Bực mình tham dự Hội chợ Nông nghiệp - Thương mại khu vực Tây Bắc 2016

Từ 18 - 25/11, tại TP Lào Cai, tỉnh Lào Cai, diễn ra Hội chợ Triển lãm Nông nghiệp - Thương mại các tỉnh khu vực Tây Bắc năm 2016. Trái ngược với không khí sôi nổi ngày khai mạc...

Trái ngược với không khí sôi nổi ngày khai mạc, đại diện doanh nghiệp nhiều tỉnh tỏ ra chán nản, ngao ngán cách sắp xếp vị trí, tổ chức của đơn vị điều hành. Hội chợ mở cửa tới nửa đêm, nhưng ngay từ chập tối, một loạt gian hàng nông nghiệp đã đóng cửa.

Doanh nghiệp ngao ngán

Trước đó, tối 18/11, hội chợ đã được long trọng khai mạc dưới sự chủ trì phối hợp của UBND tỉnh Lào Cai và TW Hội Nông dân Việt Nam. Hội chợ được quảng bá với chủ đề “Nông nghiệp, nông dân, nông thôn phát triển bền vững” với quy mô 300 gian hàng của hơn 250 đơn vị và cá nhân. Trong đó, có 70 gian trưng bày sản phẩm nông nghiệp của các tỉnh, thành phố; 150 gian hàng thương mại tổng hợp; 80 gian hàng thủ công mỹ nghệ, ẩm thực. Các mặt hàng được trưng bày chủ yếu là giống cây trồng, vật nuôi, thuốc thú y, vật tư, thiết bị máy móc...

Đại diện TW Hội Nông dân Việt Nam tin tưởng, đây sẽ là hoạt động khuyến khích phát triển, hợp tác, liên kết SX, gắn với tiêu thụ nông sản. Đồng thời, tuyên truyền người dân thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Vậy vì sao các doanh nghiệp tham gia lại tỏ ra ngao ngán, không hề thiết tha hội chợ?

Trên thực tế, toàn bộ các gian hàng từ nông sản, vật tư nông nghiệp cho tới thiết bị máy móc đều được bố trí tại một khu riêng biệt. Điều đáng nói, cửa chính của khu này gần như bị bịt kín bởi một sân khấu hoành tráng dành cho biểu diễn ca nhạc.

Cửa chính gần như bị bịt kín bởi một sân khấu hoành tráng dành cho biểu diễn ca nhạc

Chủ một doanh nghiệp kinh doanh giống cây trồng đến từ tỉnh Phú Thọ bức xúc, lần đầu tiên tham gia hội chợ, anh đã cảm thấy chán. Thứ nhất, dù gì đây cũng là hội chợ nông nghiệp, việc “nhét” các doanh nghiệp nông nghiệp vào một chỗ kín như bưng là điều bất hợp lý. Cả buổi ngồi chỉ được vài vị khách ghé qua xem hàng. Nhiều người phải chen lấn, luồn lách mãi mới tìm ra những gian hàng nông nghiệp. Thứ hai, hội chợ đông người, hàng trăm gian hàng nhưng không có lấy một bảng chỉ dẫn hay sơ đồ bố trí. Vị này cho biết, lần sau có được mời cũng chẳng dám tham gia.

Đại diện doanh nghiệp mỳ Chũ Nam Thể (Bắc Giang) chia sẻ, việc bố trí của ban tổ chức là hoàn toàn bất hợp lý. Khách tìm đến các gian hàng nông nghiệp còn khó chứ đừng nói đến mua hàng. Khi tham gia, mỗi doanh nghiệp được tỉnh hỗ trợ 2 triệu đồng tiền xe đi lại. Còn lại tiền ăn, ở phải tự túc.

Trong khi, tiền thuê một chuyến xe tải chở hàng từ Bắc Giang lên Lào Cai đã hết 5 triệu đồng. “Tham gia hội chợ mà bán không bằng bán lẻ ở cửa hàng dưới Bắc Giang. Quả này khéo lỗ vốn. Có mỗi cửa chính thì làm sân khấu bịt lại, chúng tôi biết nhưng thấy chán hẳn chẳng buồn kiến nghị. Lên rồi thì đành phải ở, chứ bọn tôi ngán lắm rồi. Xin được về sớm mà tỉnh không cho”, chủ doanh nghiệp này ngao ngán.

