Bóc lớp… 'kén vàng'

Nếu đủ kiên nhẫn bước chậm để thấm thía thì 'Bên trong vỏ kén vàng' còn nhiều điều cần bóc tách.

Một cảnh của bộ phim 'Bên trong vỏ kén vàng'. Ảnh: HA

Suất chiếu cuối bộ phim “Bên trong vỏ kén vàng” - ở Trung tâm Chiếu phim Quốc gia Hà Nội - vắng khách. Tổng doanh thu đạt hơn 1,4 tỷ đồng sau gần một tháng ra rạp tại quê nhà. Nhà sản xuất cho rằng ổn còn dư luận vẫn không ngớt ồn ào bình phẩm, so sánh…

Từ nỗi vô vị…

Chỉ cần bỏ ra 95 nghìn đồng là mua được vé hạng VIP vào phòng chiếu tiêu chuẩn quốc tế ở khung giờ vàng của buổi tối và thư giãn sau một tuần làm việc căng thẳng với bộ phim giành giải Máy quay vàng (Camera D’or) tại Liên hoan phim Cannes 2023 – “Bên trong vỏ kén vàng”.

Phòng chiếu nhỏ gọn, chưa đầy 100 chỗ mà sao thật trống vắng, mênh mông. Cũng bởi, hơi lạnh của hệ thống điều hòa hoạt động hết công suất khiến gần mươi khán giả (có lẽ cùng đánh dấu đây là suất chiếu cuối của bộ phim tại Việt Nam để kịp đến xem), cứ dần co cụm và lọt thỏm…

Dù lần lữa đến tận giờ chót mới có thể ra rạp – nghĩa là chậm chân đến gần một tháng (“Bên trong vỏ kén vàng” khởi chiếu tại Việt Nam từ đầu tháng 8); rồi giữa bao lời đồn thổi về Camera D’or của Cannes 2023, song vẫn kiên trì “làm ngơ”.

Thực không dễ để làm sao có thể mang một tâm hồn hoàn toàn ngơ ngác, lạ lẫm, tò mò đến với tác phẩm điện ảnh đặc biệt trong niềm vinh dự mang tên Việt Nam ở một sân chơi đỉnh cao của nghệ thuật thứ 7 này.

Và, thật bõ cho sự tập trung đầy cần thiết đó để có thể chầm chậm bước theo gần 180 phút của bộ phim rồi trôi chảy cùng hành trình trở về và tìm lại, bóc lớp… “kén vàng” của nhân vật chính tên Thiện.

Gần 30 phút đầu của bộ phim toàn là những hình ảnh, sự chuyển động ồn ào, xô bồ nơi thành phố cùng những người từ các vùng quê lên lao động nhập cư vừa lam lũ vừa bất cần, không phải được tua đi vèo vèo như các bộ phim khác mà nó uể oải đi qua cứ như thể cuộc sống bên ngoài đang hiển hiện, chẳng cần phải vào rạp để xem phim làm gì.

Những đối thoại nhát gừng, thậm chí kiệm lời nhất có thể (chỉ là “Ừ”, “Không”, “Thượng đế”…) từ Thiện nghe thật nhàm, nhạt, chán chường. Đã thế, anh ta cũng chẳng thèm đoái hoài đến xung quanh, bỏ mặc điện thoại rung liên hồi, kể cả cô gái mát xa sốt ruột nhắc cho. Thậm chí, bị gọi đúng tên, chính là anh ta đấy mà vẫn tỉnh bơ nói “không”…

Phải đến khi gặp sự cố ngoài ý muốn: Chăm nom đứa cháu vừa mất mẹ và đưa thi hài chị dâu bị mất do tai nạn giao thông trở về quê thì Thiện bắt đầu một hành trình mới. Nếu chỉ nhìn ở phía ngoài thì hành trình đó cũng không có gì đặc biệt nếu không nói là có phần vô vị.

