Brexit ảnh hưởng nghiêm trọng tới ngành xuất khẩu gỗ Việt Nam

Ngành gỗ Việt Nam đang đối mặt với nhiều khó khăn, cùng việc Anh rời khỏi EU được dự báo sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ tới xuất khẩu gỗ của ngành này. Bên cạnh đó, kim ngạch xuất khẩu dăm gỗ cũng đang sụt giảm mạnh. Trong 2 ngày 14 và 15.7, liên tiếp 2 cuộc hội thảo và tọa đàm “Brexit và tác động tới ngành gỗ Việt Nam” và “Việt Nam xuất khẩu dăm gỗ: Những thách thức mới” được tổ chức tại Hà Nội đã nói lên thực trạng ngành gỗ.

Ngành gỗ của Việt Nam đang đối mặt với nhiều khó khăn và thử thách.

Brexit tác động tới xuất khẩu gỗ

Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho biết, Việt Nam là một trong ba quốc gia xuất khẩu các sản phẩm gỗ nhiều nhất vào Anh (bên cạnh Indonesia và Malaysia). Trong EU, Anh là thị trường lớn nhất nhập khẩu các sản phẩm gỗ của Việt Nam, với kim ngạch xuất khẩu hàng năm chiếm khoảng 35-36% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào EU.

Năm 2015, kim ngạch xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ Việt Nam sang EU đạt khoảng 900 triệu USD; trong đó riêng sang Anh 270 triệu USD (chiếm 4% tổng kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ Việt Nam).

Đối với thị trường Anh, ông Trần Huy Lê - Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định - đánh giá, đây là thị trường quan trọng thứ hai sau Đức đối với các doanh nghiệp xuất khẩu gỗ Bình Định. Hiện là thời điểm quan trọng để doanh nghiệp chào bán hàng. Việc Anh rời khỏi EU đã có tác động tới các đơn hàng của các doanh nghiệp. Đã có những khách hàng yêu cầu giảm giá từ 5-7%, đáng sợ hơn là có khách hàng đòi giảm đơn hàng.

Theo ông Tô Xuân Phúc - chuyên gia phân tích chính sách Tổ chức Forest Trends, sự kiện Brexit gây mất giá đồng bảng Anh, tác động tiêu cực đến thị trường tài chính của Anh cũng như của các nước khác trong khu vực EU. Điều này gây tác động tiêu cực đến giá xuất khẩu đồ gỗ của Việt Nam.

Giảm sức mua từ Anh cũng như các nước khác trong khối EU nói chung và sự sụt giảm nhu cầu trong ngành công nghiệp xây dựng nhà cửa tại Anh sẽ có tác động trực tiếp đến ngành gỗ của Việt Nam.

“Nói cách khác, nhu cầu đối với các sản phẩm gỗ nhập khẩu vào Anh, bao gồm cả các sản phẩm gỗ nhập khẩu từ Việt Nam, chắc chắn sẽ giảm trong tương lai”, ông Tô Xuân Phúc nói.

Theo ông Tô Xuân Phúc, các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam cần cập nhật thông tin và có những giải pháp ứng phó với các kịch bản thị trường khác nhau. Bởi trong tương lai có thể sẽ có những thay đổi về thuế, những biến động về tỉ giá, thay đổi về thủ tục và phí hải quan, cũng như các thay đổi quy định và các tiêu chuẩn hiện đang được EU áp dụng.

Xuất khẩu dăm gỗ “tuột dốc không phanh”

Theo Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Vifores), kim ngạch và lượng xuất khẩu dăm gỗ của năm 2016 suy giảm nghiêm trọng, và điều này đang làm phát sinh những lo ngại, đặc biệt trong khối các doanh nghiệp dăm và các cơ quan quản lý.

“Điều đáng chú ý là, xuất khẩu dăm những tháng đầu năm nay không chỉ giảm về lượng và giá trị mà còn giảm về số lượng doanh nghiệp tham gia thị trường xuất khẩu. Cụ thể, trong 5 tháng qua, chỉ có 64 doanh nghiệp tham gia thị trường xuất khẩu, giảm sâu từ con số 101 doanh nghiệp trước đó”, ông Đặng Việt Quang - Tổ chức Forest Trends - cho biết.

“Nếu từ nay đến cuối năm, xu hướng này không thay đổi, ngành chế biến và xuất khẩu dăm của Việt Nam tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn và kim ngạch xuất khẩu cả năm 2016 chỉ đạt trên dưới 600 triệu đôla Mỹ, bằng khoảng 1/2 kim ngạch của năm 2015”, theo báo cáo của Vifores.

Cũng theo ông Tô Xuân Phúc, hiện lượng dăm tồn, không xuất khẩu được tại Việt Nam đang rất lớn. Sự sụt giảm nghiêm trọng lượng dăm gỗ xuất khẩu đang và sẽ tiếp tục tác động tiêu cực, không chỉ với các doanh nghiệp xuất khẩu, mà còn tác động đến hàng trăm nghìn hộ gia đình, bao gồm nhiều hộ dân nghèo, là nguồn cung nguyên liệu đầu vào cho ngành dăm và hàng trăm nghìn lao động khác tham gia các khâu của chuỗi cung ứng.

Các doanh nghiệp và chuyên gia trong ngành nhận định, nguyên nhân chủ yếu dẫn tới sự sụt giảm nghiêm trọng kim ngạch xuất khẩu dăm là do yếu tố thị trường. Nhu cầu mặt hàng bột giấy trên thế giới, đặc biệt tại thị trường Trung Quốc giảm mạnh.

Trung Quốc là thị trường nhập khẩu dăm gỗ lớn nhất của Việt Nam, nhu cầu của Trung Quốc giảm dẫn đến tụt giảm cả về giá và lượng xuất khẩu dăm của Việt Nam trong năm 2016. Hiện xu hướng giảm này chưa có dấu hiệu chững lại. Bên cạnh đó, nguồn cung nguyên liệu từ Thái Lan đang tăng mạnh do cây đến chu kỳ khai thác.

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/kinh-te/brexit-anh-huong-nghiem-trong-toi-nganh-xuat-khau-go-viet-nam-574451.bld