Bùi Thúy: Tôi tự hào khi được cất tiếng hát của quê hương giữa Đại học Harvard

Bằng tiếng hát của mình, Bùi Thúy cất lên những giai điệu đẹp về đất nước, con người Việt Nam, chạm đến cảm xúc của các nhà lãnh đạo, các học giả hàng đầu thế giới.

Ca sĩ Bùi Thúy sinh ra và lớn lên ở Thái Bình – cái nôi của nghệ thuật chèo. Cô sở hữu giọng hát trong sáng, mộc mạc đúng chất dân gian. Không màu mè, không trưng trổ kỹ thuật, Thúy hát đơn giản bằng trái tim và một cảm xúc chân thành.

Mới đây, ca sĩ Bùi Thúy là nghệ sĩ Việt Nam tham dự chuỗi sự kiện do Diễn đàn toàn cầu Boston (BGF) tổ chức ở Mỹ. Bằng tiếng hát của mình, Bùi Thúy cất lên những giai điệu đẹp, dạt dào cảm xúc về đất nước, con người Việt Nam, chạm đến cảm xúc của các nhà lãnh đạo, các học giả hàng đầu thế giới.

Ca sĩ Bùi Thúy hát trong chuỗi sự kiện do Diễn đàn toàn cầu Boston (BGF) tổ chức ở Boston, Mỹ.

- Chị có thể chia sẻ cảm xúc khi là nghệ sĩ Việt Nam biểu diễn tại chuỗi sự kiện lớn do Diễn đàn Toàn cầu Boston tổ chức?

Được hát tại chuỗi sự kiện lớn của Diễn đàn toàn cầu Boston là một niềm vinh dự to lớn đối với tôi. Tôi thật hạnh phúc và hứng khởi khi được đóng góp một phần nhỏ bé của mình vào công cuộc Xây dựng Kỷ nguyên Khai sáng Toàn cầu.

Đặc biệt hơn khi tôi được hát lên những giai điệu, ca từ của quê hương mình, đất nước mình tại hội nghị quy tụ những nhà lãnh đạo Liên Hợp Quốc, Mỹ, Nhật, Ý, Isarel… và các học giả hàng đầu của thế giới tại trường Đại học Harvard và Massachusetts Institute of Technology (MIT)

- Cơ duyên nào đưa chị đến với sự kiện này?

Diễn đàn Toàn cầu Boston có Sáng kiến Xây dựng Kỷ nguyên Khai sáng Toàn cầu như ý tưởng của cuốn sách Xây lại thế giới - Tạo dựng Kỷ nguyên Khai sáng Toàn cầu, ngài Michael Dukakis, Cựu Thống đốc bang Massachusetts, ứng cử viên Đảng Dân chủ tranh cử Tổng thống Mỹ năm 1988, hiện là Chủ tịch Diễn đàn Toàn cầu Boston, đã gửi thư mời các nhà lãnh đạo, các học giả, các nghệ sỹ, các nhà văn đồng hành xây dựng Kỷ nguyên Khai sáng Toàn cầu.

Tôi nhận được bức thư của ngài Michael Dukakis và thấy đây là Sáng kiến có ý nghĩa nên rất nhiệt tình muốn được tham gia. Ngay sau đó tôi đã gửi video bài hát Bài ca thống nhất của mình, và giới thiệu về bản thân. Sau đó, tôi may mắn được mời tham gia đồng hành Xây dựng Kỷ nguyên Khai sáng Toàn cầu bằng tiếng hát của mình.

Tôi thấy đây là cơ hội để đem tiếng hát của mình đóng góp cho Sáng kiến, để làm những điều có ích cho xã hội và con người.

- Biểu diễn tại một sự kiện lớn như Diễn đàn Toàn cầu Boston, chị đã chuẩn bị cho mình tâm thế như thế nào?

Lần đầu tiên được đến Mỹ, được tham gia một sự kiện lớn và quan trọng, được gặp gỡ giao lưu, diện kiến những nhân vật đặc biệt trên thế giới nên tôi phải chuẩn bị cho mình một tâm lý ổn định, gạt bỏ sự hồi hộp lo lắng mà thay vào đó là sự tự tin và lòng nhiệt huyết.

Tôi cũng đã tư duy và chọn lựa những ca khúc có giai điệu đẹp, nội dung ý nghĩa và mang đậm bản sắc Việt Nam để hát tại hội nghị.