Các tình tiết được xây dựng, ghép nối ở đây quá đỗi đơn giản đến nỗi khó có thể giúp người xem kể lại được nội dung dài 3 tiếng của bộ phim này. Không ít thước phim dài đến vài phút có khi chỉ để ghi lại quãng đường di chuyển cùng tiếng ồn của động cơ, không lời thoại vừa nặng nề vừa mệt mỏi.

Nửa sau được xen lẫn yếu tố thực và ảo nhưng không tạo ra đột biến mà vẫn là những gặp gỡ đơn thuần cùng lời thoại đều đều. Đôi khi, thời gian trong phim sững lại vài chục giây chỉ để giữ nguyên một hình ảnh nào đó trong im lặng.

Đó là vùng quê non cao có thung sương muối mỗi sáng, có nắng, gió hắt hiu và dường như vẫn còn hoang sơ với những lần giăng bẫy dụ gà rừng tìm về. Nơi ấy có những con người bỗng dưng bỏ đi thật xa mà chẳng hề để lại tung tích (Tâm – anh trai Thiện) và vẫn còn rất nhiều người ở lại nương náu trọn một đức tin.

Và chú cháu Thiện – Đạo trở về cùng với một đám tang đưa tiễn người xấu số (chị Hạnh). Một đám đưa tiễn cùng những lời cầu nguyện. Một người lính năm xưa trần tình chuyện ông đi quân dịch thế nào... Rồi đứa trẻ được gửi vào trường tình thương của các sơ để người chú lại lên đường tìm kiếm anh mình cho con thơ không côi cút…

Hình ảnh Thiện giữa những phên kén vàng trong bộ phim 'Bên trong vỏ kén vàng'. Ảnh: HA

…đến những thấm thía đáng giá

Nhưng, nếu đủ kiên nhẫn bước chậm để thấm thía thì “Bên trong vỏ kén vàng” còn nhiều điều cần bóc tách. Đầu tiên phải kể đến những khung hình đặc tả, trong đó có không ít phong cảnh đẹp đến sững người; rồi bước chậm trong từng chi tiết - có khi chỉ thoáng qua mà lại thấy biết bao điều gợi mở không kém phần lắng sâu.

Ngay những phút giây ban đầu thể hiện sự tẻ nhạt, dửng dưng, vô cảm, câm lặng của Thiện cũng có cái giá riêng. Ít nhiều những cảm giác ấy đã xâm lấn tới người xem một cách vô thức để chợt nhận ra, sống giữa những vòng quay cuộc sống bận rộn trong những mệt mỏi, phức tạp, dường như ai cũng muốn tảng lờ tất cả. Trên phim, Thiện muốn trốn tránh bằng cách nhanh lẹ chui tọt vào nhục dục bản năng hay thật kiệm lời, mặc thời gian vô vị trôi qua còn chúng ta thì sao?

Nhưng rồi, nào ai có thể trốn tránh được khi tiếng gọi của trẻ thơ cất lên. Thiện buộc phải đến bệnh viện để ở bên và dỗ dành đứa cháu. Rõ ràng chị dâu đã mất vì tai nạn giao thông nhưng anh chẳng thể nói sự thật trước câu hỏi “Mẹ con đâu chú? Con muốn mẹ, con xuống mẹ…” của đứa cháu ruột rà (Đạo).

Thiện tiếp tục vận dụng sự tảng lờ nhưng đành thất bại trước con trẻ để sau cùng phải dối dá rằng mẹ cậu bé đang nằm tầng dưới và y tá sẽ không cho gặp hay mẹ sẽ về sớm thôi, rồi bày trò ảo thuật để dụ trẻ tạm quên đi nỗi nhớ…

Một cảnh của bộ phim.

Nối vào đó là hình ảnh chú chim non ướt sũng lạc bầy run rẩy trong tay Thiện cùng buổi khuya trong phòng trọ chật hẹp, đứa cháu thơ quấy khóc đòi chú mở cửa chờ mẹ về hay lúc tiếng Đạo khe khẽ nhẩm lời “Ba thương con vì con giống mẹ…” phải chăng là lời giục bước để Thiện bước vào hành trình đi tìm anh có thể là thật mà cũng có khi chỉ là trong tâm tưởng khi anh lên lại phố thị? Phải chăng Đạo - đứa cháu bé bỏng mồ côi của Thiện – chính là thiên thần đánh thức những xúc cảm tưởng như đã bị biết bao va đập của cuộc sống khiến nó trở nên chai sạn, vô cảm trong anh.

