BSR và Trường Đại học Mỏ - Địa chất:Xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành CN lọc hóa dầu

Đoàn công tác của Trường Đại học Mỏ - Địa chất đã có chuyến làm việc với BSR về công tác xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành CN lọc hóa dầu.

Ngày 14/7/2023, Đoàn công tác của Trường Đại học Mỏ - Địa chất do Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thanh Hải - Hiệu trưởng Trường Đại học Mỏ - Địa chất làm trưởng đoàn đã có chuyến thăm và làm việc với Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) về công tác xây dựng, hợp tác, phát triển trong lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành công nghiệp lọc hóa dầu.

Phát biểu tại buổi làm việc, ông Khương Lê Thành - Thành viên HĐQT BSR cho biết: “Ngày nay, ngành công nghiệp lọc hóa dầu đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp năng lượng và sản phẩm hóa học cho nhiều lĩnh vực khác nhau. Để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của thị trường, việc có nguồn nhân lực chất lượng cao trở thành một yếu tố quan trọng đối với BSR. Trong bối cảnh đó, BSR đã tạo ra bước tiến đáng kể bằng việc hợp tác đào tạo với các trường đại học, được kể đến như: Đại học Bách khoa Hà Nội, Trường Đại học Mỏ - Địa chất, Trường Đại học Bách khoa TP HCM, Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP HCM,… Đặc biệt, Trường Đại học Mỏ - Địa chất luôn là đơn vị có tầm quan trọng trong việc xây dựng đội ngũ nhân lực chất lượng cao và có kiến thức chuyên môn sâu rộng, đáp ứng nhu cầu trong lĩnh vực lọc hóa dầu của BSR”.

Ông Khương Lê Thành - Thành viên HĐQT BSR phát biểu tại buổi làm việc

Tính đến thời điểm hiện tại, trong số 1.530 cán bộ công nhân viên BSR, có 73 nhân sự đã tốt nghiệp Trường Đại học Mỏ - Địa chất, 46 nhân sự đã tốt nghiệp chương trình đào tạo sau Đại học (Thạc sĩ). Thành viên HĐQT BSR Khương Lê Thành cũng đã gửi lời cảm ơn sự phối hợp đào tạo, cũng như công lao của những người giảng viên Trường Đại học Mỏ - Địa chất trong công tác nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của BSR.

Thành viên HĐQT BSR Khương Lê Thành cũng giới thiệu về tình hình sản xuất kinh doanh của BSR trong 15 năm qua. Từ khi NMLD Dung Quất đi vào vận hành đến nay, BSR đã đưa vào chế biến trên 95,7 triệu tấn dầu thô, sản xuất và xuất bán trên 87,4 triệu tấn sản phẩm các loại, đáp ứng trên 30% nhu cầu xăng dầu của cả nước. Sau gần 15 năm đi vào vận hành, tổng doanh thu của BSR cho đến nay gần 1,49 triệu tỷ đồng, tổng nộp ngân sách hơn 210 ngàn tỷ đồng (tương đương hơn 9 tỷ USD) gần gấp 3 lần mức đầu tư và tổng lợi nhuận sau thuế tích lũy đạt gần 44 ngàn tỷ đồng, đóng góp đáng kể vào doanh thu, lợi nhuận của Petrovietnam, ngân sách của tỉnh Quảng Ngãi, Nhà nước, sự phát triển kinh tế của đất nước và ngày càng có vai trò quan trọng là công cụ điều tiết vĩ mô của Chính phủ liên quan đến nguồn cung xăng dầu, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia và cung cấp các nhiên liệu đặc chủng cho quốc phòng.

Về công tác đào tạo, sinh viên của các trường đại học có các chuyên ngành phù hợp trong lĩnh vực lọc hóa dầu cũng được cơ hội thực tập và nghiên cứu tại BSR, từ đó có cơ hội áp dụng kiến thức học được trong môi trường thực tế. Đồng thời, BSR cũng đóng góp các chuyên gia, giảng viên có kinh nghiệm để giảng dạy và hướng dẫn sinh viên tại trường đại học.

Báo cáo tại chương trình, Trưởng ban Nghiên cứu Phát triển BSR Lê Hải Tuấn cho biết: “BSR với định hướng phát triển sẽ trở thành công ty năng lượng tích hợp hàng đầu châu Á vì sự phát triển bền vững. BSR đã kết nối, đồng bộ hệ thống quản lý đào tạo với hệ thống vật chất, hệ thống quản lý tri thức bên trong và bên ngoài, hệ thống cơ sở, trang thiết bị đạt chuẩn khu vực và quốc tế. Hàng năm có hàng trăm lượt sinh viên thực tập tại BSR, nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển thị trường, phát triển chuyên sâu trong công tác nghiên cứu khoa học, cung cấp dịch vụ ra bên ngoài”.

