Bồi thường cho 12 dự án du lịch, tại sao cà kê?

Từ năm 2010 đến năm 2013, báo Lao Động đã có loạt bài điều tra xung quanh việc quy hoạch đầu tư dự án cảng Kê Gà, tỉnh Bình Thuận. Quy hoạch này đã gây thiệt hại nghiêm trọng cho 12 dự án khu du lịch (resort) tại đây.

Khu nhà hàng resort Đồi Phong Lan bị bỏ hoang gần 10 năm qua. Ảnh: C.H

Cuối năm 2013, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định dừng quy hoạch cảng Kê Gà; đồng thời, Thủ tướng cũng chỉ đạo Bộ Công Thương, Tập đoàn TKV và UBND tỉnh Bình Thuận xem xét hỗ trợ, bồi thường cho 12 DN bị thiệt hại nặng nề, từ vụ quy hoạch cảng Kê Gà… Thế nhưng, đến nay đã hơn 3 năm, 12 DN trên vẫn chưa nhận được đền bù.

Kỳ 1: “Trung tâm resort” tan hoang

Hàng chục tỉ đồng xây resort để rồi… đập bỏ

Cách đây khoảng 15 năm (2002 - 2003), hưởng ứng lời kêu gọi đầu tư của UBND tỉnh Bình Thuận, 12 DN đã đổ vốn đầu tư vào ngành du lịch tại khu vực thôn Kê Gà, xã Tân Thành, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận. Mục đích của 12 DN trên là đầu tư xây dựng một “trung tâm resort” ngay tại vùng đất xinh đẹp - vốn có mũi Kê Gà và cột hải đăng nổi tiếng gần 100 năm; đồng thời, tạo cú hích phát triển du lịch cho tỉnh Bình Thuận, tạo việc làm cho hàng ngàn người dân địa phương…

Tuy nhiên, vào năm 2007, chủ trương quy hoạch cảng Kê Gà tại vùng đất này đã khiến “trung tâm resort” đang phôi thai lâm vào cảnh bị… chết yểu. Anh Nguyễn Đức Đăng Toàn - chủ khu resort Thế Giới Xanh - nói: “Thời điểm đó, khu du lịch của gia đình tôi mới xây dựng xong, đưa vào hoạt động khoảng hơn 1 năm, thì nhận được thông báo ngừng đầu tư, ngừng hoạt động và làm thủ tục trả lại đất cho tỉnh Bình Thuận để đầu tư cảng Kê Gà. Ba tôi - ông Nguyễn Đức Hiếu, đã đổ bệnh, vì quá xót của. Bởi, để đầu tư được khu du lịch, gia đình tôi đã bỏ ra 3.000 cây vàng (tương đương 100 tỉ đồng)... Ba tôi đã xây dựng khu du lịch với bao tâm huyết. Ba tôi nói “xây dựng khu du lịch tạo công ăn việc làm cho người dân, giúp tỉnh phát triển du lịch…, có gì mà áy náy?”.

Cảnh tan hoang tại resort thuộc Công ty du lịch Thế Giới Xanh

Thế nhưng thực tế trái ngược hoàn toàn. Khu du lịch mới hoạt động, đang còn phải bù lỗ, chưa thu được lợi nhuận nào, đã buộc phải đóng cửa. Chúng tôi đóng cửa khu du lịch mới khai trương không được bao lâu, mà ruột đứt từng khúc, từng khúc…”. Thật vậy, sau khi ngừng hoạt động, toàn bộ resort Thế Giới Xanh ngày một tan hoang, xuống cấp nghiêm trọng. Trong lúc đó, ông Nguyễn Đức Hiếu cũng ngày một trọng bệnh và mất vào cuối năm 2014. Và resort Thế Giới Xanh giờ đây hoàn toàn trong cảnh hoang hóa, đổ nát v.v… Đồng cảnh ngộ với ông Hiếu, ông Hoàng - chủ resort Minh Ngọc, cũng vừa mất năm 2015, khi mà hành trình đòi bồi thường thiệt hại cho phần mình vẫn còn dang dở…

