Bức tranh toàn cảnh CTCK năm 2013 - kỳ 1: khập khễnh báo cáo

(ĐTCK) Hơn 1 tháng qua, các CTCK lần lượt công bố kết quả kinh doanh quý IV/2013 và lũy kế cả năm 2013.

Để các mảnh ghép về tình hình hoạt động của khối CTCK được ráp thành bức tranh hoàn chỉnh, loạt bài viết 3 kỳ dưới đây sẽ phân tích các mặt hoạt động của 80 trong số 85 CTCK đã công bố báo cáo tài chính (hiện còn gần 20 công ty chưa công bố báo cáo).

Các CTCK đang trở lại bản chất sau những nỗ lực tái cơ cấu mạnh mẽ trong vòng 2 năm qua.

Khập khễnh báo cáo quý iv/2013

Hầu hết CTCK khi công bố báo cáo tài chính (BCTC) quý IV/2013 đều kèm bản giải trình. Lý do là theo quy định hiện hành, doanh nghiệp bị lỗ hoặc có lãi ròng trong kỳ báo cáo biến động từ 10% so với cùng kỳ năm trước thì khi công bố BCTC phải kèm theo giải trình. Tuy nhiên, chất lượng giải trình thấp, nội dung sơ sài, nhiều báo cáo viện dẫn những lý do gây biến động kết quả kinh doanh trái ngược nhau.

Chẳng hạn, cùng giải trình về kết quả kinh doanh quý IV/2013, nhưng một số CTCK nói nguyên nhân là do thị trường tốt hơn (ASTC, FPTS, ISC, IVS, SJCS, VDSC…), trong khi những CTCK có kết quả yếu kém “đổ lỗi” cho thị trường không tốt (ASC, BMSC, HBS, HVS, IRS, KVS, VGS, VSEC…).

Cụ thể, CTCK Rồng Việt (VDSC) nói “tình hình thị trường quý IV/2013 có nhiều cải thiện so với cùng kỳ” hay CTCK An Thành (ATSC) nói “TTCK sôi động, các NĐT mua bán nhiều hơn cùng kỳ”. Trong khi đó, CTCK Châu Á (ASC) giải trình một trong những nguyên nhân dẫn đến bị lỗ trong quý IV/2013 là “TTCK sụt giảm”, hay CTCK Hùng Vương (HVS) nói “tình hình chung của thị trường không khởi sắc để thu hút NĐT quay lại”…

Chất lượng một số BCTC ở mức thấp. Không tính trường hợp hợp nhất giữa VITS và MBS, đến nay có 85 CTCK là thành viên của Sở GDCK TP. HCM công bố BCTC quý IV/2013. Theo quy định, một BCTC đầy đủ phải bao gồm bảng cân đối kế toán, báo cáo thu nhập, báo cáo lưu chuyển tiền tệ và thuyết minh BCTC, nhưng vẫn có CTCK không công bố thuyết minh BCTC.

Một số công ty công bố kết quả kinh doanh quý IV/2013, nhưng không có số lũy kế cả năm như ATSC, CTCK Quốc Gia (NSI), CTCK Phương Nam (PNS); nếu muốn biết kết quả cả năm thì NĐT chỉ có cách tự cộng số liệu từng quý.

HVS thì so sánh kết quả kinh doanh quý IV/2013 với quý III/2013, thay vì với cùng kỳ năm trước và cũng không có số lũy kế từ đầu năm, trong khi CTCK SaigonBank Berjaya (SBBS) có số liệu quý IV/2013 và lũy kế cả năm, nhưng lại không so sánh gì.

CTCK Tonkin thậm chí chỉ công bố kết quả kinh doanh quý IV/2013 mà không so sánh, cũng chẳng có số lũy kế. Còn BCTC của CTCK Việt Nam (VSEC) thì rất khó đọc, vì quá lem nhem…

Cũng cần nói thêm, một số CTCK so sánh số liệu năm 2013 với năm 2012, nhưng số liệu năm 2012 lại không cập nhật kết quả đã kiểm toán.

Doanh thu giảm, lợi nhuận tăng

Ngoài khiếm khuyết nêu trên, bức tranh chung là khá sáng, cho thấy các CTCK đã ở vào một vị thế mới, thực chất hơn và kỳ vọng sẽ tăng tốc từ năm 2014.

