hàng loạt các quyết sách và biện pháp điều hành kịp thời, đồng bộ, có tác động sâu rộng và lâu dài, nhiều kết quả đạt được khá quan trọng đang tạo lập nền tảng phát triển bền vững toàn diện, cũng xuất hiện những vấn đề cần giải pháp mới và hứa hẹn đột phá mới.

Nhận dạng đầy đủ và đánh giá chính xác thực trạng kinh tế Việt Nam, trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều diễn biến bất lợi, Chính phủ đã kịp thời ban hành và tổ chức thực hiện có hiệu quả những quyết sách và biện pháp phù hợp tác động mạnh trong ngắn hạn, vừa tạo nền tảng phát triển dài hạn, tổng thể và nhất quán của nền kinh tế, phù hợp với bản chất của nền kinh tế thị trường và Chiến lược phát triển kinh tế- xã hội giai đoạn 2011-2012.

Mục tiêu kiên định, chính sách linh hoạt

Có thể nói Nghị quyết 11 (ban hành ngày 24/2/2011) đã tạo bước ngoặt cơ bản trong điều hành kinh tế và là bước tiến quan trọng để chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ chiều rộng sang chiều sâu. Kết quả là lạm phát từ 2 con số năm 2011 giảm xuống một con số và có tháng đạt dưới 1%, kinh tế vĩ mô ổn định. Đây là sự khẳng định thành công và hiệu quả của chính sách điều hành vĩ mô của Chính phủ có tác động rõ ràng trong tức thời và ngắn hạn.

Khi những biện pháp của Nghị quyết 11 có khả năng tạo ra những tác dụng ngược với mục tiêu đặt ra là làm suy giảm khá lớn tốc độ tăng trưởng, các biện pháp điều chỉnh được áp dụng kịp thời như nới lỏng chính sách tiền tệ và tài khóa, giảm nhanh lãi suất, điều chỉnh thuế thu nhập và thực hiện các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp, hỗ trợ nông nghiệp và xuất khẩu nông sản...để thúc đẩy tăng trưởng và bảo đảm việc làm.

Chính phủ cũng đã kịp thời công bố Đề án cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế, trong đó, có các trụ cột là tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, ngân hàng và đầu tư công.

Tính minh bạch của các giao dịch trong nền kinh tế cũng được quan tâm, thể hiện ở việc công bố công khai các khoản nợ xấu của ngân hàng, các khoản lỗ rất lớn của các tổng công ty và tập đoàn kinh tế nhà nước cũng như tình trạng kém hiệu quả của đầu tư công như Vinashin, Vinalines, EVN... Đồng thời, giải pháp xử lý các khoản nợ công cũng được công khai như thành lập công ty mua bán nợ công để tìm giải pháp tối ưu và hiệu quả nhất xử lý các khoản nợ công này phù hợp với điều kiện của Việt Nam và không làm giảm vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước.

Mới đây, Thủ tướng chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 929/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước, trọng tâm là tập đoàn, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2011-2015”. Theo Đề án này, doanh nghiệp Nhà nước được chia làm 3 nhóm: Nhà nước nắm giữ 100% vốn, trên 50% và các đơn vị thua lỗ kéo dài, cần bán vốn.

Chính phủ cũng hết sức coi trọng việc xây dựng và khai thác có hiệu quả hệ thống thông tin, sử dụng ý kiến của các chuyên gia, các nhà khoa học trong và ngoài nước, ý kiến của các tầng lớp nhân dân một cách kịp thời, nhiều chiều và có hiệu quả. Các diễn đàn khoa học được tổ chức và những cuộc đối thoại trực tuyến giữa các thành viên trong Chính phủ cùng với các cuộc thảo luận trong kỳ họp quốc hội cho thấy nguồn thông tin đã sát thực, cụ thể và có nguồn gốc rõ ràng, góp phần nâng cao năng lực điều hành của Chính phủ.

Còn nhiều điểm phải khắc phục

Bên cạnh những kết quả đạt được trên đây và có thể xem đó là những thành công rất đáng trân trọng của một năm điều hành của nhiệm kỳ mới của Chính phủ, có thể thấy một số điểm hạn chế.

