Bồi tụ trong lòng Sài Gòn

Di sản là hoa trái từ một dòng chảy lịch sử văn hóa, cần được nhìn đầy đủ giá trị bên dưới những gì có thể đong đếm và thống kê, là chiều kích thâm viễn của lực nội sinh làm nên nguồn sống 'đã đời', đáng sống của đô thị hôm nay và tương lai.

“Sài Gòn, Chợ Lớn rong chơi

Đi lên đi xuống đã đời du côn”

Khi Bùi Giáng viết hai câu thơ khí chất giang hồ này, ta nhận ra vào thời của ông, trước năm 1975, Sài Gòn và Chợ Lớn vẫn là hai cõi không gian có bản sắc riêng, ít ra là trong tâm tưởng con người.

Người ta đi lên Sài Gòn, xuống Chợ Lớn; ra Chợ Lớn, vào Sài Gòn. Đó là hai “lãnh địa” cho kẻ tự nhận mình “du côn” được xê dịch chứ không phải là hai địa danh thuần túy. Cái phóng khoáng toát ra từ ngôn từ ngao du của trung niên thi sĩ khiến ta nghĩ rằng, dịch chuyển giữa Sài Gòn và Chợ Lớn là một cuộc “lên xuống” tung hoành “đã đời” giữa hai miền trời; có cái gì đó bao la, ngút trời khoáng đạt. Hai miền trời đó được làm nên bởi hai phân khu văn hóa cộng đồng trong một Sài Gòn ngày cũ.

Phố đi bộ Bùi Viện. Ảnh: N.K

Thực ra, nếu nhìn ở góc độ các phân khu dân cư thuần nhất, thì Sài Gòn ngày trước sẽ có nhiều hơn con số 2. Đâu chỉ đi lên đi xuống mà còn đã đời đi qua đi về.

Trong ký ức cộng đồng dưới dạng thuật chuyện, hình ảnh tư liệu lẫn từ các trước tác, thì vào thời Pháp thuộc, Sài Gòn trung tâm là những khu phố mang màu sắc phương Tây. Tên đường phố, đại lộ là tiếng Pháp, như một Paris thu nhỏ ở xứ nhiệt đới phương Đông. Cửa hiệu cũng thế, hầu hết là tên chữ tiếng Pháp hoặc đôi chỗ trộn lẫn Pháp, Việt, Hoa. Sinh hoạt hàng quán ở khu trung tâm là dành cho giới thượng lưu, giới sĩ quan và cả binh lính phục vụ trong chính quyền thuộc địa.

Trong các bưu thiếp giai đoạn này, ta nhìn thấy hình ảnh công chức, binh lính Pháp và gia đình họ tụ tập bên các bàn cà phê hoặc đi tản bộ; bóng dáng người Việt có thể gặp ở đây là giới trung lưu làm việc nơi văn phòng công sở hoặc những người lao động tay chân (đạp xích lô, xe kéo…).

Trong khi đó, các khu vực như Tân Định, Phú Nhuận, xa hơn là Bà Chiểu, Gò Vấp… thì lại mang đậm dấu ấn dân cư vùng miền của người Việt lâu năm và thành phần dân mới nhập cư. Trong các khu vực này, có những cộng đồng nhỏ với quê quán đồng nhất, mang theo ẩm thực, tiếng nói và giá trị bản sắc văn hóa quê gốc, hỗn hòa trong một đô thị, hình thành một bức tranh bản sắc mới đầy cởi mở của Sài Gòn.

Trục Chợ Lớn lại là một “cõi” văn hóa khác, đậm dấu ấn văn hóa người Hoa với chùa chiền, miếu quán, thương xá, cửa hiệu sầm uất. Chợ Lớn là “phố Tàu” (China Town) một thời, vừa trực thuộc Sài Gòn lại vừa là một khoanh vùng giá trị kinh tế và văn hóa gần như độc lập với Sài Gòn. Vì thế, người Sài Gòn xưa có đúc kết kinh nghiệm hưởng thụ đi theo từng phân khu một cách thật ngắn gọn: “Ăn quận 5, nằm quận 3, xa hoa quận 1, trấn lột quận 4”. Ta có thể nhận ra cả một tấm bản đồ chỉ dẫn xuất sắc trong câu truyền miệng trên.