Ca sĩ Bùi Thúy chụp ảnh bên các nhà lãnh đạo tại Trụ sở Liên Hợp Quốc ở New York.

- Chị lựa chọn những ca khúc nào trong kho tàng âm nhạc Việt Nam?

Những ca khúc tôi hát tại chuỗi sự kiện của Diễn đàn là Xa khơi, Chiếc khăn Piêu, Bài ca thống nhất, Bài ca hy vọng… Lý do tôi chọn những ca khúc này bởi giai điệu đẹp mang đậm bản sắc dân tộc Việt Nam, có nội dung ý nghĩa rất sâu sắc nói lên tình yêu thương con người, sự đoàn kết gắn bó, tình yêu lao động sáng tạo, vươn xa hơn là yêu hòa bình, độc lập tự do. Những ca khúc này có quãng giọng rộng cũng giúp cho tôi có thể lột tả được chất giọng của mình.

- Ca khúc "Xa khơi" của nhạc sỹ Nguyễn Tài Tuệ được chị biểu diễn tại Đại học Harvard chắc hẳn đã mang lại nhiều xúc cảm cho các diễn giả?

Khi đứng trước những nhân vật đặc biệt, những diễn giả nổi tiếng trên thế giới, tôi thực sự không khỏi bị choáng ngợp. Nhưng vì có sự chuẩn bị kĩ lưỡng từ trước khi đi nên tôi rất nhanh lấy lại được tinh thần vững vàng tự tin và thăng hoa. Tôi hít một hơi thật sâu và bắt đầu hát : “Nắng tỏa chiều nay, chiều tỏa nắng đôi bờ anh ơi…”. Lúc đó, tôi hòa mình vào nhân vật trong bài hát, cảm nhận ánh nắng bên ngoài khuôn viên Viện Đại Học Harvard sao giống nắng biển quê hương mình đến thế.

Có thể lúc đó tôi nghĩ vậy để thấy ấm áp hơn và như thấy Việt Nam đang ở bên mình. “Biển lặng sóng thuyền em dong khơi khoan giọng hò thương anh cách vời…” - Cảm giác bản thân mình như một con thuyền nan nhỏ bé lần đầu được vươn ra biển lớn, được đến đất nước Mỹ, được gặp những con người đặc biệt. Có bỡ ngỡ, chông chênh nhưng cũng đầy tự hào và hạnh phúc.

Tôi hát bằng cả trái tim mình và nhìn vào ánh mắt của mọi người để nhận thấy rằng, họ đã cảm nhận được thông điệp mà tôi muốn gửi gắm qua bài hát Xa khơi! Tất cả mọi người đang cùng chung tay tạo dựng một kỉ nguyên khai sáng toàn cầu nên cần phải nỗ lực, đoàn kết yêu thương nhau, dù có gian nan vất vả cũng “chớ thấy sóng cả mà ngã tay chèo”.

Ca sĩ Bùi Thúy.

- Ngoài "Xa khơi" thì ca khúc "Chiếc Khăn Piêu" cũng rất đặc biệt bởi âm hưởng dân tộc, việc thể hiện ca khúc này mang ý nghĩa gì?

Ca khúc này khác với Xa khơi vì nó mang chất liệu của âm nhạc của vùng Tây Bắc mà cụ thể ở dây là dân tộc Thái. Nó không thể hiện quá nhiều nội dung ý nghĩa to lớn vươn tầm thế giới nhưng nó lại có một giai điệu đẹp trầm bổng, tiết tấu vui tươi nhí nhảnh dễ làm cho người nghe cảm nhận được cái hay của bài hát ngay cả khi chưa hiểu hết được nội dung của trong đó. Đây cũng là dịp mà tôi muốn giới thiệu với mọi người nét âm nhạc đặc sắc của dân tộc miền núi phía Bắc.

- Phản ứng của các diễn giả về phần biểu diễn của Bùi Thúy như thế nào?

Các diễn giả đều rất thích thú và chăm chú khi nghe tôi hát. Mọi người khen bài hát có giai điệu đẹp, khen giọng hát của tôi hay và rất có cảm xúc.

Không biết mọi người có động viên tôi không nhưng tôi thấy rất vui và hạnh phúc. Mọi người nói hy vọng tôi sẽ quay trở lại và hát tại một khán phòng lớn hơn đông người hơn .