Trao đổi tại buổi làm việc, Hiệu trưởng Trường Đại học Mỏ - Địa chất GS.TS Trần Thanh Hải cho biết: Trường Đại học Mỏ - Địa chất là môi trường đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nghiên cứu khoa học và chuyển giao tri thức - công nghệ đáp ứng nhu cầu xã hội và hội nhập quốc tế. Trường có kinh nghiệm lâu năm trong công tác đào tạo ở nhiều lĩnh vực khác nhau, đã phối hợp đào tạo với nhiều đơn vị như: Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn, Tổng công ty cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC), Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam… Nhà trường cũng không ngừng mở rộng các hoạt động hợp tác, liên kết về đào tạo chất lượng cao, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, cung ứng dịch vụ tư vấn với các trường đại học, viện nghiên cứu và các doanh nghiệp có uy tín trong nước và quốc tế. Bên cạnh đó, có rất nhiều công trình nghiên cứu của thầy và trò Trường Đại học Mỏ - Địa chất đã mang lại những giá trị khoa học và thực tiễn to lớn, góp phần đáng kể vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước. Trường Đại học Mỏ - Địa chất hiện gặp khó khăn về nguồn lực thiết bị và nguồn vốn khi triển khai nghiên cứu khoa học, vậy nên việc hợp tác với BSR là hết sức cần thiết. Đây sẽ là tiền đề để đào tạo các nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực lọc hóa dầu tại Việt Nam.

Hiệu trưởng Trường Đại học Mỏ - Địa chất GS.TS Trần Thanh Hải phát biểu tại buổi làm việc

Trong quá trình hợp tác, Trường Đại học Mỏ - Địa chất sẽ cung cấp các khóa học đào tạo, thực tập và các chương trình nâng cao tay nghề, năng lực cho đội ngũ lao động của BSR, theo nhiều hình thức đào tạo khác nhau, đạt chuẩn và vượt chuẩn theo khu vực. Bên cạnh đó, sự phối hợp của BSR và Trường Đại học Mỏ - Địa chất sẽ cho phép các sinh viên tiếp cận trực tiếp với các công nghệ và quy trình sản xuất lọc hóa dầu tiên tiến và có cơ hội áp dụng kiến thức của mình trong môi trường thực tế của NMLD Dung Quất. Ngoài ra, BSR cũng sẽ cung cấp các nguồn tài liệu tham khảo và tài trợ cho các dự án nghiên cứu trong lĩnh vực lọc hóa dầu.

Hợp tác đào tạo giữa BSR và Trường Đại học Mỏ - Địa chất không chỉ tập trung vào việc cung cấp kiến thức chuyên môn mà còn nhằm phát triển các kỹ năng mềm và năng lực lãnh đạo cho sinh viên. BSR thường tổ chức các khóa đào tạo nâng cao kỹ năng mềm như giao tiếp, làm việc nhóm, quản lý dự án và giải quyết vấn đề. Điều này giúp sinh viên không chỉ trở thành những chuyên gia giỏi chuyên môn mà còn là những người có khả năng thích ứng và phát triển trong môi trường công việc thực tế.

Sự hợp tác đào tạo giữa BSR và Trường Đại học Mỏ - Địa chất sẽ mang lại nhiều lợi ích đáng kể. BSR sẽ nhận được nguồn nhân lực chất lượng cao, có nền tảng kiến thức vững chắc và kỹ năng thực tế, từ đó nâng cao năng suất và chất lượng công việc. Đối với sinh viên của Trường Đại học Mỏ - Địa chất, họ có cơ hội được học tập và rèn luyện trong môi trường công nghiệp thực tế, thu thập kinh nghiệm quý báu và nâng cao khả năng tìm việc làm sau khi tốt nghiệp. Đây sẽ là một điển hình cho sự hợp tác giữa doanh nghiệp và giáo dục để xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao cho phát triển kinh tế đất nước.

Trang Nhung

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/bsr-va-truong-dai-hoc-mo-dia-chatxay-dung-nguon-nhan-luc-chat-luong-cao-cho-nganh-cn-loc-hoa-dau-262739.html