Bùng nổ sinh con năm Rồng, bức tranh dân số Trung Quốc có bớt ảm đạm?

Nhiều em bé được sinh ra tại các bệnh viện trên khắp Trung Quốc trong năm con Rồng, sự gia tăng này có thể làm dịu đi sự suy giảm dân số vào năm 2024 và mang lại niềm vui cho các nhà hoạch định chính sách, theo hãng tin tài chính Yicai.

Yicai cho biết cung hoàng đạo Rồng của Trung Quốc được cho là đặc biệt tốt lành và dữ liệu từ các bệnh viện trong dịp Tết Nguyên đán bắt đầu vào ngày 10/2 cho thấy số lượng trẻ sơ sinh đã tăng "đáng kể".

Nhiều em bé được sinh ra tại các bệnh viện trên khắp Trung Quốc trong năm con Rồng.

Tờ báo dẫn thông tin một bệnh viện ở Vô Tích, miền đông Trung Quốc, báo cáo số trẻ sơ sinh tăng 20% so với một năm trước, trong khi một bệnh viện ở tỉnh Thiểm Tây phía tây bắc báo cáo số ca sinh mới tăng 72% so với năm 2023.

Tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc gắn chặt với tỷ lệ sinh vì các bà mẹ chưa kết hôn thường bị từ chối trợ cấp nuôi con. Vào năm ngoái, số lượng đăng ký kết hôn đã tăng lần đầu tiên sau vài năm do "tồn đọng" từ đại dịch.

Các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc đang lo lắng về tỷ lệ sinh giảm trong bối cảnh dân số đang già đi nhanh chóng, trong đó Chủ tịch Tập Cận Bình năm ngoái đã nói rằng cần phải "tích cực nuôi dưỡng một nền văn hóa mới về hôn nhân và sinh con" để phát triển đất nước.

Tuy nhiên, nhiều người trẻ đang lựa chọn sống độc thân hoặc trì hoãn việc kết hôn do triển vọng việc làm kém, tỷ lệ thanh niên thất nghiệp kỷ lục và niềm tin tiêu dùng thấp thường xuyên khi tăng trưởng ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới chậm lại.

Dân số giảm năm thứ hai liên tiếp

Dân số Trung Quốc đã giảm năm thứ hai liên tiếp vào năm 2023 đã đẩy nhanh sự suy thoái và gây ảnh hưởng lâu dài sâu sắc đến tiềm năng tăng trưởng của nền kinh tế.

Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc cho biết tổng dân số Trung Quốc đã giảm 2,08 triệu người, tương đương 0,15%, xuống còn 1,409 tỷ người vào năm 2023.

Số ca sinh mới giảm 5,7% xuống 9,02 triệu và tỷ lệ sinh thấp kỷ lục 6,39 ca sinh trên 1.000 người, giảm so với tỷ lệ 6,77 ca sinh vào năm 2022.

Tỷ lệ sinh ở nước này đã giảm mạnh trong nhiều thập kỷ do chính sách một con được thực hiện từ năm 1980 đến năm 2015 và quá trình đô thị hóa nhanh chóng trong thời kỳ đó.

Giống như những đợt bùng nổ kinh tế trước đây ở Nhật Bản và Hàn Quốc, một lượng lớn dân số đã di chuyển từ các trang trại nông thôn của Trung Quốc đến các thành phố, nơi việc sinh con tốn kém hơn.

Tỷ lệ sinh của Nhật Bản là 6,3 trên 1.000 người vào năm 2022, trong khi tỷ lệ của Hàn Quốc là 4,9.

Nhà nhân khẩu học Chu Yun của Đại học Michigan cho biết: “Như chúng tôi đã quan sát nhiều lần từ các quốc gia có mức sinh thấp khác, mức sinh giảm thường rất khó đảo ngược”.

Dữ liệu mới làm tăng thêm lo ngại rằng triển vọng tăng trưởng của nền kinh tế số 2 thế giới đang giảm dần do có ít người lao động và người tiêu dùng hơn, trong khi chi phí chăm sóc người già và phúc lợi hưu trí ngày càng tăng gây căng thẳng hơn cho chính quyền địa phương.

