Bóng đá Việt Nam 'khủng hoảng' - Bài 3: Chọn huấn luyện viên như thế nào?

Liên đoàn Bóng đá Việt Nam đã khởi động kế hoạch tìm kiếm người kế nhiệm ông Philippe Troussier trên cương vị huấn luyện viên trưởng đội tuyển Việt Nam.

Đội tuyển Việt Nam (áo sẫm) thua Iraq 0-1 tại sân Mỹ Đình trong trận lượt đi vòng loại thứ 2 World Cup 2026 khu vực châu Á. Ảnh: INT.

Tuy nhiên, có vẻ như mọi thứ vẫn rối tung, bởi chính tổ chức xã hội nghề nghiệp này cũng chưa thể xác định mình có gì, muốn gì để từ đó đặt ra tiêu chí tuyển chọn rõ ràng hơn.

Xây dựng bộ tiêu chí mới

Hy vọng mong manh về giấc mơ World Cup của huấn luyện viên Philippe Troussier cùng bóng đá Việt Nam chính thức tan tành sau loạt trận tháng 3 vừa qua. Trận thua bẽ bàng trước Indonesia buộc chiến lược gia người Pháp đạt thỏa thuận chấm dứt hợp đồng với Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF).

Chiếc ghế thuyền trưởng đội tuyển Việt Nam đang bỏ trống. Trong động thái mới nhất VFF đưa huấn luyện viên Hoàng Anh Tuấn tạm nắm đội tuyển U23 Việt Nam tham dự Vòng chung kết U23 châu Á 2024, giải đấu xác định 4 suất tham dự Olympic Paris vào mùa Hè này, đồng thời kích hoạt chế độ tìm thầy mới cho đội tuyển quốc gia với “deadline” vào tháng 6 tới.

Kế hoạch là thế, song thực tế vấn đề tìm huấn luyện viên mới cho đội tuyển Việt Nam rất nan giải và có thể cần thêm nhiều thời gian. Lý do là đội tuyển Việt Nam không còn nhiều hy vọng vượt qua vòng loại thứ 2 World Cup 2026 khu vực châu Á.

Sau 4 lượt trận ở bảng F, Iraq đã sớm giành tấm vé đầu tiên. Suất còn lại là cuộc cạnh tranh giữa Indonesia (7 điểm) và Việt Nam (3 điểm), trong khi vòng loại thứ 2 chỉ còn lại 2 lượt trận nữa.

Nếu thắng cả 2 trận hạ màn vào tháng 6 tới, đội tuyển Việt Nam sẽ kết thúc vòng loại thứ 2 với 9 điểm. Với kịch bản này, chúng ta chỉ giành vé đi tiếp nếu Indonesia chỉ giành tối đa 1 điểm ở 2 trận còn lại.

Mặc dù vậy, đây là khả năng khó xảy ra bởi đội tuyển Việt Nam đang rối bời vẫn còn 1 trận sân khách với Iraq. Trong khi đó, Indonesia còn 1 trận tiếp Philippines tại sân nhà. Vậy nên, trong trường hợp đội tuyển Việt Nam dừng bước ngay từ vòng 2 thì phải đến tháng 11, các tuyển thủ mới bắt đầu trận mở màn vòng loại ASIAN Cup 2027.

Sau đó đến tháng 12, đội dự ASEAN Cup 2024 (tiền thân là AFF Cup). Như vậy trong 8 tháng tới đội tuyển Việt Nam có thể chỉ chơi 2 trận vào tháng 6 tới, không chịu sức ép phải có một huấn luyện viên trưởng ngay lập tức và nếu có, nhiều khả năng cũng chỉ là một huấn luyện viên tạm quyền giống như ông Hoàng Anh Tuấn ở đội U23 Việt Nam.

Huấn luyện viên Kim Sang Sik được cho là đã nộp hồ sơ ứng cử vào vị trí thuyền trưởng đội tuyển Việt Nam. Ảnh: INT.