Tương tự, ông Nguyễn Trường Vinh - chủ resort Đồi Phong Lan, chỉ tay cho PV Lao Động xem từng phòng ốc, hạng mục, công trình đang mục nát, xuống cấp theo thời gian và nói: “Resort đang trong quá trình xây dựng, đã xong đâu, nhưng cũng tốn kém gần 50 tỉ đồng. Đùng một cái, tôi nhận thông báo ngừng xây dựng, trả giấy phép đầu tư, trả đất cho Nhà nước để quy hoạch cảng Kê Gà. Trời ơi, nhìn những dãy nhà, biệt thự, phòng nghỉ… xây dựng mới tinh, chưa đưa vào sử dụng; giờ buộc phải đập phá, tháo dỡ, tôi chỉ muốn nhảy xuống biển tự vẫn cho xong”. Thật vậy, thời điểm đó là vào năm 2011, đến nay tròn 6 năm, các dãy nhà chính, hàng chục biệt thự, phòng nghỉ của resort Đồi Phong Lan, chưa một lần sử dụng (dù chưa được chủ nhân tháo dỡ để chờ bồi thường); nay đã trở nên hoang phế và mục nát theo thời gian…

Thiệt hại không thể đong đếm…

Ông Vũ Chí Công - chủ resort Đức Hạnh (tên mới là Vạn Trụ) - cho biết: “Khi nhận được thông tin quy hoạch cảng Kê Gà, tôi đã đổ vào resort của mình khoảng 2.000 cây vàng (tương đương 60 tỉ đồng) để làm vốn đầu tư. Đó là những hạng mục tôi còn giữ hóa đơn, giờ thống kê được; chứ còn rất nhiều chi phí cho 1.001 công việc lặt vặt khác, không có hóa đơn, thì không thể thống kê xuể. Chưa kể biết bao công sức của tôi và người thân đã đổ vào resort ngày đêm, với hành trình từ Sài Gòn đi Phan Thiết, tới mũi Kê Gà và ngược lại”.

Hiện tại, theo ông Công, DN của ông mỗi tháng vẫn phải trả lãi suất tiền vay ngân hàng gần 100 triệu đồng/tháng.Tại khu resort Vạn Trụ của ông Công, ở khu khách sạn 4 tầng đã xuất hiện vô số vết nứt, cửa gỗ bị kẻ gian đập phá do suốt thời gian dài bị bỏ hoang… Bên cạnh resort Vạn Trụ, hàng loạt resort khác như: Tân Thành Minh, Phương Bắc, Thảo My, Hương Bắc, Minh Ngọc, Văn Kê… cũng nằm trong quy hoạch cảng Kê Gà. Đến tháng 2.2017, mỗi resort có tên trên, tùy theo tiến độ xây dựng khác nhau, cái hoàn thành 70%, cái 50%, cái 30%..., đều trong cảnh bị bỏ hoang, xuống cấp, thiệt hại không thể cứu vãn v.v…

Những phòng nghỉ sang trọng của resort Thế Giới Xanh đang bị đổ nát nghiêm trọng.

Ông Nguyễn Thịnh Phát - chủ resort Thành Đạt - cho biết: “Chúng tôi đã bỏ ra hàng tỉ đồng chỉ để mua cây xanh về phủ xanh đồi cát. Trồng được một cây xanh trong điều kiện cát cháy, nắng nóng bỏng, đâu phải dễ. Hơn nữa, thời điểm cách đây hơn 10 năm, thôn Kê Gà hoàn toàn hoang hóa, không đường nhựa, không điện, không nước ngọt… Để cây xanh bám rễ, phát triển, DN không chỉ khoan giếng lấy nước ngọt tưới cho cây, mà còn phải chạy máy phát điện, chăng bạt chắn gió, chăm chút từng chút một…”.

Ngoài ra, ông Phát còn tốn kém nhiều tiền bạc để phá đá, san lấp mặt bằng…; thế nhưng, việc quy hoạch cảng Kê Gà đã làm cho các hạng mục xây dựng resort Thành Đạt đóng băng. Cơ hội kinh doanh bị ảnh hưởng, trong khi lãi vay ngân hàng chất chồng, resort Thành Đạt phải mở quán cơm bình dân ngay trên khu resort đang đầu tư dở dang, cầm cự qua ngày… (còn tiếp)

CAO HÙNG

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/kinh-te/boi-thuong-cho-12-du-an-du-lich-tai-sao-ca-ke-637764.bld