Dân số Trung Quốc đã giảm năm thứ hai liên tiếp vào năm 2023.

Theo ước tính của Liên hợp quốc, Ấn Độ đã vượt qua Trung Quốc để trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới vào năm ngoái, làm dấy lên nhiều tranh luận hơn về giá trị của việc chuyển một số chuỗi cung ứng có trụ sở tại Trung Quốc sang các thị trường khác, đặc biệt là khi căng thẳng địa chính trị gia tăng giữa Bắc Kinh và Washington.

Về lâu dài, các chuyên gia của Liên hợp quốc nhận thấy dân số Trung Quốc sẽ giảm 109 triệu người vào năm 2050, nhiều hơn gấp ba lần mức giảm so với dự báo trước đó của họ vào năm 2019.

Dân số Trung Quốc từ 60 tuổi trở lên đạt 296,97 triệu người vào năm 2023, chiếm khoảng 21,1% tổng dân số, tăng từ mức 280,04 triệu người vào năm 2022.

Dân số trong độ tuổi nghỉ hưu của đất nước, từ 60 tuổi trở lên, dự kiến sẽ tăng lên hơn 400 triệu người vào năm 2035, nhiều hơn toàn bộ dân số Mỹ, từ khoảng 280 triệu người hiện nay.

Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc do nhà nước điều hành nhận thấy hệ thống lương hưu sẽ cạn tiền vào năm 2035.

Ông Zhu Guoping, một nông dân 57 tuổi ở tỉnh Cam Túc, tây bắc Trung Quốc, cho biết thu nhập hàng năm khoảng 20.000 nhân dân tệ (2.779,59 USD) của ông khiến gia đình ông chỉ có khoản tiết kiệm ít ỏi.

Ông sẽ nhận được khoản lương hưu hàng tháng là 160 nhân dân tệ (khoảng 22 USD) khi bước sang tuổi 60.

Liệu có bền vững?

Các nhà nhân khẩu học cho rằng sự bùng nổ "săn rồng vàng" có thể sẽ tồn tại trong thời gian ngắn khi ngày càng nhiều phụ nữ chọn cách không có con do chi phí chăm sóc con cái cao cũng như việc họ không muốn kết hôn hoặc tạm dừng sự nghiệp trong một xã hội truyền thống khi người chăm lo con cái và vun vén gia đình vẫn là phụ nữ.

Chi phí giáo dục và chăm sóc trẻ em cao khiến nhiều cặp vợ chồng Trung Quốc ngại sinh con, trong khi sự bất ổn trên thị trường việc làm khiến phụ nữ không muốn tạm dừng sự nghiệp.

Việc nuôi dạy con cái sẽ làm giảm số giờ làm việc được trả lương và mức lương của phụ nữ, trong khi sinh kế của nam giới hầu như không thay đổi, một nghiên cứu của viện chính sách Bắc Kinh cho thấy.

Chính quyền các địa phương của Trung Quốc đã công bố nhiều biện pháp khác nhau để khuyến khích sinh con bao gồm khấu trừ thuế, nghỉ thai sản dài hơn và trợ cấp nhà ở.

Tuy nhiên, một viện chính sách ở Bắc Kinh cho biết, nhiều chính sách đã không được thực hiện do không đủ kinh phí và thiếu động lực từ chính quyền địa phương, đồng thời kêu gọi thay vào đó là một chương trình trợ cấp gia đình thống nhất trên toàn quốc.

Wang Weidong, 36 tuổi, cư dân Bắc Kinh, làm việc tại một công ty internet, cho biết anh và vợ không muốn sinh con thứ hai.

"Mọi người sẽ không có con vì những khuyến khích này. Những khuyến khích này chỉ là phụ trợ chứ không phải nguyên nhân gốc rễ. Vì vậy, tôi nghĩ sẽ khó đảo ngược xu hướng này hơn", anh Wang cho hay.

Minh Đăng

Theo Reuters

Nguồn Vietnam Finance: https://vietnamfinance.vn/bung-no-sinh-con-nam-rong-buc-tranh-dan-so-trung-quoc-co-bot-am-dam-20180504224295480.htm