Bức ảnh vệ sĩ Brazil ôm súng bắn drone thành tâm điểm chú ý thế giới

Hình ảnh vệ sĩ cầm khẩu súng chống drone với thiết kế khác lạ tại lễ nhậm chức của Tổng thống Brazil Lula da Silva đã thu hút sự chú ý trên các trang mạng xã hội.

 Vệ sĩ dùng súng chống drone tại lễ nhậm chức của Tổng thống Brazil Lula da Silva. Ảnh: DroneShield.

Vệ sĩ dùng súng chống drone tại lễ nhậm chức của Tổng thống Brazil Lula da Silva. Ảnh: DroneShield.

Vào hôm 1/1, tại lễ nhậm chức của Tổng thống Brazil Lula da Silva, cảnh sát đã phát hiện 4 máy bay không người lái (drone) không xác định đang hướng về phía vị tân lãnh đạo.

Ngay lập tức, các vệ sĩ của tổng thống đã sử dụng súng chống drone loại mới để gây nhiễu và hạ 4 drone khả nghi. Hình ảnh vệ sĩ mặc vest đen, cầm khẩu súng được thiết kế khác thường đã gây chú ý trên các nền tảng mạng xã hội.

Trên tay các vệ sĩ khi đó là loại súng bắn drone - DroneGun Tactical - được sản xuất bởi công ty DroneShield có trụ sở tại Australia. Ông Oleg Vornik, CEO của DroneShield, nói rằng Brazil là thị trường Nam Mỹ quan trọng của công ty, Dronelife cho hay.

"Chúng tôi rất vui khi thấy việc triển khai các hệ thống của chúng tôi ở quốc gia này ở mức cao nhất, khi các yêu cầu về hệ thống chống drone ngày càng tăng", ông nói.

Việc những drone ngày càng phổ biến và có giá thành rẻ khiến an ninh tại những sự kiện quan trọng cần được củng cố để đối phó với nguy cơ từ những chiếc máy bay không người lái.

 Vệ sĩ dùng súng chống drone tại lễ nhậm chức của Tổng thống Brazil Lula da Silva. Ảnh: Reddit.

Vệ sĩ dùng súng chống drone tại lễ nhậm chức của Tổng thống Brazil Lula da Silva. Ảnh: Reddit.

Súng chống drone hoạt động như thế nào?

Nguyên lý được sử dụng phổ biến trên các súng chống drone là nó sẽ bắn ra sóng gây nhiễu, can thiệp vào sóng vô tuyến giữa người điều khiển và máy bay, buộc máy bay phải hạ cánh hoặc trở về người điều khiển. Đây cũng là cách vận hành của các loại súng của DroneShield, theo ABC Australia.

“Một cách so sánh là bạn và tôi đang nói chuyện, bỗng ai đó cầm chiếc loa đến và hét vào chúng ta. Giả sử tôi là chiếc drone, thì cái loa đó là thiết bị gây nhiễu”, ông Oleg Vornik nói.

Ngoài ra, những vũ khí chống drone khác có thể dùng nguyên lý phóng lưới hoặc laser nhằm vô hiệu hóa drone.

Tuy vậy, hạn chế là người tấn công buộc phải nhắm và khóa được mục tiêu trong tầm ngắm của vũ khí, điều không dễ nếu khoảng cách lên tới vài trăm mét và không có ống kính chuyên dụng. Một điểm khác là các drone công nghệ cao có thể không bị ảnh hưởng bởi khả năng gây nhiễu.

 Một binh sĩ Mỹ đang cầm mẫu súng chống drone mới nhất của công ty DroneShield. Ảnh: DroneShield.

Một binh sĩ Mỹ đang cầm mẫu súng chống drone mới nhất của công ty DroneShield. Ảnh: DroneShield.

"Kẻ tấn công" vẫn chiếm ưu thế

Dù các công ty quốc phòng luôn nỗ lực nâng cấp công nghệ chống drone, ông Vornik cho rằng một thập niên qua đã chứng minh rằng "phe tấn công" là các drone vẫn đang thống trị.

"DroneShield là công nghệ của hiện tại, việc nó có còn hiệu quả trong 2-5 năm tới không là vấn đề khác", ông nói.

Việc sử dụng drone trong quân sự đã có từ lâu, song độ phổ biến và vai trò của nó ngày càng tăng.

Các UAV đóng vai trò quan trọng trong việc xác định vị trí và dẫn đường cho hỏa lực của pháo binh.

Tiến sĩ Marina Miron, nhà nghiên cứu quốc phòng tại Đại học Hoàng gia London, nói rằng những drone có thể giúp lực lượng quân sự phần nào khắc phục nhược điểm nhân lực, theo BBC.

“Trong quá khứ, nếu muốn xác định kẻ thù, bạn phải điều lực lượng đặc biệt, và khó thể mất người. Bây giờ, bạn có thể chỉ mất một chiếc drone”, bà nói.

Thách thức mới

Hồi năm 2018, Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro đã sống sót sau nỗ lực ám sát, khi 2 drone đã kích nổ khi ông có bài phát biểu trước quảng trường ở Caracas.

Trong trường hợp drone bay vào vùng cấm, các lực lượng quản lý sẽ phải tìm cách bắn hạ. Tuy nhiên, thực tế lại không đơn giản do kích thước nhỏ và tốc độ của drone.

Vụ việc gần đây nhất là 5 drone Triều Tiên đã bay sang không phận Hàn Quốc, với một chiếc tiếp cận vùng cấm bay quanh phủ tổng thống. Tuy nhiên, quân đội nước này phải mất vài giờ mới xử lý hoàn tất. Vụ việc đã buộc chính phủ Hàn Quốc tăng tốc phát triển những công nghệ drone tàng hình và hệ thống chống drone hiện đại hơn.

Pháp đang nghiên cứu một loại súng chống drone bằng laser, và kỳ vọng có thể sử dụng trong World cup bóng bầu dục 2023 và Olympics Paris 2024.

Trong khi đó, các sân bay ở Anh đã sử dụng hệ thống súng ngắn bắn đạn 12 ly gắn thêm tấm lưới. Những tấm lưới này sẽ phóng ra khi khai hỏa và bẫy các drone.

Cuối năm 2018, hai chiếc drone xuất hiện ở gần đường băng sân bay Gatwick (London, Anh) khiến cho sân bay này phải hoãn hơn 1.000 chuyến bay đúng dịp gần Giáng sinh. Chỉ trong hơn 1 ngày, có tới 140.000 hành khách bị ảnh hưởng.

Hà Lan từng có thời điểm huấn luyện chim săn mồi để tấn công các drone, và trang bị cho chúng lớp “áo giáp” được làm từ những vật liệu sản xuất áo chống đạn.

Trần Hoàng

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/buc-anh-ve-si-brazil-om-sung-ban-drone-thanh-tam-diem-chu-y-the-gioi-post1395097.html