Bom hạt nhân Triều Tiên đạt sức nổ kinh hoàng 160 kiloton có thể 'thổi tan' nước Mỹ

Ngày 6.9, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera tuyên bố sức nổ kinh hoàng của bom hạt nhân Triều Tiên là 160 kiloton, dư sức 'thổi tan' những thành phố lớn của Mỹ.

Ông Onodera nói với các nhà báo: ‘Chúng ta không thể loại trừ đó là một vụ thử bom nhiệt hạch. Nó mạnh hơn những lần Triều Tiên thử hạt nhân trước đó. Triều Tiên không chỉ tiến bộ về tên lửa đạn đạo, mà còn về công nghệ hạt nhân’.

Theo báo Nikkei Asian Review, vị Bộ trưởng cho biết đánh giá mới dựa trên dữ liệu động đất của một ủy ban cổ động thông qua Thỏa thuận cấm thử hạt nhân.

Ủy ban này cho Tokyo biết: cơn chấn động 6,1 độ richter xảy ra sau khi CHDCND Triều Tiên thử hạt nhân lần thứ sáu lúc sáng 3.9, tăng so với ước tính trước đó là chấn động 5,8 đến 6 độ richter.

Chỉ cần đầu đạn hạt nhân 15 kiloton,Triều Tiên dư sức thổi tan các thành phố lớn của Mỹ

Theo trang The Diplomat ngày 6.9 dẫn kết luận mới của tình báo Mỹ, nêu sức nổ của quả bom hạt nhân Triều Tiên là 140 kiloton, và nói liên quan một “thiết bị hạt nhân hiện đại”.

Vụ thử này diễn ra ở bãi thử hạt nhân Punggye-ri (Triều Tiên) gây chấn động mạnh ở Hàn Quốc và Trung Quốc.

Trước đó, hai chính phủ Hàn-Nhật ước tính sức nổ là 50 và 70 kiloton. Các ước tính khác của những tổ chức nghiên cứu là từ 60 đến 500 kiloton. Tổ chức nghiên cứu địa chất NORSA (Na Uy) nêu sức nổ 120 kiloton.

Chính phủ Nhật ban đầu ước tính vụ nổ đạt 70 kiloton, tức vẫn cao hơn 5 lần Triều Tiên thử hạt nhân trước đó. Sau đó, chính phủ nâng ước tính lên 120 kiloton (1 kiloton tương đương 1.000 tấn thuốc nổ TNT).

Ngày 6.8.1945, Mỹ thả quả bom hạt nhân có sức nổ 15 kiloton xuống Hiroshima, ba ngày sau thả tiếp quả bom 21 kiloton xuống Nagasaki.

Theo Newsweek, một đầu đạn hạt nhân 15 kiloton gắn lên quả tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) đầu tiên của Triều Tiên đã đủ “thổi bay” các thành phố lớn của Mỹ, cùng các vùng đông dân cư khác của thế giới, nên quả bom mới nhất của Bình Nhưỡng sẽ còn sức hủy diệt khủng khiếp hơn nữa.

Sau khi Triều Tiên thử hai quả ICBM hồi tháng 7, qua tháng 8, Newsweek sử dụng bản đồ hạt nhân (của nhà sử học Alex Wellerstein) để tính toán số thương vong nếu Bình Nhưỡng dùng vũ khí hạt nhân tấn công thành phố lớn của Mỹ.

Đáp án là một đầu đạn 15 kiloton sẽ giết chết khoảng 174.640 người, làm bị thương 291.630 người khác, nếu nó tấn công văn phòng Newsweek ở vùng Hạ Manhattan (New York).

Nay, số thương vong được nâng lên 477.470 nhười chết, gần 1,5 triệu người bị thương, nếu sức nổ của đầu đạn hạt nhân là 150 kiloton, theo bản đồ hạt nhân của Wellerstein.

Mỹ tuyên bố Triều Tiên “ăn xin chiến tranh”

Sáng 6.9, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật cũng có cuộc điện thoại 20 phút với người đồng cấp Mỹ Jim Mattis. Các ông nói cần tiếp tục gây sức ép với Bình Nhưỡng, và ông Mattis khẳng định Mỹ sẽ bảo vệ Nhật bằng “tấm dù hạt nhân”.

