Bớt nỗi lo về vay vốn làm phim

Vấn đề nguồn vốn đầu tư, lãi suất khi vay… luôn là những khó khăn khiến nhiều người hoạt động trong lĩnh vực điện ảnh nói riêng, nghệ thuật nói chung lo nghĩ. Đây cũng là một trong những trăn trở, khúc mắc của người làm nghề từ cấp độ quy mô lớn đến các dự án đơn lẻ.

Tại cuộc tọa đàm thuộc khuôn khổ "Liên hoan phim quốc tế TP HCM lần 1-2024" (HIFF 2024), tổ chức mới đây, một số tin vui được chia sẻ khiến người trong giới giảm bớt phần nào nỗi lo quanh vấn đề vốn vay, nguồn tiền đầu tư điện ảnh. Trong đó, ông Nguyễn Quang Thanh, Phó Tổng Giám đốc Công ty Đầu tư Tài chính Nhà nước TP HCM (HFIC), thông tin rằng ngày 24-6-2023, Quốc hội thông qua Nghị quyết 98 trong đó có nội dung HĐND TP HCM được bố trí vốn đầu tư công, hỗ trợ cho các dự án phù hợp với mục tiêu phát triển của thành phố, trong đó có lĩnh vực điện ảnh.

Ngày 19-9-2023, HĐND TP HCM thông qua Nghị quyết để triển khai Nghị quyết 98 này. "Cụ thể, trong danh mục mà thành phố hỗ trợ có lĩnh vực xây dựng các cụm rạp chiếu phim quy mô tổng số từ 1.000 chỗ trở lên, công ty chúng tôi có thể cho vay và khoản vay được hỗ trợ tối đa là 200 tỉ đồng không lãi suất trong thời gian 7 năm" - ông Nguyễn Quang Thanh cho biết.

Phim “The Cash-Way” của đạo diễn và biên kịch Lê Nguyễn Tường Vân, do quỹ “Netflix Fund for Creative Equity” tài trợ. (Ảnh do nhà sản xuất cung cấp)

Người vay có thể vay nhiều hơn, ví dụ như 500 tỉ đồng nhưng thành phố sẽ hỗ trợ lãi suất trong khoản 200 tỉ đồng; khoản 300 tỉ đồng còn lại người vay vẫn nộp lãi suất như bình thường. Bà Ngô Thị Bích Hạnh, đồng sáng lập và là Tổng Giám đốc Công ty BHD, cho rằng đây là tin vui, một thuận lợi cho người làm trong lĩnh vực điện ảnh.

Bà Hồ Thị Quyên, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP HCM (ITPC), cho hay Sở Văn hóa và Thể thao TP HCM đã có kế hoạch cùng với ITPC tổ chức hội nghị xúc tiến văn hóa. Đây là cơ hội để nhà sản xuất, nhà làm phim cùng những người hoạt động trong lĩnh vực điện ảnh tiếp xúc nhà đầu tư quốc tế, mời gọi đầu tư cho dự án của mình. ITPC không trực tiếp hỗ trợ vốn nhưng sẽ giữ vai trò kết nối, tiếp nhận thông tin từ doanh nghiệp, tạo liên kết giao thương hai bên.

Ngoài ra, với các dự án phim đơn lẻ, nhà làm phim còn có thể tìm đến những quỹ đầu tư của nước ngoài. Bà Emmanuelle Pavillon-Grosser, Tổng lãnh sự Pháp tại TP HCM, đã dùng ngôi nhà lớn của mình làm bối cảnh cho phim "Công tử Bạc Liêu", đang trong quá trình sản xuất. "Chúng tôi đã cấp tài trợ tương đương 3 tỉ đồng cho một số phim Việt, trong đó có phim "Bên trong vỏ kén vàng" của đạo diễn Phạm Thiên Ân - thắng giải tại Liên hoan phim Cannes 2023 và thu hút sự quan tâm của khán giả Pháp" - bà Emmanuelle Pavillon-Grosser thông tin.

Theo các nhà chuyên môn, nếu TP HCM nói riêng và điện ảnh Việt nói chung có một nguồn quỹ hỗ trợ từ chính phủ thì sẽ tốt hơn cho sự phát triển bền vững của ngành. Bởi các phim thuộc dòng độc lập, thường khó khăn trong gọi vốn đầu tư hơn so với các phim thương mại. Nếu phải phụ thuộc vào các nguồn vốn từ các quỹ nước ngoài, nhà làm phim tốn nhiều thời gian để đi đến từng LHP quốc tế, các quỹ đầu tư quốc tế để tìm kiếm, thuyết phục và gom đủ chi phí thực hiện. Với một nguồn quỹ hỗ trợ từ phía chính phủ, số lượng phim độc lập, nghệ thuật nội địa sẽ có cơ hội tăng lên.

Người trong giới kỳ vọng rằng việc giảm bớt nỗi lo về vay vốn trong các lĩnh vực nghệ thuật nói chung và điện ảnh nói riêng sẽ là động lực thúc đẩy sự phát triển trong thời gian tới.

Mai Phương

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/bot-noi-lo-ve-vay-von-lam-phim-196240410211201325.htm