Bùng nổ mua trước trả sau: 'Chợ mới' 10 tỷ USD ở Việt Nam

Xu hướng mua trước trả sau (Buy now pay later - BNPL) đang phát triển ở Việt Nam, và được dự báo sẽ bùng nổ trong thời gian tới.

Thời của BNPL

Theo Research and Markets, thanh toán BNPL tại Việt Nam dự kiến sẽ tăng 126,4% hàng năm để đạt 1123,9 triệu USD vào năm 2022. Tổng giá trị hàng hóa BNPL trong nước sẽ tăng hơn gấp 21 lần, từ 496,4 triệu USD vào năm 2021 lên đến 10.528,1 triệu USD vào năm 2028.

BNPL là một hình thức cung cấp tín dụng ngắn hạn, cho phép người mua hàng trước và trả tiền sau mà không bị tính lãi, phí hoặc chỉ chịu lãi suất ở mức thấp nhất. Lịch trình thanh toán món hàng đã mua tùy thuộc vào điều khoản của nhà cung cấp BNPL, nhưng thông thường là trả đầy đủ vào cuối tháng, hoặc chia làm 3 lần trả vào mỗi tháng, hoặc chia làm 4 lần trả 2 tuần 1 lần.

Thời trang, công nghệ, sức khỏe và làm đẹp là những danh mục thông dụng hàng đầu trong thanh toán BNPL và hình thức này thu hút giới trẻ là chủ yếu với giá trị các khoản mua hàng khoảng từ 100 đến 130 USD.

Mặc dù BNPL đã tồn tại hơn một thập kỷ, tuy nhiên mới thực sự phổ biến trong thời kỳ đại dịch vừa qua với sự tăng trưởng mạnh của thương mại điện tử và mua sắm trực tuyến, bằng hình thức thanh toán qua tín dụng.

BNPL sở hữu một số ưu điểm hơn thẻ tín dụng như cấp tín dụng đơn giản hơn, nhanh chóng hơn. Nếu người tiêu dùng xin cấp thẻ tín dụng cần phải cung cấp nhiều loại giấy tờ như sao kê bảng lương, tài sản đảm bảo, và chờ một khoảng thời gian để phê duyệt thì với việc cấp tín dụng BNPL chỉ cần đăng ký bằng phương pháp xác thực định danh điện tử qua các ứng dụng BNPL, hoặc ứng dụng của các nhà bán lẻ hay các ngân hàng có cung cấp dịch vụ BNPL.

Nếu khách hàng có lịch sử mua sắm trực tuyến và điểm tín dụng tốt, còn được cấp ngay một mức tín dụng để chi tiêu chỉ trong vài phút sau việc xác thực nhanh chóng.

Như vậy, có thể thấy BNPL là một giải pháp thay thế đơn giản cho người tiêu dùng không có cơ hội mở thẻ tín dụng, hay những người muốn giữ dư nợ ở mức tối thiểu, hình thức tín dụng này giúp nâng cao khả năng tài chính toàn diện cho những người tiêu dùng có thể bị lãng quên.

Sản phẩm thời số hóa

BNPL là một sản phẩm tài chính của thời đại số, và fintech là những người đi đầu trong thị trường này. Khi các fintech BNPL mở rộng quy mô, ngân hàng có thể mất doanh thu nếu không có hành động ngay từ bây giờ. Nhiều fintech BNPL đã “đổ bộ” vào Việt Nam như WowMelo, Atome, Fundiin, Kredivo, Bankograph, Pine Labs,...

Ông Phạm Quang Minh

Còn trên thế giới, theo Worldwide Research ước tính, các công ty fintech BNPL đã “lấy mất” 8-10 tỷ USD doanh thu của các ngân hàng mỗi năm. Đó là điều đáng “báo động” cho các ngân hàng bởi 70% người dùng BNPL cho biết, họ sẽ quan tâm đến việc sử dụng các dịch vụ BNPL của ngân hàng, nếu dịch vụ này có sẵn.