Điểm nổi bật trong năm 2013 đó là lợi nhuận sau thuế của 80 CTCK nêu trên tăng 34% và đạt tổng cộng hơn 2.000 tỷ đồng. Lưu ý rằng, tổng doanh thu năm qua giảm 21,15%, trong đó doanh thu môi giới giảm 6,52%, đạt 1.313 tỷ đồng; doanh thu đầu tư giảm 28,14%, đạt hơn 2.000 tỷ đồng và doanh thu khác giảm hơn 29%, đạt gần 3.000 tỷ đồng. Riêng doanh thu tư vấn tăng gần 25%, nhưng con số tuyệt đối không lớn, chỉ có 714 tỷ đồng.

Lợi nhuận tăng mạnh trong khi doanh thu giảm mạnh không phải do thu nhập khác tăng, mà do chi phí giảm. Điều đó có ý nghĩa gì? Một CTCK có 2 nhóm chi phí chính, đó là chi phí hoạt động kinh doanh và chi phí quản lý doanh nghiệp.

Đối với chi phí hoạt động kinh doanh, cấu phần chính bao gồm lỗ từ bán chứng khoán (chênh lệch từ bán dưới giá gốc được hạch toán vào chi phí hoạt động kinh doanh, còn khi bán trên giá gốc thì hạch toán vào doanh thu đầu tư), chi phí dự phòng đầu tư và chi phí sử dụng vốn vay, vốn hợp tác kinh doanh, vốn ủy thác đầu tư...

Chi phí hoạt động kinh doanh năm 2013 của 80 CTCK giảm 40,3% trước hết và phần lớn là do nhiều CTCK được hoàn nhập dự phòng. Điều này có thể hiểu là nhiều CTCK trong năm 2012 đã phơi bày hết những rủi ro đối với danh mục đầu tư của mình, để rồi năm 2013, khi thị trường phục hồi, công ty được hoàn lại những gì đã trích. Ví dụ, CTCK Kim Long (KLS) năm 2012 trích dự phòng giảm giá chứng khoán 130,3 tỷ đồng và năm 2013 được hoàn nhập 167,3 tỷ đồng. Năm 2013, không ít CTCK tiếp tục “mạnh tay” trích dự phòng.

Chi phí hoạt động kinh doanh giảm còn do chi phí sử dụng các loại vốn nêu trên giảm. Số dư vay ngắn hạn năm 2013 giảm 23,7%, còn vay dài hạn giảm 26%. Tuy nhiên, đây chỉ là bề nổi. Thực tế, một số CTCK nhận tiền từ ngân hàng hoặc các đối tượng khác dưới dạng “hợp đồng ủy thác đầu tư” hay “hợp đồng hợp tác kinh doanh”, sau đó mang gửi ngân hàng khác hoặc cho vay đối tượng khác với số tiền rất lớn. Lãi nhận được thì hạch toán vào doanh thu khác, còn chi phí vốn thì đưa vào chi phí hoạt động kinh doanh. Chi phí hoạt động kinh doanh và doanh thu khác có mối tương quan mạnh; doanh thu khác càng lớn thì thì chi phí này cũng lớn và ngược lại.

Chi phí sử dụng vốn giảm cùng với sự sụt giảm của các khoản phải thu khác và phải trả khác cho thấy hiện tượng chuyển tiền qua trung gian CTCK đã giảm. Các CTCK đang quay về đúng bản chất của mình, thay vì trước đây, nhiều công ty là “công cụ” phục vụ cho mục đích của các đối tượng có quyền chi phối.

Còn chi phí quản lý doanh nghiệp năm qua giảm hơn 20,5%. Đây là một trong những nỗ lực tái cấu trúc và tinh gọn bộ máy CTCK. Tuy nhiên, dự phòng phải thu khó đòi và dự phòng phải trả cũng thuộc nhóm chi phí quản lý doanh nghiệp. Vì thế, nhóm chi phí này giảm còn do nhiều CTCK được hoàn nhập dự phòng phải thu khó đòi. Ví dụ, Sacombank-SBS trong năm 2012 trích dự phòng phải thu khó đòi gần 220 tỷ đồng và năm 2013 được hoàn nhập gần 90 tỷ đồng.

Như vậy, lợi nhuận năm 2013 tăng thực chất là do chi phí giảm và chi phí giảm thực chất là do những nỗ lực tái cấu trúc như tinh gọn bộ máy, phơi bày hết những yếu kém, trở về với bản chất của một CTCK. Ở một vị thế mới này, với triển vọng nền kinh tế tốt hơn trong năm 2014, có thể kỳ vọng khối CTCK sẽ có sự tăng tốc.

Xem tiếp kỳ 2: Phân hóa mạnh mẽ

Đức Luận

Nguồn ĐTCK: http://tinnhanhchungkhoan.vn/chung-khoan/buc-tranh-toan-canh-ctck-nam-2013-ky-1-khap-khenh-bao-cao-89033.html