Còn nơi đâu mang lại niềm vui khoái khẩu hơn trong các khu phố Hoa quận 5, nơi hàng trăm món ngon hội tụ, nơi đường sá xênh xang quanh năm như được tẩm ướp hương vị đặc sản đến từ một cộng đồng thiên di trong gió bụi lịch sử từ cố hương, nhưng không quên mang theo cả một sự tự hào về văn minh ẩm thực, niềm vui thú được buôn bán, làm bếp và phục vụ ăn uống lâu đời! Còn nơi đâu lý tưởng hơn khi được tĩnh dưỡng trong những ngôi nhà của giới công chức, viên chức, trung lưu thanh cảnh với mảnh vườn nhỏ, vườn tược nhẹ nhàng, bên ngoài đường sá ngăn nắp với nhiều cây xanh và xa không khí chộn rộn hào nhoáng!

Có lẽ nằm cho ra nằm, thì quận 3 ngày cũ đủ tạo nên một độ lùi cần thiết, một khoanh vùng bình yên giữa phố để đêm dài không nhất thiết phải lắm mộng! Bản đồ trên hẳn là chính xác rồi khi nói về khu trung tâm với đời sống xa hoa hào nhoáng, một nếp sống đi với nếp tiêu dùng mà không phải người Việt bình dân nào cũng có thể bước chân vào, một sự lý tưởng về đời sống phồn vinh.

Trong khi đó, cách một con rạch Bến Nghé – Tàu Hủ, bước chân qua quận 4 là vùng đất của người lao động bình dân nhập cư; nơi làm nên những huyền thoại phố phường về các tướng cướp, băng nhóm bên lề nhưng trượng nghĩa. Báo chí, văn chương nhiều người coi “lãnh địa” những khu nhà ổ chuột bên kia cầu Ông Lãnh, Khánh Hội là mảnh đất màu mỡ của những đề tài ăn khách của một xã hội ngoài rìa pháp luật.

Vậy là đi hết những phân khu căn bản của một Sài Gòn ngày xưa, trong thời Pháp thuộc. Theo đó, dân am hiểu kiến trúc sẽ có một sự định vị về các tuyến kiến trúc đi theo thành phần cư dân và văn hóa cộng đồng. Và không chỉ kiến trúc, những lớp mã di sản tương sinh trong các lĩnh vực liên văn hóa sẽ được gợi mở sáng tỏ hơn.

Những phân khu trong lòng Sài Gòn không ngừng sinh sôi theo cách của một đại đô thị trong giai đoạn 1954-1975. Vào thời kỳ này, cần nhớ rằng đã có những ý tưởng sắp xếp lại Sài Gòn về mặt quy hoạch. Có thể kể đến là đồ án của KTS. Hoàng Hùng năm 1958 và đồ án chỉnh trang Sài Gòn – Chợ Lớn của KTS. Ngô Viết Thụ năm 1960 (khi ông Thụ vừa trở về từ Rome với giải thưởng Khôi nguyên La Mã).

Rõ rệt trong ý định hợp nhất hai phân khu Sài Gòn và Chợ Lớn, chỉnh trang lại trung tâm một cách “ít tốn kém” và phù hợp với bối cảnh xã hội, chính là đồ án tâm huyết của Ngô Viết Thụ. Tuy không thể thành hiện thực vì nhiều lý do khách quan, nhưng câu chuyện hợp nhất trong giai đoạn thanh bình ngắn ngủi Đệ Nhất Cộng Hòa cũng cho thấy phần nào ý hướng về một Sài Gòn có tính đa dạng trong hợp nhất về không gian xã hội và văn hóa.

