Bóng đá - môn thể thao chết chóc ở Indonesia

Đeo thẻ bài trên cổ và đội mũ có gắn phù hiệu, Irlan Alarancia hét vào chiếc loa: 'Tôi muốn các bạn mạnh mẽ, cả về tinh thần lẫn thể chất. Chúng ta không mong chờ những kẻ yếu ớt'.

Khí thế của Irlan và những người quanh anh không khác gì một đội quân. Nhưng thực tế, họ chỉ là những người hâm mộ bóng đá Jakarta muốn ủng hộ đội bóng yêu thích và có thể sống sót trở về nhà tại một trong những giải đấu thể thao chết chóc nhất thế giới - Indonesian Premier League.

"Sampai mati" là điệp khúc phổ biến trong các câu lạc bộ bóng đá Indonesia, được dịch nôm na là "cho đến khi chết".

"Ai là đàn ông thì đều thích chiến đấu. Từ khi còn học trung học, tôi đã thích cạnh tranh. Sau đó gia nhập Jakmania, nhóm cổ động viên của câu lạc bộ Persija, tất nhiên tôi càng phải chiến đấu mỗi khi gặp đối thủ", Irlan, người đã mất chiếc răng cửa trong một vụ ẩu đả tại sân vận động, nói với ABC News.

Ít nhất 174 người đã thiệt mạng và khoảng 180 người bị thương sau một vụ bạo loạn trên sân vận động Kanjuruhan (ở Malang Regency, Đông Java, Indonesia), cảnh sát cho biết hôm 2/10. Đây có thể là một trong những thảm kịch thể thao tồi tệ nhất thế giới, NBC News nhận định.

Sau khi câu lạc bộ Arema để thua Persebaya Surabaya với tỷ số 2-3, tối 1/10, người hâm mộ của Arema đã tràn vào sân. Cảnh sát xịt hơi cay nhằm dẹp loạn nhưng lại gây ra cảnh tượng giẫm đạp kinh hoàng, nhiều trường hợp thương vong vì ngạt thở, Cảnh sát trưởng Đông Java Nico Afinta cho biết.

Vụ bạo loạn ở Malang Regency một lần nữa khiến hooligan hay chủ nghĩa côn đồ trong bóng đá ở Indonesia thành tâm điểm chỉ trích.

Ít nhất 174 người thiệt mạng và 180 người bị thương trong vụ bạo loạn trên sân cỏ ở Indonesia. Ảnh: AFP.

Bạo lực ở khắp mọi nơi

Trước thảm kịch ở Malang Regency, tổ chức phi chính phủ Save Our Soccer (SOS), cơ quan giám sát cộng đồng bóng đá ở Jakarta, đã ghi nhận 70 trường hợp tử vong có liên quan đến môn thể thao vua tại Indonesia kể từ năm 1995.

Theo dữ liệu của SOS, 21 trường hợp tử vong trong số này bị đám đông hành hung, 14 người bị đâm bằng vũ khí sắc nhọn, 12 người bị ngã từ phương tiện giao thông, 11 người bị đánh bằng vật cứng, 6 người chết vì giẫm đạp, 2 người bị ngã từ khán đài, 2 người tử vong vì hơi cay, một người chết trong vụ nổ pháo và một người bị bắn.

Còn Liên đoàn bóng đá Indonesia (PSSI) ghi nhận 95 ca tử vong liên quan đến bóng đá kể từ năm 2005, cao hơn nhiều so với ước tính của SOS.

Theo The Jakarta Post, những cổ động viên bạo lực nhất gồm nhóm Aremania, Bonek, Bobotoh và Jakmania.

Các nhóm cổ động viên tại Indonesia đối đầu nhiều năm, thường xuyên gây hấn. Ảnh: These Football Times.

Chỉ trong 6 năm (2012-2018), 7 người trở thành nạn nhân khi fan của hai đội bóng Persija và Persib đối đầu căng thẳng. Tuy nhiên, sự thù hận không chỉ giới hạn ở hai đối thủ không đội trời chung. Chủ nghĩa côn đồ trong bóng đá tồn tại trên hầu hết các khán đài ở Indonesia.

Tháng 3/2012, 3 người hâm mộ đội bóng Persebaya đã chết khi đi tàu đến Bojonegoro để theo dõi trận đấu giữa Persibo và Persebaya. Nạn nhận bị cổ động viên Persela tấn công bằng đá khi đi qua địa phận Lamongan.