Chính BNPL hiện đang là động lực tăng trưởng của ngân hàng và các đối tác bán lẻ. Theo đó, các lợi ích thu được sẽ vượt xa so với lợi ích tài chính đơn thuần do việc mua hàng mang lại. Các ngân hàng thông qua việc củng cố quan hệ với các đối tác bán lẻ hiện có và thu hút thêm các đối tác mới với mong muốn được cung cấp dịch vụ BNPL

Ngân hàng cũng có thể sử dụng BNPL để thiết kế nhiều trải nghiệm mua sắm hấp dẫn hơn, cũng như sử dụng dữ liệu BNPL để tạo cơ hội bán chéo các sản phẩm và các dịch vụ giá trị gia tăng như các công cụ quản lý hoàn tất như xuất hóa đơn, tiếp thị liên kết (affiliate marketing) và dịch vụ phân tích (AaaS).

Về phía các nhà bán lẻ, triển khai dịch vụ BNPL mang lại cho họ cơ hội hợp tác với các nhà cung cấp dịch vụ ngân hàng (BaaS) nhằm cung cấp các sản phẩm tài chính cho khách hàng. Đồng thời, có thể tận dụng dữ liệu khách hàng để cải thiện giá trị định vị của chương trình khách hàng thân thiết, và cung cấp các ưu đãi tốt hơn.

Theo ông Phạm Quang Minh – Tổng giám đốc Mambu Việt Nam, với những cơ hội tăng trưởng từ BNPL trên, nền tảng ngân hàng đám mây Mambu và Deloitte xác định 5 nội dung cốt lõi dành cho các doanh nghiệp đang tìm hướng phát triển giải pháp BNPL và 5 nguyên tắc chính thiết kế cho hành trình khách hàng để tạo nên dịch vụ BNPL thành công.

Tuyên bố giá trị - xác định và thấu hiểu nhu cầu của nhà bán lẻ và khách hàng, xây dựng mô hình để giải quyết những khó khăn chính.

Công nghệ và dữ liệu - phát triển hệ thống công nghệ với các giải pháp tối ưu nhất cho phép ra quyết định tức thời (real-time) cũng như tạo ra các giải pháp thế hệ tiếp theo mang lại trải nghiệm khác biệt cho khách hàng.

Rủi ro và tuân thủ - thiết kế khung rủi ro cung cấp lợi thế cạnh tranh, từ phát hiện và quản lý gian lận đến xác định khẩu vị, mô hình và chiến lược rủi ro.

Kỹ năng và năng lực - đầu tư vào năng lực chuyên ngành trong các lĩnh vực quan trọng để bổ sung cho đội ngũ hiện có của doanh nghiệp, cũng như xây dựng thương hiệu và tạo sự khác biệt cho sản phẩm trên thị trường.

Tiếp cận thị trường – lồng ghép các dịch vụ cung cấp vào một danh mục kinh doanh của doanh nghiệp và sản phẩm khả dụng tối thiểu (MVP) ra thị trường.

Quyết định rủi ro tín dụng tức thời và phát hiện gian lận tại thời điểm đăng ký sử dụng dịch vụ, và chiến lược thu nợ nâng cao trong mức rủi ro có thể chấp nhận được để hạn chế các khoản nợ xấu;

Trải nghiệm khách hàng xuyên suốt kết hợp nhiều điểm tương tác khác nhau giữa khách hàng, nhà bán lẻ và tổ chức cho vay - tránh tình trạng trải nghiệm riêng lẻ hoặc bị gián đoạn;

Dễ dàng tích hợp và chia sẻ dữ liệu giữa nhà bán lẻ và tổ chức cho vay trong suốt hành trình khách hàng được hỗ trợ bởi công nghệ API;

Tuyên bố giá trị khác biệt so với các nhà cung cấp BNPL khác trong thị trường hàng hóa tiêu dùng ngày càng phát triển. Chiết khấu (57%), điểm khách hàng thân thiết (56%) và lợi ích độc quyền (40%) là một trong những giá trị hấp dẫn nhất mà BNPL mang lại.

Tiếp thị chủ động và xây dựng thương hiệu giữa khách hàng, doanh nghiệp và tổ chức cho vay để BNPL trở thành tùy chọn thanh toán được lựa chọn, tăng giá trị trung bình trên một đơn hàng (AOV) cũng như tỷ lệ chuyển đổi bán hàng.

Phạm Quang Minh

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/bung-no-mua-truoc-tra-sau-cho-moi-10-ty-usd-o-viet-nam-2026783.html