Từ giữa, cuối thập niên 1950, Sài Gòn tiếp nhận dòng chảy nhập cư từ phía Bắc, từ miền Trung và Nam sống theo từng cộng đồng, từ đó hình thành nên những phân khu mới của người Việt. Người Việt trung lưu, buôn bán ở Sài Gòn cũng có điều kiện hơn để thâm nhập vào vùng trung tâm. Bộ mặt trung tâm cũng thay đổi với sự mở mang văn hóa giao thương. Có thể nhận ra tại trung tâm có những chuyển dịch, hình thành những con phố người Chà sét-ti (người Ấn), người Malaysia… làm nghề cho vay nóng và buôn bán vải lụa, người Hoa mở cửa hiệu buôn bán và tiệm ăn. Hẳn yếu tố cởi mở bao dung mà người ta vẫn nói về Sài Gòn là thể hiện rõ nhất trong giai đoạn này.

Nhìn sang kiến trúc, có thể nhận thấy phong cách hiện đại (Modernist Architecture) – lối kiến trúc khởi sinh từ tinh thần tự cường của người Việt ở miền Nam – đã nở rộ trong giai đoạn này với giá trị bản địa riêng biệt, góp thêm vào di sản kiến trúc Pháp, Hoa, Đông Dương, dân gian Nam Bộ của các thời kỳ trước đó.

Trong cuốn Đế chế ký hiệu, Roland Barthes đã nhiều lần giải mã tính rỗng và phi tâm của đô thị Tokyo. Nếu cũng dùng phương pháp của Roland Barthes áp dụng cho Sài Gòn, ta sẽ thấy một kết quả khác. Những gì các nhà nghiên cứu và truyền thông đã gọi tên là tính bao dung là đúng nhưng chưa đủ. Phẩm tính quan trọng của Sài Gòn đó là tính chất bồi tụ được tiếp thụ từ một đô thị mang tâm tính của một vùng cửa biển. Bồi tụ mang trong nó một lực hấp dẫn và đồng thời cho thấy yếu tố chuyển biến nội tại, ngoại tại không ngừng, liên tục tái tạo giá trị mới cho thành phố.

Cơ cấu cư dân có những chuyển biến mạnh mẽ từ sau 1975, đặc biệt, khi đất nước đổi mới và hội nhập toàn cầu. Cũng như các đô thị khác, TPHCM vỡ vạc diện mạo một metropolis đa cực. Ta thấy sự hình thành những hạt nhân đa văn hóa trong đô thị qua quá trình hấp dẫn và tái định hình.

Các “phân khu” theo nhóm cư dân đồng nhất về văn hóa được hình thành trong giai đoạn mới như phố Hàn Quốc ở Phú Mỹ Hưng, phố Nhật Bản ở góc Thái Văn Lung – Lê Thánh Tôn, phố Pháp ở Thảo Điền… được hình thành bên cạnh các phố được sắp xếp mang tính chức năng: phố tài chính ở trục Nguyễn Công Trứ, phố du lịch ba lô ở Bùi Viện, Phạm Ngũ Lão, phố đi bộ ở khu Nguyễn Huệ… Sự chuyển dịch, giao thoa, không ngừng định hình đang diễn ra trong một đô thị mang tâm tính của con nước vùng cửa biển, vừa hỗn hòa vừa lắng đọng, vừa tĩnh vừa động trong một thứ trật tự được tự nương chỉnh cân bằng – bằng văn hóa nội sinh.

Di sản đô thị, lúc bấy giờ sẽ khiếm khuyết nếu chỉ nhìn ở khía cạnh vật lý từ các công trình được lọc qua các hệ tiêu chí đánh giá ngắt khúc lịch sử. Di sản là hoa trái từ một dòng chảy lịch sử văn hóa, cần được nhìn đầy đủ giá trị bên dưới những gì có thể đong đếm và thống kê, là chiều kích thâm viễn của lực nội sinh làm nên nguồn sống “đã đời”, đáng sống của đô thị hôm nay và tương lai.

Nguyễn An Nam

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/boi-tu-trong-long-sai-gon/