Sau bài học từ sự đổ vỡ với ông Troussier, VFF xác định cuộc tìm kiếm lần này sẽ được tiến hành thận trọng, kỹ lưỡng, bảo đảm đúng tiêu chí đã được xây dựng trong nhiều năm qua.

Về cơ bản, tiêu chí tuyển chọn này xoay quanh mấy vấn đề như am hiểu bóng đá Việt Nam và Đông Nam Á, triết lý bóng đá phù hợp với cầu thủ Việt Nam và yêu cầu tài chính trong khả năng đáp ứng của VFF… Tuy nhiên, tiêu chí tuyển chọn như thế nào cho đúng người, đúng việc, điều chỉnh linh hoạt để phù hợp với thực tiễn bóng đá Việt Nam cũng như sau những gì đã xảy ra là vấn đề cần được minh định và đặt đúng vai trò như nó vốn có.

Ông Mai Đức Chung - thành viên Hội đồng Huấn luyện viên quốc gia, tổ chức có chức năng tư vấn, đồng hành cùng VFF sàng lọc, tuyển chọn huấn luyện viên trưởng các đội tuyển quốc gia cho biết, người nắm đội tuyển cần hiểu rõ thực trạng bóng đá Việt Nam, từ đó chung sức xây dựng lộ trình phù hợp, bảo đảm các mục tiêu ngắn hạn và dài hạn.

Cụ thể hơn, theo ông Chung, người ngồi “ghế nóng” đội tuyển Việt Nam cần hiểu văn hóa của cả nền bóng đá, tìm ra lối chơi phù hợp với năng lực cầu thủ, có kỹ năng khai thác và sử dụng thành công những gương mặt tốt nhất.

Đặc biệt, huấn luyện viên kỳ cựu họ Mai nhấn mạnh, tân huấn luyện viên trưởng cần là người cư xử khéo léo, có phương pháp quản trị tập thể, thúc đẩy cầu thủ và tránh gây bất đồng trong đội tuyển.

Bên cạnh vấn đề hiểu bóng đá Việt Nam và cách ứng xử phù hợp, chuyên gia Đoàn Minh Xương còn nhấn mạnh đến một số vấn đề về chuyên môn.

“Huấn luyện viên Troussier rất giỏi, nhưng ông ấy không phù hợp với văn hóa Việt Nam. Đó là bài học lớn. Tôi cho rằng, huấn luyện viên đội tuyển Việt Nam cần có sự khéo léo, linh hoạt và quyết đoán cả trong trận đấu và chiến lược, tránh cách làm máy móc, cứng nhắc.

Danh tiếng huấn luyện viên là một chuyện, vào việc là câu chuyện khác. Thầy mới của đội tuyển Việt Nam phải biết lúc nào cần thích nghi, điều chỉnh linh hoạt, lúc nào cần nhất quán với con đường mình đã chọn.

Đơn cử, sau 4 năm làm việc với bóng đá Indonesia, huấn luyện viên Shin Tae-yong nhận ra rằng cần thúc đẩy nhập tịch cầu thủ chất lượng để nâng tầm đội tuyển, thay vì chỉ trông chờ vào lớp trẻ. Đó là sự ứng biến tốt về chiến lược và vai trò cá nhân”, ông Xương nêu quan điểm.

Đội tuyển Indonesia thể hiện sự tiến bộ trong thời gian ngắn với những cầu thủ nhập tịch. Ảnh: INT.

Nhiều ứng viên danh tiếng

Những ngày qua, thông tin các ứng viên nước ngoài gửi CV (sơ yếu lý lịch) đến VFF xin ứng tuyển vị trí huấn luyện viên trưởng đội tuyển Việt Nam xuất hiện với tần suất dày đặc. Đặc biệt là các ứng viên đến từ Hàn Quốc - nơi được cho là phù hợp với bóng đá Việt Nam sau thành công của huấn luyện viên Park Hang Seo trước đây.

