Bóng đá Việt Nam học gì ở sân chơi World Cup?

Kết thúc hành trình vòng chung kết World Cup 2023, đội tuyển nữ Việt Nam thua cả ba trận nhưng đã học được rất nhiều từ sân chơi lớn nhất thế giới.

Cũng là lần đầu vào năm 1999, đội tuyển nữ Việt Nam (VN) tham dự giải vô địch châu Á và thua rất đậm 1-12 trước CHDCND Triều Tiên. Cũng giải đấu này, đội tuyển Thái Lan vốn đã đi trước bóng đá nữ VN và đang là đội bóng không có đối thủ ở Đông Nam Á đã thua Nhật Bản đến 0-9.

Sức mạnh và sức bật của các cầu thủ Hà Lan trong trận thắng Việt Nam 7-0. Ảnh: REUTERS

Châu Á nhìn vào bước tiến của bóng đá Nhật

Kết quả giải vô địch nữ châu Á năm 1999, CHDCND Triều Tiên chỉ về đích thứ ba; còn Nhật Bản thì vào bán kết rồi thua liền hai trận, đứng hạng tư châu Á. Đội vô địch năm đấy là Trung Quốc, sau khi thắng Đài Loan ở trận chung kết với tỉ số 3-0.

Nhắc lại lần đầu đấy để thấy rằng bóng đá châu Á, trong đó có các đội Đông Nam Á đã có sự lệch pha không nhỏ và quá trình phát triển để hòa nhập với bóng đá thế giới có những khác biệt rất lớn khi đối chiếu qua World Cup 2023.

Sau trận Nhật Bản đánh bại Tây Ban Nha 4-0 chiều 31-7 để lên ngôi nhất bảng C, HLV Jorge Vilda của Tây Ban Nha nói: “Tôi đã nói cầu thủ của mình hãy chơi chậm lại, cố gắng kiểm soát thế trận nhưng rõ ràng là toàn đội Tây Ban Nha đã cuốn vào vùng xoáy trong cơn lốc của các cầu thủ Nhật Bản”.

Tây Ban Nha chính là đội đã đánh bại VN 9-0 trong trận giao hữu ngày 14-7 tại New Zealand nhưng khi gặp các cô gái Nhật, họ lại bị mất phương hướng. Trước sức mạnh của các cô gái Samurai xanh với lối chơi bóng cuồn cuộn được báo chí thế giới ví là “Tsunami”, có nghĩa là “sóng thần”.

Cuộc hành trình vượt qua vòng bảng của Nhật Bản với ba trận toàn thắng thật ấn tượng, thắng Zambia 5-0, thắng Costa Rica 2-0 và thắng Tây Ban Nha 4-0. Sau vòng bảng, các nhà chuyên môn đã nhận định thế hệ vàng của Nhật Bản hiện nay còn hơn cả thế hệ vô địch World Cup 2011 với một tập thể đồng đều và khát khao chiến thắng.

Nhìn các cuộc chạm trán ở bảng E với sự thua thiệt về thể hình và sức mạnh, nhiều người lại so sánh giữa trận Nhật Bản thắng Tây Ban Nha 4-0.

Bóng đá VN chia tay World Cup với những bài học lớn

Nhìn các cuộc chạm trán ở bảng E với sự thua thiệt về thể hình và sức mạnh, nhiều người lại so sánh giữa trận Nhật Bản thắng Tây Ban Nha 4-0. Chiều cao trung bình của đội tuyển Nhật Bản là 1,66 m (theo Asahi Shimbun), Tây Ban Nha là 1,75 m, Costa Rica là 1,73 m và Zambia là 1,7 m.

Với chiều cao 1,66 m thì trung bình các cô gái VN cũng không thua các cầu thủ Nhật Bản là bao nhưng sức mạnh khi va chạm hay tốc độ thì lại thấy rất rõ các cô gái Nhật Bản nhỏ con hơn đối thủ nhưng lại không thua trong tranh chấp, va chạm và đặc biệt là sức bền.

Cầu thủ Nhật Bản có những vị trí thấp hơn Hoàng Thị Loan và thua xa Chương Thị Kiều; có cầu thủ thể hình cỡ Bích Thùy, Thanh Nhã... nhưng sức mạnh, sức bền và sức bật của họ quả là đáng nể... Hơn ai hết, khi dẫn các học trò thi đấu tại World Cup, HLV Mai Đức Chung càng thấy rõ điều này.

HLV Futoshi Ikeda của đội tuyển nữ Nhật Bản tiết lộ: “Ở hai trận thắng Zambia và Costa Rica thì Nhật Bản cố gắng kiểm soát thế trận; còn trận gặp Tây Ban Nha tôi đã thay đổi hoàn toàn, giao thế trận cho đối thủ, Nhật Bản chỉ kiểm soát bóng 24% thời lượng để dồn vào những pha phản công sắc nét, tạo cơ hội ăn bàn qua thời gian cầm bóng ít nhưng khai thác tốt khoảng trống”.

HLV người Nhật này còn chỉ ra rằng để khắc phục sự thua thiệt về thể hình, ông buộc phải chú trọng đến sức mạnh, độ nhanh và sức bền của các học trò mà qua ba trận vòng bảng đều thấy rất rõ cầu thủ Nhật Bản của ông hơn hẳn về thể lực so với Zambia, Costa Rica và Tây Ban Nha.

Với những tuyển thủ VN và cả HLV Mai Đức Chung, sau mỗi trận đấu, khi được hỏi về điểm yếu của mình so với đối thủ thì tất cả đều nói rằng đối thủ mạnh hơn, khỏe hơn và nhanh hơn.•

World Cup là bức tranh rõ nhất để bóng đá Việt Nam thay đổi

Trở về từ World Cup, HLV Mai Đức Chung chắc chắn sẽ thực hiện một báo cáo chi tiết để bóng đá nữ VN phát triển. Tất nhiên, chỉ một mình ông Chung thì sẽ khó có những thay đổi cần thiết vì đấy phải là sự chuyển biến từ một chiến lược và từ một hệ thống kích hoạt bóng đá nữ để thu ngắn cách biệt, trước mắt là mạnh dạn bước ra thi đấu với các đối thủ mạnh ở châu Á.

Sẽ không thể có một đội tuyển nữ mạnh như cách người Nhật đã làm nếu cả giải vô địch quốc gia chỉ có bảy đội chơi với nhau và năm nào cũng lo nhà tài trợ nghỉ chơi thì bóng đá VN lại mất đi một đội. Càng không thể có một đội tuyển mạnh nếu đồng lương của các cầu thủ chỉ dao động 200-300 USD như nhà báo Jere Longman của Mỹ đã lặn lội sang VN tìm hiểu rồi nêu thắc mắc: “Họ không sống được bằng nghề nên nhiều người phải kiếm thêm để cân bằng cuộc sống bằng những nghề khác”.

Sau World Cup, bóng đá nữ VN sẽ phải thay đổi và thay đổi lớn nhất vẫn là hướng đi cụ thể cho các cô gái hơn là chỉ quanh quẩn với ngôi hậu Đông Nam Á.

TẤN PHƯỚC - ĐỨC TRƯỜNG

Nguồn PLO: https://plo.vn/bong-da-viet-nam-hoc-gi-o-san-choi-world-cup-post744954.html