- Cất tiếng hát của quê hương tại một trong những nơi danh giá nhất của nước Mỹ có ý nghĩa thế nào đối với chị?

Tôi chưa bao giờ nghĩ rằng mình có thể có cơ hội được tham gia vào sự kiện lớn như thế trên đất Mỹ, đặc biệt là ở nơi danh giá như Đại học Harvard.

Ca sĩ Bùi Thúy

Hơn nữa lại được trực tiếp gặp gỡ giao lưu trò chuyện và hát cho các nhà lãnh đạo lớn, các học giả thì thực sự là niềm vinh hạnh và tôi trân trọng điều đó.

Có lẽ tôi quá may mắn vì bản thân biết rằng mình mới chỉ là một nghệ sĩ trẻ chưa có nhiều kinh nghiệm trong khi Việt Nam còn có rất nhiều những nghệ sĩ lớn, nghệ sĩ gạo cội sẵn sàng tham gia đóng góp vào Diễn đàn.

Qua chuyến đi lần này tôi đã được mở mang, được học hỏi rất nhiều điều, và đó sẽ là hành trang giúp tôi hoàn thiện bản thân mình và chắp cánh những ước mơ hoài bão sắp tới trên con đường sự nghiệp của mình. Một kỉ niệm đẹp không bao giờ quên.

- Qua lần biểu diễn này, Bùi Thúy thấy âm nhạc Việt Nam được đón nhận như thế nào?

Âm nhạc của Việt Nam rất đẹp và rất đa dạng phong phú với nhiều thể loại. Qua một vài ca khúc mà tôi hát tại Hội nghị, tôi thấy mọi người rất thích thú và đón nhận một cách hào hứng. Có lẽ âm nhạc Việt Nam không mang nhiều tính bác học và chưa được phổ biến rộng rãi như Opera nhưng rất tinh hoa và giàu cảm xúc.

- Hiện nay, các nghệ sĩ thường đau đáu chuyện đưa âm nhạc Việt Nam ra thế giới. Theo chị, với những việc làm thế này, âm nhạc Việt Nam có cơ hội tiếp cận và hòa mình với âm nhạc thế giới?

Đây cũng là một cách để đưa âm nhạc Việt tiếp cận và hòa mình với thế giới. Tôi nghĩ rằng, mỗi nghệ nghệ sĩ hãy cùng chung tay thì một ngày không xa âm nhạc Việt Nam sẽ lan tỏa cũng như hòa mình vào dòng chảy chung của âm nhạc thế giới một cách mạnh mẽ.

- Để có được tương lai đó, các nghệ sĩ Việt Nam cần nỗ lực thế nào?

Để đạt được điều này thì bản thân tôi và mỗi nghệ sĩ cần phải không ngừng học hỏi và trau dồi cũng như phát huy thế mạnh của mình kết hợp với sự đổi mới sáng tạo trong âm nhạc để có những phần trình diễn, những tác phẩm xuất sắc nhất đặc biệt nhất, sáng tạo nhất mà vẫn giữ được nét âm nhạc của dân tộc.

- Cảm ơn ca sĩ Bùi Thúy.

Hội nghị thượng đỉnh về Quy định Trợ lý AI và ChatGPT do Diễn đàn toàn cầu Boston (BGF) tổ chức đã diễn ra tại phòng hội nghị Faculty Club của Viện Đại học Harvard.

Sự kiện có sự góp mặt của các diễn giả nổi tiếng đến từ nhiều lĩnh vực ở khắp nơi trên thế giới, tiêu biểu là Cựu Thống đốc bang Massachusetts Michael Dukakis, Bộ trưởng An ninh Kinh tế Nhật Bản - Sanae Takaichi, Cựu Thủ tướng Ý - Enrico Letta, Cựu Thủ tướng Bosnia và Herzegovina Zlatko Lagumdzija, Giáo sư Harvard - John Quelch, Nhà công nghệ trí tuệ nhân tạo ở Silicon Valley - Tom Kehler, Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn (nguyên Tổng Biên tập Báo VietNamNet) hiện là Giám đốc điều hành của BGF...

Video: Bùi Thúy hát "Thương nhau cau sáu bổ ba".

Lê Chi

Nguồn VTC: https://vtc.vn/bui-thuy-toi-tu-hao-khi-duoc-cat-tieng-hat-cua-que-huong-giua-dai-hoc-harvard-ar771198.html