Đó là xúc cảm của quá khứ về mối tình trong trắng năm xưa chẳng thể nên duyên vì không được mẹ cha chấp thuận, khiến người trai bỏ lại quê để lên phố thị. Thực ra, lúc ra đi, anh ta hẹn sẽ có ngày về làm thay đổi định kiến, nối lại duyên xưa, nhưng rốt cục lại là câu chuyện khác… Đó là xúc cảm nhớ về và muốn được đi tìm người thân sau cả quãng dài chẳng biết anh trai vì sao bỏ nhà ra đi và đã đi đâu…

Cứ dần bóc tách như thế, Thiện bước vào thế giới tâm tưởng của chính mình bằng những cuộc gặp gỡ mang nhiều màu sắc hư ảo. Nhưng, dù là gặp ai (bà già hoang tưởng hay người phụ nữ có con với Tâm) và trò chuyện gì thì trong sâu thẳm luôn tựu lại những khát vọng về một tổ ấm gia đình đủ đầy cùng đức tin thánh thiện. Hình ảnh Thiện bế đứa bé (con của anh trai - theo dòng suy tưởng của anh) bâng khuâng đứng bên những phên kén vàng thật đẹp và huyền diệu.

Cùng với đó, ở “Bên trong vỏ kén vàng” còn có những tình tiết đáng để suy ngẫm. Ví như, lời cha xứ cầu nguyện cho chị Hạnh vừa hé lộ tình mẫu tử thiêng liêng vừa phản ánh một thực tại buốt nhói trong xã hội. Đó là, bởi sự tiến bộ của y học mà người mẹ ấy nhận hung tin về bào thai đầu lòng khi đã được 6 tháng của mình cùng lời khuyên phá bỏ. Vậy nhưng, chị vẫn một mực giữ lại cùng đức tin dù đứa bé sinh ra như thế nào đi chăng nữa thì vẫn đón nhận…

Hay dù giữa đường đứt gánh tương tư có người con gái ấy vẫn chọn cho mình cách sống hiến dâng cho đời. Cô đem cả thanh xuân để dang rộng vòng tay chào đón và đem nụ cười đến cho những tâm hồn côi cút…

Tất nhiên, để cảm được những điều đó và không bị rơi vào trạng thái mông lung rồi… buồn ngủ, khán giả của “Bên trong vỏ kén vàng” cần có sự tập trung khi thưởng thức và dành quãng lặng suy ngẫm. Song, đòi hỏi này có lẽ là hơi quá khi nhu cầu giải trí của khán giả luôn được đặt lên hàng đầu.

Bởi lẽ, cuộc sống đã luôn bận rộn, áp lực vậy thì đến rạp xem phim là để được thư thái, hỉ - nộ - ái - ố… chứ sao lại phải chui vào trạng thái mơ hồ khó hiểu? Thực tế đó cũng là bài toán đặt ra cho nhà sản xuất - bài toán về sự cân bằng giữa nghệ thuật và giải trí, đừng để quá thiên lệch bên nào!

Sau gần một tháng phát hành tại Việt Nam, bộ phim “Bên trong vỏ kén vàng” của Đoàn Thiên Ân với sự tham gia diễn xuất của Lê Phong Vũ, Trúc Quỳnh, Nguyễn Thịnh… tiếp tục được công chiếu tới khán giả quốc tế. Dự kiến tới đây, bộ phim được phát hành tại Mỹ. Ê-kíp làm phim cũng nhận được nhiều lời mời tham dự sự kiện điện ảnh quốc tế tại Mỹ, Đức, Australia, Hàn Quốc…

Hoàng Anh

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/boc-lop-ken-vang-post653375.html