Bồi hồi kỷ niệm khi đông sang

Đêm ấy Mãnh đứng nhìn những cây xoan khẳng khiu trước cái rét đầu đông Hà Nội. Cứ lẳng lặng mà nhìn thế thôi. Lòng Mãnh như tờ.

Mối tình đầu có thể mất đi nhưng kỷ niệm sẽ luôn còn mãi. Ảnh: Pinterest.

– Bác Mãnh coi chúng tôi chọn đất như vậy để lập xưởng tốt không?

Mãnh bị cắt ngang dòng suy nghĩ, khi ông Trưởng làng đưa coi bản vẽ đất. Mãnh xuôi về miền quê thơ ấu này, theo lời mời của Tỉnh, về xây dựng lại cái nghề gốm đã mai một theo cơ chế thị trường biến đổi.

Chẳng hiểu sao Mãnh lại gật đầu nhận lời, khi biết bao dự án khác đang mời mọc, lợi nhuận công cán cao gấp mấy lần. Hôm Sở kêu lên hỏi Mãnh ưng không, Mãnh xin cho một đêm suy nghĩ.

Đêm ấy Mãnh đứng nhìn những cây xoan khẳng khiu trước cái rét đầu đông Hà Nội. Cứ lẳng lặng mà nhìn thế thôi. Lòng Mãnh như tờ. Mặc ngoài kia rét căm căm, mặc thiên hạ vội vã về nhà ủ ấm, mặc gió phả vào người những tê buốt thấu da thịt.

Mãnh nhìn những cành xoan trơ trọi giữa phố đêm vàng vọt ánh điện. Mãnh tính trốn đến bao giờ? Mãnh ngoài bốn mươi rồi. Vậy là cũng chừng hơn hai chục năm đắng đót cái nỗi niềm vương mang.

Ngày ấy, Mãnh ra đi vì hoài bão về một làng nghề gốm. Nay có cơ hội, vậy mà Mãnh lại suy tính. Nơi đó là nhà. Đất ấy là quê. Mãnh sinh ra và lớn lên ven đê sông Cầu. Đất Việt Yên cho Mãnh ý chí, làng Thổ Hà cho Mãnh ước mơ. Vậy sao Mãnh không về? Tuổi này rồi, còn mấy cái xuân xanh để Mãnh thực hiện hoài bão của thời trai trẻ?

Đôi khi, thứ khiến tim ta đau là kỷ niệm. Ảnh: Pinterest.

Đêm ấy, Mãnh thắp nhang cho thầy u, khói trầm tỏa ngát ấm nồng cả nhà. Bát hương, cây hương đêm qua cong vút, uốn lại thành hình tròn. Thế là Mãnh về, tự nhiên như thể lá rụng về cội. Như trăm con nước có ra dòng cái, rồi cũng lặng lẽ trở đầu quay về bồi đắp bãi bờ quê hương.

Hồi Mãnh còn lổm chổm chân trần chạy rong thì làng Thổ Hà đã vang danh nghề gốm, thành một thương cảng nức tiếng của vùng Kinh Bắc. Chỉ tiếc thời cuộc đổi thay nhiều, giờ không như xưa.

Nhưng mà giữ nghề là giữ cái hồn của dân Việt Yên mình, giữ cả tinh túy của làng Thổ Hà. Rồi những thứ mình dụng tâm làm ra, sẽ có ngày khôi phục lại sự hưng thịnh cho Thổ Hà, làm sống dậy một thương hiệu gốm lừng danh xa xưa.

Đình làng hôm cúng khởi công phục dựng làng nghề nhộn nhịp lời chúc, hả hê tiếng cười, ngời ngợi những niềm tin vào một tương lai Thổ Hà rì rà rì rậm lửa đỏ nung đất, thậm thà thậm thịch những chuyến hàng nối đuôi trên thuyền lái ven sông Cầu. Giọt mồ môi nhễ nhại xưa cũ lại quay về, dệt mới lên cuộc đời những đổi thay mà vẫn lưu giữ cái bản sắc nền tảng của làng Thổ Hà.

Mãnh tất bật ngược xuôi công trình xây dựng, để đảm bảo một xưởng làm nghề thủ công đặc trưng, nhưng phải bảo tồn cái cảnh sắc non nước hữu tình của làng, càng không để tình trạng ô nhiễm chất thải từ các lò gốm ảnh hưởng đến đời sống của người dân.