Tháng 5/2012, 3 cổ động viên câu lạc bộ Persib đã thiệt mạng trong một vụ bạo loạn giữa người hâm mộ Persija và Persib trên sân vận động Gelora Bung Karno.

Tháng 9/2018, Haringga Sirila (23 tuổi), người hâm mộ đội Persija, đã bị nhóm cổ động viên Persib, đánh đến chết tại khu vực gần sân vận động Gelora Bandung Lautan Api ở Bandung, Tây Java.

Cảnh bạo lực cũng không giới hạn trong giải vô địch quốc gia Indonesia. Trong trận đấu giữa Indonesia và Malaysia tại vòng loại World Cup 2022 hôm 5/9, cổ động viên Indonesia đã tấn công khán giả và các cầu thủ Malaysia sau khi đội nhà nhận thất bại 2-3.

Sự bất lực của PSSI

Điều phối viên Akmal Marhali của SOS nói rằng vấn đề bạo lực trên các khán đài ngày càng nghiêm trọng, nhưng chưa bao giờ có bất kỳ giải pháp thiết thực nào từ các câu lạc bộ, cảnh sát hoặc PSSI.

Các nhà bình luận đổ lỗi cho PSSI vì thiếu an ninh và nói rằng cơ quan bóng đá đã không lường trước được những sự cố, tai nạn chết người.

Ngược lại, Edy Rahmayadi, người đứng đầu PSSI giai đoạn 2018, nói rằng dù liên đoàn đã tăng số lượng cảnh sát để đề phòng bạo lực, vấn đề vẫn khó giải quyết vì người ủng hộ "cảm tính, thiếu ý thức và chưa trưởng thành".

Dex Glenniza, người có bằng thạc sĩ về khoa học thể thao, nhấn mạnh sự tồn tại của những thông điệp xấu xí trong bóng đá Indonesia. Những thông điệp này có thể được tìm thấy trong các bài hát và câu cổ động được người hâm mộ thường xuyên sử dụng.

Ví dụ, một bài hát phổ biến trong cộng đồng Bobotoh chứa nhiều từ ngữ xúc phạm Jakmania, nói rằng những người này "phải chịu giết".

Các nhà quan sát chỉ trích PSSI chưa nhìn nhận vấn đề bạo lực trong bóng đá một cách thấu đáo để có thể giải quyết triệt để. Ảnh: BBC.

Sau vụ tấn công vào năm 2018, PSSI đã yêu cầu chính quyền địa phương hỗ trợ giáo dục, nâng cao ý thức người hâm mộ. "Điều quan trọng là phải giáo dục cổ động viên tránh đụng độ trong tương lai", một quan chức PSSI từng tuyên bố.

Tuy nhiên, sau 4 năm, vấn đề vẫn chưa được giải quyết, thậm chí trở nên tồi tệ hơn với thảm kịch ở Malang Regency.

Cựu cầu thủ Bambang Pamungkas, huyền thoại của câu lạc bộ Persija, cho biết cần phải làm nhiều hơn nữa để chấm dứt bạo lực.

"Tôi nghĩ rằng tiền phạt không còn là cách hiệu quả để trừng trị các câu lạc bộ. Tôi đề nghị PSSI trừ điểm những câu lạc bộ có người hâm mộ vi phạm các quy tắc. Nếu những người ủng hộ muốn đội của mình giành chiến thắng, thì họ cũng phải cư xử đàng hoàng. Nếu ý tưởng của tôi trở thành quy tắc mà rủi ro vẫn xảy ra, thì tôi nghĩ Indonesia không xứng đáng để chơi bóng đá nữa", Bambang bày tỏ.

Tuy nhiên, xét đến cùng, bạo lực chỉ là biểu hiện, không phải là nguyên nhân. Bất bình đẳng, bất ổn mới là gốc rễ và xa lánh, cô lập, mất niềm tin là các yếu tố góp phần tạo nên các hành vi như vậy.

Theo These Football Times, những gì xảy ra trong bóng đá cũng phản ánh câu chuyện của một xã hội, một đất nước. Vì vậy, để tìm kiếm giải pháp xử lý tận gốc vấn đề, cần làm nhiều hơn là xử phạt một nhóm cổ động viên hay câu lạc bộ và cũng cần nhìn rộng hơn thay vì chỉ bó hẹp trong lĩnh vực thể thao.

Lê Vy

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/bong-da-mon-the-thao-chet-choc-o-indonesia-post1361304.html