Trong đó có huấn luyện viên Kim Sang Sik (sinh năm 1976), từng khoác áo Hàn Quốc tham dự World Cup 2006. Trong sự nghiệp cầm quân, ông này đưa câu lạc bộ Jeonbuk Hyundai Motors giành chức vô địch quốc gia Hàn Quốc (K-League) 2021, Cúp quốc gia Hàn Quốc 2022 và chia tay vào năm 2023.

Một người Hàn Quốc khác - ông Kim Do Hoon được cho là đã nộp đơn ứng tuyển. Thành tích đáng chú ý của chiến lược gia người Hàn này là chức vô địch AFC Champions League 2020 cùng Ulsan Hyundai.

Ngoài ứng viên Hàn Quốc còn có thông tin về những huấn luyện viên tên tuổi đến từ châu Âu. Nổi bật là thông tin cựu tuyển thủ và cựu huấn luyện viên trưởng đội tuyển Italy Roberto Donadoni.

Nhà cầm quân sinh năm 1963 này từng đưa đội tuyển Italy vào đến tứ kết Euro 2008 trước khi bị sa thải. Ở cấp độ câu lạc bộ, huấn luyện viên Roberto Donadoni trải qua nhiều đội như Napoli, Cagliari, Parma, Bologna trước khi sang Trung Quốc dẫn dắt Shenzhen.

Và cũng cần nhắc đến một gương mặt quen thuộc, huấn luyện viên Mano Polking (Đức), người từng huấn luyện câu lạc bộ TPHCM tham dự V-League 2021 và dẫn dắt đội tuyển Thái Lan đến 2 chức vô địch AFF Cup (2020 và 2022).

Cũng có thông tin cựu huấn luyện viên trưởng đội tuyển Nhật Bản dự World Cup 2018 Akira Nishino (sinh năm 1955) nộp đơn ứng tuyển. Thậm chí, những ông thầy ngoại đang cầm quân ở V-League bằng nhiều kênh thông tin cho thấy có sự quan tâm đặc biệt đến ghế nóng ở đội tuyển Việt Nam, như Velizar Popov (câu lạc bộ Thanh Hóa) hay Kiatisuk (câu lạc bộ Công an Hà Nội).

Thậm chí, có thông tin đề cập đến khả năng huấn luyện viên Park Hang Seo trở lại, hoặc phương án Lee Young-jin, trợ lý của ông Park ở đội tuyển Việt Nam giai đoạn trước...

Chưa biết gương mặt nào sẽ được VFF “gửi vàng”, song đến lúc chúng ta cần dũng cảm nhìn thẳng vào sự thật của bóng đá Việt Nam.

Muốn đội tuyển Việt Nam thành công, bóng đá Việt Nam phải có đường băng tốt, trong đó trụ cột là giải vô địch quốc gia và đào tạo trẻ. “Nếu bóng đá Việt Nam muốn đạt mục tiêu World Cup hoặc top 10 châu Á, vượt khỏi Đông Nam Á, phải trả lời các câu hỏi: Chúng ta đang ở đâu, có những gì, phải làm gì? Từ đó, mới chọn huấn luyện viên trưởng phù hợp, đặt ra mục tiêu phù hợp”, chuyên gia Đoàn Minh Xương phát biểu và ông cho rằng, việc định vị đúng chỗ đứng của mình, thiết lập mục tiêu đúng đắn sẽ giúp bóng đá Việt Nam tìm được gương mặt phù hợp trong một bản danh sách rất nhiều ứng viên.

Bỏ tiền thuê một huấn luyện viên giỏi chỉ là điều kiện cần cho thành công. Đội tuyển Philippines từng bổ nhiệm Sven-Goran Eriksson, huấn luyện viên danh tiếng, nhưng vẫn thất bại. Đội tuyển Thái Lan từng chi “tiền tấn” cho những huấn luyện viên giỏi, đơn cử như chiến lược gia người Nhật Bản Akira Nishino, song bóng đá xứ chùa Vàng những giai đoạn đó sa sút, rơi vào khủng hoảng. Nguyên nhân có nhiều.