Hội chợ mở cửa tới nửa đêm, nhưng ngay từ chập tối, một loạt gian hàng nông nghiệp đã đóng cửa

Dù hội chợ mở cửa tới tận 12h đêm, tuy nhiên, khi chúng tôi có mặt tại đây lúc 8h tối, nhiều gian hàng nông nghiệp của các tỉnh như Lai Châu, Vĩnh Phúc, Hà Nội… đã đóng cửa, phủ bạt. Đại diện gian hàng TP Hà Nội cho biết, ban ngày còn lác đác khách, tối thì vắng tanh như chùa bà đanh vì các lối đều bị bịt kín nên dọn hàng sớm về nghỉ cho khỏe.

Người Việt… dùng hàng Tàu

Trái ngược với những gian hàng nông nghiệp, các mặt hàng khác lại được bày bán ngay tại khu mặt tiền của hội chợ. Điều đáng bàn, mặc dù khẩu hiệu “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” được treo khắp nơi, nhưng thực tế, có đến quá nửa các gian hàng công khai bày bán hàng xuất xứ Trung Quốc, hàng giả, nhái tràn ngập.

Một gian hàng ngay lối vào hội chợ, ông ổng loa thùng mời chào khách mua sản phẩm da chính hiệu Việt Nam. Các sản phẩm túi, cặp chào giá từ 100 - 160 nghìn đồng, nhái hầu hết các thương hiệu thời trang nổi tiếng như Chanel, D&G, Gucci, Zara.

Xung quanh, tràn ngập các cửa hàng giày dép có xuất xứ Trung Quốc, cũng nhái nhiều thương hiệu nổi tiếng với cái tên ná ná kiểu Adidas thành Odidas, Nike thành Nkie. Ngay dưới tấm biển “Hàng Việt mang giá rẻ đến cho mọi nhà” là hàng trăm đôi tất, quần, áo có tem mác Trung Quốc.

Ngay dưới tấm biển “Hàng Việt mang giá rẻ đến cho mọi nhà” là hàng trăm đôi tất, quần, áo có tem mác Trung Quốc

Tràn ngập các cửa hàng giày dép có xuất xứ Trung Quốc, cũng nhái nhiều thương hiệu nổi tiếng với cái tên ná ná kiểu Adidas thành Odidas, Nike thành Nkie

Bên cạnh đó, không thể thiếu các gian hàng đồ chơi trẻ em mà đa phần có nguồn gốc từ bên kia biên giới. Đây là những mặt hàng nhiều lần cơ quan chức năng lên tiếng cảnh báo về mức độ độc hại, ảnh hưởng tới sức khỏe trẻ em do dư lượng chì có trong nhựa công nghiệp.

Các gian hàng đồ chơi trẻ em mà đa phần có nguồn gốc từ bên kia biên giới

Điều làm các du khách bất ngờ, ngao ngán nhất là nạn chặt chém giá cả từ các bãi gửi xe cho tới hàng ăn, quán nước. Nhân viên các bãi gửi xe đua nhau chèo kéo khách, thu mỗi xe máy gửi với giá 20 nghìn đồng. Trên vé xe hoàn toàn không ghi ngày tháng hay dấu của ban tổ chức. Các quán ăn, hàng nước mặc sức hét giá mà theo quy định phải niêm yết giá ngay từ đầu.

Đặc biệt, khi vào cổng, du khách bị ép phải mua vé xem ca nhạc với giá 40 nghìn đồng/vé, kể cả chỉ vào khu mua hàng, nếu không bảo vệ hội chợ sẽ chặn và đuổi thẳng tay.

Nhiều người dân tại TP Lào Cai cho biết, tình trạng kể trên không phải chuyện lạ mà dịp nào diễn ra hội chợ cũng xuất hiện. Hầu hết những người được hỏi đều tỏ ra ngao ngán, mất niềm tin vào uy tín, cách tổ chức hội chợ của ban tổ chức. Thậm chí, có người còn khẳng định, những hội chợ kiểu này thực chất là “Treo đầu dê, bán thịt chó” và “Người Việt ưu tiên… dùng hàng Tàu” mà thôi.

Không chỉ gian hàng nông nghiệp các tỉnh, ngay cả gian hàng các huyện của tỉnh Lào Cai cũng vắng lặng. Nhiều chủ gian hàng bỏ ra ngoài, khách đến tìm mua hàng đành lắc đầu bỏ đi.

Nguồn Nông Nghiệp: http://nongnghiep.vn/buc-minh-tham-du-hoi-cho-nong-nghiep-thuong-mai-khu-vuc-tay-bac-2016-post180911.html