Bớt nhậu, dành thời gian với gia đình

Việc cấm tuyệt đối nồng độ cồn khi lái xe, dù vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau, song nếu mỗi người nhìn lại cuộc sống, nếp sinh hoạt của gia đình thời gian qua sẽ thấy nhiều cái được khi cơ quan chức năng siết chặt xử lý vi phạm nồng độ cồn.

1. “Tối nay ba đặt hàng món canh chua và sườn nướng nha mẹ”, bé Anh Thư tíu tít nói khi vừa thấy mẹ (chị Trương Minh Hà Vân, ngụ quận Bình Thạnh, TPHCM) đến đón sau giờ tan học. Từ mấy tháng nay, Anh Thư coi việc truyền đạt lại “đơn đặt hàng” của ba cho bữa tối như một trọng trách lớn. Nhìn con háo hức với bữa tối có đủ thành viên gia đình, chị Hà Vân vui trong bụng.

Anh Thư 8 tuổi thì cũng tròm trèm 6 năm hơn anh Nguyễn Bá Lâm (chồng chị Hà Vân) thường lấy đủ cớ, từ tăng ca, tiếp khách, sinh nhật, thăm người bệnh... để đi nhậu sau giờ làm. Tuần 7 ngày thì có tới 3-4 ngày anh báo “cắt cơm”, cuối tuần lại đi thể thao, đá bóng, thành thử bữa cơm gia đình chị Hà Vân chẳng mấy khi đông đủ thành viên. Dạo gần đây, với quy định siết vi phạm nồng độ cồn, các “bợm” vừa nhậu vừa lo nên dần ngán ngẩm, các nhóm bạn nhậu của anh Lâm rã dần. Ban đầu anh Lâm cũng bâng khuâng nhưng có rủ cũng không ai dám đi, hoặc có đi lại tốn thêm mớ tiền xe ôm chở về nên đành thôi, về nhà ăn cơm vợ nấu. “Lâu không nhậu, chăm chỉ về nhà ăn cơm vợ nấu thấy khỏe ra nên chắc sẽ duy trì lâu dài”, anh Lâm nịnh vợ nhưng có lẽ cũng là lời nói từ đáy lòng.

Bớt nhậu, các ông bố có thêm thời gian vui chơi với con

Cũng như anh Lâm, nhiều người cho biết, lúc mới áp dụng nghiêm ngặt quy định xử lý nồng độ cồn đối với người lái xe, rồi công an tăng cường kiểm tra, phạt nặng các trường hợp vi phạm, ai cũng phải chấp hành. “Cái tật quen nhậu, giờ phải dè chừng, mà xui xui bị thổi nồng độ cồn thì đi toi nửa tháng lương rồi bị giữ bằng lái, không buồn mới lạ. Xót tiền nên đành bấm bụng mà lướt qua quán nhậu”, anh Hồ Lê Văn Âu (nhân viên một công ty xuất nhập khẩu tại quận 7, TPHCM) nói.

Ngược lại với tâm lý chung của đại đa số cánh đàn ông, anh Phạm Văn Thuận (ngụ TP Thủ Đức, TPHCM) nhẹ lòng khi có quy định siết chặt vi phạm nồng độ cồn. Anh Thuận không phải người ham nhậu, nhưng vì tính chất công việc, mỗi tuần anh vẫn phải đi đôi ba lần để giữ các mối quan hệ. Khi các cơ quan chức năng ra quân kiểm soát nồng độ cồn gắt hơn, anh giãn dần các cuộc vui phải đụng đến bia, rượu mà không sợ mất lòng ai.

Anh Thuận cho biết, kinh tế gia đình anh chỉ vừa đủ chi phí cơ bản, anh đi nhậu là kiểu gì cũng thâm hụt vào tiền sinh hoạt. “Chúng tôi nhậu ở các quán bình dân, mỗi cuộc anh em đều hùn tiền cùng trả, tính ra mỗi người chỉ trên dưới 200.000 đồng/lần, nhưng từng ấy đủ để gia đình tôi có bữa ăn tươm tất cho 4 người. Nhiều lúc nghĩ mình đi nhậu, vợ con phải nhịn chi tiêu nên cũng áy náy. Giờ viện cớ siết vi phạm nồng độ, tôi dẹp luôn việc nhậu nhẹt, đỡ mất thời gian, tiền bạc, cũng hạn chế nguy cơ tai nạn rình rập”, anh Thuận dứt khoát.

Anh Nguyễn Bá Lâm tâm sự: “Có lẽ, những quy định khắt khe sau tay lái đã giúp nhiều người nhìn nhận lại về cuộc sống gia đình. Khi mà sau bữa cơm tối, họ vẫn còn thời gian dạy con vài ba bài toán hay chơi cùng các con. Nghĩ lại mấy năm trời cứ triền miên ở quán nhậu lai rai chém gió, thật lãng phí thời gian”.

2. Từ dạo lực lượng chức năng ra quân kiểm tra gắt gao nồng độ cồn, quán xá vắng khách hẳn. Ngày trước, sau giờ tan làm, khách đến quán nhậu ngồi tràn từ trong ra tới vỉa hè, khách nhậu vẫn trong bộ quần áo công sở ngồi cụng ly tới khuya mới về, hình ảnh ấy nay đã trở nên khan hiếm. Song, ở chiều ngược lại, bàn ăn của nhiều gia đình lại rộn rã tiếng cười, đủ đầy thành viên hơn.

Như mẹ con chị Hà Vân, niềm vui buổi chiều sau giờ tan học, tan làm là tạt qua chợ mua mấy món ban sáng ba “đặt hàng” rồi về cả nhà cùng chế biến. “Nhiều hôm lu bu món này, món kia trong bếp, ngó ra thấy chồng tắm rửa cho con, phụ dọn dẹp nhà cửa, tôi cười miết. Đâu như ngày trước, một mình tất bật làm hết, vừa lo con cái, cơm nước, vừa sợ ổng nhậu nhẹt đi đường gặp chuyện. Nhà nước làm gắt vụ đo nồng độ cồn, ổng thay đổi nên vợ con được cậy nhờ”, chị Hà Vân chia sẻ.

Nhiều người cho rằng thu ngân sách nhà nước đang phụ thuộc rất lớn vào thị trường bán lẻ, quán nhậu vắng khách cũng ảnh hưởng lớn đến kinh tế. Ảnh hưởng là có thật, song tính mạng con người và an ninh trật tự xã hội phải được ưu tiên hàng đầu. Có biết bao tai nạn thương tâm, bao nhiêu bi kịch xảy ra mà nguyên nhân xuất phát từ bia, rượu; bao gia đình nguội lạnh, tan cửa nát nhà cũng vì rượu, bia. Do đó, thị trường có thể xoay chuyển để thích ứng với nhu cầu, còn quy định phù hợp để góp phần quan trọng đảm bảo an toàn giao thông, trật tự xã hội, phòng ngừa, hạn chế các vụ tai nạn thương tâm cần phải thực thi nghiêm minh. Và nếu làm tốt, đây sẽ là cuộc cải tổ lớn, giúp hình thành nên thói quen “đã uống rượu bia thì không lái xe”.

YÊN HÀ

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/bot-nhau-danh-thoi-gian-voi-gia-dinh-post734200.html