Có những hôm đuối lả người, Mãnh lần theo ven đê, ra ngồi thơ thẩn một mình, nhìn sóng nước bạt ngàn loang loáng, dáo dác về chuyện xưa cũ. Xoan đã quá nửa mùa, vẫn tím dạt dào mấy con ngõ quê. Xuôi dòng Mãnh về, xoan cũng trĩu nặng một mùa hoa, vậy mà người ta cứ biền biệt nơi đâu.

Một sớm tinh mơ cuối tháng Ba, sương còn phủ dày mặt sông, Mãnh dẫn theo thằng Xoan, xuôi dòng Ngũ Huyện Khê tìm về làng Chóa của huyện Yên Phong. Sóng va mạn thuyền bồng bềnh theo câu chuyện của một già, một trẻ.

"Con biết không? Chỉ có đất sét vàng hay sét xanh ở vùng ấy, ít sạn, không lẫn tạp chất, có đặc tính dễ tạo hình và định hình khi nung ở nhiệt độ cao mới làm nên loại gốm riêng biệt độc đáo của Thổ Hà.

Mình cứ nung nó ở nhiệt độ cao, không dùng men, cứ vậy để nó tự chảy ra thành men, thành sành, gốm màu nâu sẫm, thâm tím đanh mặt. Mình gõ trên gốm tiếng kêu coong coong như thép. Mảnh gốm có cạnh sắc như dao, đựng chất lỏng không bao giờ thấm qua, đựng chất rắn đầy chặt không bao giờ ẩm mốc.

Nhờ vậy, mình có thể làm chum vại, chĩnh chõ, tiểu sành rất đẹp, bền vô cùng mà giá thì lại rẻ. Nếu tay nghề mình cao, mình còn có thể làm ra loại cao to dung tích cả bốn năm trăm lít đó con. Gốm Thổ Hà nổi tiếng nghìn năm chẳng mất màu, ấy là do đất tốt cộng với kỹ thuật nung gia truyền của tổ tiên để lại đó".

Thằng Xoan chăm chú nghe lấy nghe để, gật gà gật gù, ra chừng tâm đắc lời dạy của Mãnh.

"Vậy thì bác tìm con đi chung là đúng rồi. Hồi đó mẹ con người làng Thổ Hà, gả về theo bố tận Yên Phong.

Bố con mất được hơn mười năm, mẹ bị mấy cô giành đất, nên hai mẹ con lại xuôi dòng về làng mà neo đậu đến giờ. Nội con ngày xưa giàu nức tiếng đó bác, đến khi ông bà mất, bố cứ thế mà phá.

Rượu chè, cờ bạc, bê tha lắm. Có hôm bố say bí tỉ, về nhà đòi mẹ tiền mua rượu, mẹ không đưa, thế là bố đánh. Bố đánh mẹ chưa đã giận, bố quay sang trút vào con. Bố bảo cái thằng Xoan là tàn tích của lòng mẹ.

Bố ghét đám xoan đầu ngõ. Cứ mỗi độ mùa hoa, bố chặt nát cành, tả tơi cả đám xoan. Bố bảo mẹ về với bố mà chưa lần nào mẹ cười hạnh phúc. Rồi bố có người khác. Mẹ khóc dấm dúi hằng đêm. Con biết làm gì đâu. Chỉ lén ra bờ sông mà nhìn về phía nhà ngoại. Bố nát rượu thì bị bệnh gan mà mất. Mẹ một mình nuôi con đến tận bây giờ".

Giọng thằng nhỏ trầm đục phả vào con sông quê buổi sáng nghe chênh chao một nỗi niềm.

"Nhà con à, ngay cuối làng, chỗ đám xoan nở muộn nhất mùa, giờ chỉ mới lác đác vài chùm tim tím thôi. Bác tới cái ngã ba cuối, nhìn ra phía ven sông, thấy cái thềm đất gồ ghề loang lổ".

Bất giác tim Mãnh chòng chành theo từng nhịp sóng vỗ mạn thuyền. Cập bến Yên Phong, rồi thuyền cũng sẽ quay về, sao Mãnh lập cập hóng gì mãi vậy. Thằng Xoan đã nhảy phốc lên đi một đoạn khá xa, quay lại nhìn bác Mãnh, khẽ nghiêng đầu tự hỏi, sao bác ấy cứ bần thần giữa khoang thuyền vậy nhỉ?

Tống Phước Bảo / NXB Tổng hợp TP.HCM

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/boi-hoi-ky-niem-khi-dong-sang-post1381585.html