Tuy nhiên, mẫu số chung của những thất bại này, phần nào có cả ông Troussier đó là sự yếu kém của hệ thống, nền tảng và yếu tố quản trị từ “thượng tầng”, cụ thể là các liên đoàn bóng đá quốc gia. Lúc này, còn sớm để đi tìm cái tên nào thay thế ông Troussier ở đội tuyển Việt Nam, hãy nhìn nhận chúng ta mang đến cho huấn luyện viên mới những gì?

Trước khi một huấn luyện viên khác về nắm đội tuyển Việt Nam, cầu thủ của chúng ta đang đứng ở đâu? Bóng đá Việt Nam có 5 năm bùng nổ dưới triều đại huấn luyện viên Park Hang Seo, gặt hái vô số thành công, vậy mà chưa một lần thắng nổi đội tuyển Thái Lan. Những gương mặt được cho là tốt nhất xuất ngoại rồi lần lượt trở về trong thất bại. Không một cầu thủ nào thành công.

Nhìn lại cả một quá trình, chu kỳ thành công của bóng đá Việt Nam quá ngắn và trong bức tranh tổng thể, nhiều vấn đề của chúng ta vẫn đang loay hoay ở vạch xuất phát, thậm chí mất phương hướng.

Huấn luyện viên Troussier có thể đã sai lầm, hoặc nhiều quyết định chưa đúng, song ông nói không sai khi cho rằng, bóng đá Việt Nam chưa có đủ số lượng cầu thủ cần thiết để đạt những mục tiêu xa hơn. Một tập thể mạnh cần phải có những cá nhân tốt. Các cầu thủ cần phải đạt được những tiêu chí về mặt thể hình, kỹ thuật, kinh nghiệm và tư duy chơi bóng.

Đa số các tuyển thủ Việt Nam chưa bảo đảm cả 2 yếu tố, thể hình và kinh nghiệm chơi bóng. Đội tuyển Indonesia giành 3 chiến thắng liên tiếp trước đội tuyển Việt Nam chính nhờ dàn cầu thủ nhập tịch cao to, thi đấu ở châu Âu, sở hữu sự vượt trội về cơ bắp, sức bền. Những vấn đề này thuộc về đào tạo, hệ thống của nền bóng đá.

Hiện nay, bóng đá Việt Nam chưa thể sản sinh đủ nhiều nhân tài cho giấc mơ World Cup. Nhiều trung tâm, lò đào tạo chưa có cách làm bài bản, mỗi nơi làm một kiểu. Vậy nên, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam cần xây dựng một bộ tiêu chí phù hợp với giai đoạn hiện nay cho người kế nhiệm ông Troussier, trước khi chọn ra ai sẽ làm huấn luyện viên trưởng đội tuyển Việt Nam.

Muốn đội tuyển Việt Nam thành công, đúng hơn là thoát khỏi tình cảnh hiện nay, bóng đá Việt Nam cần có chương trình hành động khoa học, chứ không đơn thuần chỉ là đi tìm thầy giỏi.

Nhìn nhận về bóng đá Việt Nam, bình luận viên Ngô Quang Tùng chia sẻ: “Đầu tư cho bóng đá trẻ cần tiến hành dài hạn, đôi khi như ‘đi câu’, đôi lúc trúng vụ, nhưng có khi lại thất bát. Bóng đá Việt Nam chưa thể đào tạo con người ổn định, có hệ thống bài bản. Cầu thủ Việt Nam khi trưởng thành sẽ không theo một quy chuẩn cụ thể. Khi đội tuyển Việt Nam muốn điều chỉnh lối chơi, hệ thống đào tạo lại không thể phục vụ”.

Khánh Vy

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/bong-da-viet-nam-khung-hoang-bai-3-chon-huan-luyen-vien-nhu-the-nao-post679475.html