Ông Mattis còn khẳng định sẽ tích cực hợp tác với Cục phòng vệ Nhật Bản (SDF) để Nhật mua hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis phóng từ trên bộ. Hai vị Bộ trưởng cũng khẳng định sẽ điều phối 3 bên với Hàn Quốc.

Ông Onodera cũng gặp Đô đốc Scott Swift, chỉ huy Hạm đội Thái Bình Dương của hải quân Mỹ, để khẳng định sự hợp tác phản ứng với những vấn đề an ninh.

Các quan chức quốc phòng Nhật-Mỹ-Hàn còn họp trực tuyến, bàn cách phản ứng với Triều Tiên.

Triều Tiên khoe vụ thử hạt nhân thứ sáu là kích nổ một quả bom nhiệt hạch, có thể đặt lên một tên lửa ICBM, khiến Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc phải họp khẩn cấp ngày 4.9.

Nữ đại sứ Mỹ tại LHQ Nikki Haley nói “Triều Tiên ăn xin chiến tranh”, đề nghị các nước thành viên HĐBA tăng cường trừng phạt Triều Tiên.

Nhà phân tích Wang Sheng của đại học Cát Lâm (Trung Quốc) nói với báo Bưu điện Hoa nam buổi sáng (Hồng Kông) rằng Bắc Kinh có thể xem xét siết chặt thương mại với Bình Nhưỡng, gồm giảm xuất khẩu dầu qua Triều Tiên “vì đó là cách duy nhất để gây sức ép vào lúc này”.

Chính phủ Tổng thống Mỹ Donald Trump thúc đẩy Trung Quốc thực hiện động thái này, theo báo New York Times, dẫn lời các quan chức cấp cao Mỹ mô tả: đó là cơ hội tốt nhất cuối cùng để giải quyết khủng hoảng bằng cách giải pháp phi quân sự.

Trung Quốc hiện là đồng minh lớn duy nhất của Triều Tiên, mỗi năm bán khoảng 500.000 tấn dầu thô và 270.000 tấn sản phẩm hóa dầu qua biên giới, theo số liệu của LHQ.

Bắc Kinh phản đối bất kỳ biện pháp nào có thể gây bất ổn và lật đổ chế độ Kim Jong-un, điều sẽ gây ra khủng hoảng tị nạn ở vùng biên giới Trung-Triều, đồng thời cho phép hàng chục ngàn quân Mỹ-Hàn hành quân qua miền Bắc và áp sát biên giới Trung Quốc.

Bình Nhưỡng ‘cười toét miệng’ với 'bù nhìn' Hàn Quốc

Hôm 5.9, Bình Nhưỡng lên án Mỹ ‘bành trướng’ ảnh hưởng quân sự với Hàn Quốc, cáo buộc láng giềng phía nam kích động nguy cơ xung đột hạt nhân ở bán đảo Triều Tiên.

Hãng thông tấn KCNA liên tục có bài chỉ trích những quyết định gần đây của Hàn Quốc như cùng Mỹ tập ném bom Triều Tiên. Hãng tin này khẳng định “chế độ bù nhìn Seoul toan tính gây chiến tranh ở bán đảo Triều Tiên, chỉ cho thấy sự dốt nát của bọn thất bại rụng rời trước số lượng và chất lượng của vũ khí hạt nhân CHDCND Triều Tiên”.

KCNA cũng viết Seoul “làm trò cười toét miệng” với ý tưởng bàn chiến dịch tấn công Triều Tiên vì nhận lệnh của Mỹ.

Tổng thống Mỹ đã khẳng định việc đánh chế độ Kim Jong-un vẫn là một lựa chọn nghiêm túc. Ngày 4.9, xem ra ông ‘bật đèn xanh’ bán số vũ khí trị giá hàng tỉ USD cho Hàn Quốc.

Trung Trực (theo Nikkei Asian Review, The Diplomat)

Nguồn Một Thế Giới: http://motthegioi.vn/the-gioi-c-79/goc-nhin-c-121/bom-hat-nhan-trieu-tien-dat-suc-no-kinh-hoang-160-kiloton-co-the-thoi-tan-nuoc-my-70945.html