Việc điều hành vẫn thiên về xử lý tình huống và vụ việc, thiếu sự cân đối và tạo thống nhất chặt chẽ giữa các biện pháp xử lý ngắn hạn với các biện pháp phát triển mang tính cơ bản, gốc rễ và dài hạn trong tổng thể của quá trình chuyển đổi cơ bản mô hình tăng trưởng. Trong nhiều thời điểm, sự phối hợp vẫn chưa thật nhịp nhàng giữa các cơ quan quản lý nhà nước với nhau cũng như với cộng đồng doanh nghiệp. Hầu như cộng đồng doanh nghiệp bị động trước những điều chỉnh chính sách và biện pháp áp dụng cho nên khó có thể điều chỉnh chiến lược và kế hoạch kinh doanh phù hợp.

Chẳng hạn việc cắt giảm đầu tư công chưa gắn với khuyến khích đầu tư tư nhân thỏa đáng và kịp thời, nếu chưa nói là cần có sự đón đầu. Chủ trương giảm mạnh lãi suất của Ngân hàng nhà nước theo chỉ đạo của Chính phủ là đúng đắn, phù hợp và kịp thời nhưng cộng đồng doanh nghiệp tiếp cận nguồn lãi suất ưu đãi không được thuận lợi như mong đợi. Điều này còn gây ra tình trạng chần chừ, chờ đợi của doanh nghiệp làm giảm tác dụng kịp thời của chính sách.

Vẫn còn hiện tượng lúng túng và bị động trong việc cụ thể hóa các chủ trương thành chương trình hành động cụ thể của từng cấp, từng ngành và địa phương. Chẳng hạn, Đề án tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế là một quyết sách quan trọng và có tính bước ngoạt nhằm giải quyết những khó khăn nội tại của nền kinh tế Việt Nam, đã được Quốc hội thảo luận và thông qua nhưng việc cụ thể hóa thành chương trình hành động của các Bộ, ban, ngành, địa phương thiếu kịp thời và đồng thời.

Mục tiêu xác định trong từng giai đoạn còn khá nhiều dẫn đến khó khăn trong việc lựa chọn mục tiêu ưu tiên và dễ dẫn đến tính trạng phản ứng ngắn hạn, cục bộ, gây chia cắt nguồn lực, lợi ích nhóm, thiếu chiến lược phát triển và kế hoạch thực hiện nhất quán, đồng bộ và cụ thể hóa theo mục tiêu thống nhất đặt ra.

Để giảm thiểu những hạn chế và phát huy có hiệu quả các kết quả đạt được trong những năm tiếp theo, cần có thêm sự “quyết tâm” thực hiện các giải pháp. Kiên định theo đuổi việc thực hiện chuyển đổi mô hình tăng trưởng làm mục tiêu dài hạn, đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế với trọng tâm là doanh nghiệp nhà nước, đầu tư công và hệ thống ngân hàng được coi là phương thức để phát huy có hiệu quả các nguồn lực cơ bản và quyết định đến việc thực hiện mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô và nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Các đột phá chiến lược cũng cần được coi là điều kiện hỗ trợ thực hiện mục tiêu lâu dài này. Lấy việc thực hiện thành công Đề án tổng thể cơ cấu lại nền kinh tế làm khâu trọng tâm thực hiện trong những năm tới của Chính phủ để thu hút nhiều hơn nguồn lực và sự ủng hộ cộng đồng doanh nghiệp, tầng lớp nhân dân và đối tác nước ngoài. Các Bộ, ban, ngành, địa phương cần có Đề án cơ cấu lại chi tiết phù hợp với đơn vị và địa phương nhằm góp phần thực hiện Đề án tổng thể, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ vừa cấp bách, vừa cơ bản của giai đoạn phát triển mới kết hợp với đào tạo dài hạn nguồn nhân lực theo những tiêu chuẩn và yêu cầu của công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Nguồn Đầu Tư: http://www.baodautu.vn/portal/public/vir/baivietkinhtedautu/repository/collaboration/sites%20content/live/vir/web%20contents/chude/kinhtedautu/chinhsachvimo/bd5c748a7f00000100f380dedd6f2522