Bộ Tư pháp Mỹ và TikTok muốn tòa án nhanh chóng xét xử, ra phán quyết về luật có thể cấm ứng dụng

Bộ Tư pháp Mỹ và TikTok đã yêu cầu Tòa án phúc thẩm Mỹ đặt ra lịch trình nhanh chóng để xem xét các thách thức pháp lý với luật mới yêu cầu tập đoàn ByteDance (Trung Quốc) phải thoái vốn khỏi TikTok ở Mỹ trước ngày 19.1.2025, hoặc ứng dụng chia sẻ video ngắn nổi tiếng này sẽ đối mặt với lệnh cấm.

TikTok, ByteDance và một nhóm người sáng tạo nội dung TikTok đã tham gia cùng Bộ Tư pháp để yêu cầu Tòa án phúc thẩm Mỹ ở quận Columbia (bang Washington) ra phán quyết trước ngày 6.12.2024, để có thể yêu cầu Tòa án tối cao xem xét nếu cần thiết trước thời hạn 19.1.2025.

Hôm 14.5, một nhóm người sáng tạo TikTok đã đệ đơn kiện để ngăn chặn luật có thể cấm ứng dụng được 170 triệu người Mỹ sử dụng, nói rằng lệnh này “ảnh hưởng sâu sắc đến cuộc sống của người Mỹ”.

Ngày 7.5, TikTok và công ty mẹ ByteDance đã đệ đơn kiện tương tự, cho rằng luật này vi phạm Hiến pháp Mỹ vì một số lý do, gồm cả việc vi phạm các biện pháp bảo vệ quyền tự do ngôn luận của Tu chính án thứ nhất.

Tu chính án thứ nhất là một trong những điều khoản quan trọng nhất của Hiến pháp Mỹ. Nó bảo vệ các quyền tự do cơ bản thiết yếu cho một xã hội dân chủ. Tu chính án này đã được sử dụng để bảo vệ nhiều loại hình ngôn luận, gồm cả bài phát biểu chính trị, báo chí tự do và biểu tình.

Bộ Tư pháp Mỹ và những người khởi kiện vì TikTok cho biết: “Trước số lượng lớn người dùng nền tảng TikTok, công chúng nói chung có mối quan tâm đáng kể đến việc giải quyết nhanh chóng vấn đề này”.

TikTok cho biết, với lịch trình nhanh chóng, họ tin rằng thách thức pháp lý có thể được giải quyết mà không cần phải yêu cầu tòa án ban hành biện pháp khẩn cấp tạm thời để ngăn chặn luật có hiệu lực trong thời gian chờ đợi phán quyết cuối cùng.

Luật do Tổng thống Joe Biden ký vào ngày 24.4, yêu cầu ByteDance có thời hạn đến ngày 19.1.2025 để bán TikTok ở Mỹ nếu không ứng dụng này sẽ đối mặt với lệnh cấm. Nhà Trắng cho biết muốn thấy quyền sở hữu TikTok của người Trung Quốc chấm dứt vì lý do an ninh quốc gia, nhưng không muốn cấm ứng dụng này.

Các bên liên quan yêu cầu tòa án đưa vụ việc ra tranh luận bằng miệng càng sớm càng tốt trong lịch xét xử vụ án vào tháng 9.2024. Bộ Tư pháp Mỹ cho biết có thể gửi tài liệu mật để hỗ trợ các biện minh về an ninh quốc gia một cách bí mật cho tòa án.

Đầu tuần này, Bộ Tư pháp Mỹ cho biết luật liên quan đến TikTok “giải quyết các mối lo ngại quan trọng về an ninh quốc gia theo cách phù hợp với Tu chính án thứ nhất và các giới hạn hiến pháp khác”.

Luật cấm các cửa hàng ứng dụng như Apple App Store và Google Play Store cung cấp TikTok, đồng thời ngăn các dịch vụ lưu trữ internet hỗ trợ TikTok, trừ khi ByteDance thoái vốn khỏi TikTok ở Mỹ.

Do nhiều nhà làm luật Mỹ lo ngại rằng Trung Quốc có thể truy cập dữ liệu về người Mỹ hoặc theo dõi họ bằng TikTok, dự luật đã được Quốc hội thông qua với số phiếu áp đảo chỉ vài tuần sau khi được giới thiệu.

Văn phòng của TikTok ở thành phố Culver, bang California, Mỹ - Ảnh: Reuters

Văn phòng của TikTok ở thành phố Culver, bang California, Mỹ - Ảnh: Reuters

TikTok cũng đang tiến hành một cuộc chiến pháp lý ở Montana (Mỹ) để ngăn chặn luật của bang cấm nền tảng này.

Hôm 14.5, TikTok, người dùng ở Montana và bang này đã đồng ý tạm hoãn một vụ kiện từ công ty Trung Quốc thách thức tính hợp hiến của lệnh cấm ứng dụng chia sẻ video đầu tiên trên toàn bang Montana, trong khi các vụ kiện liên bang được giải quyết.

Luật của bang Montana sẽ bị vô hiệu nếu một công ty không có trụ sở tại một quốc gia được chỉ định là đối thủ nước ngoài của Mỹ mua lại TikTok. Trước đó, luật này tạm thời bị tòa án Mỹ chặn lại trước khi có hiệu lực vào ngày 1.1.2025.

Hôm 15.5, ông trùm bất động sản Frank McCourt cho biết đang thành lập một liên minh để mua lại hoạt động kinh doanh của TikTok tại Mỹ.

Động thái này làm tăng thêm số lượng người hy vọng được hưởng lợi từ luật liên bang mới yêu cầu ByteDance phải thoái vốn khỏi TikTok trong vòng 9 tháng đến 1 năm, nếu không ứng dụng này sẽ phải đối mặt với lệnh cấm ở Mỹ.

Frank McCourt, chủ sở hữu cũ của đội bóng chày Los Angeles Dodgers, cho biết sẵn sàng đấu thầu mua TikTok với sự tham vấn từ ngân hàng đầu tư Guggenheim Securities, nhằm “mục tiêu đặt con người và trao quyền dữ liệu vào trung tâm của thiết kế cũng như mục đích của nền tảng”.

Nếu thương vụ được thực hiện, Frank McCourt nói sẽ lên kế hoạch tái cơ cấu TikTok và trao nhiều quyền tự quyết hơn cho người dùng “về danh tính và dữ liệu kỹ thuật số của họ” bằng cách chuyển nền tảng sang giao thức nguồn mở cho phép minh bạch hơn.

Theo tạp chí Forbes, Frank McCourt có tài sản trị giá 1,4 tỉ USD. Vào năm 2012, doanh nhân này đã bán Los Angeles Dodgers cho tập đoàn Guggenheim Baseball Management với giá 2 tỉ USD. Năm 2016, Frank McCourt mua CLB bóng đá Olympique Marseille (hiện đứng thứ 8 sau 33 vòng Ligue 1 mùa giải 2023/24).

Các nhà đầu tư khác, trong đó có cựu Bộ trưởng Tài chính Mỹ - Steven Mnuchin, đã bày tỏ mong muốn mua lại TikTok. Tuy nhiên, ByteDance tuyên bố không có kế hoạch bán TikTok ở Mỹ.

Chính phủ Trung Quốc cũng khó có thể chấp thuận việc ByteDance bán TikTok ở Mỹ, đặc biệt là nếu giao dịch gồm cả thuật toán đề xuất video trong nguồn cấp dữ liệu của người dùng.

Hôm 8.5, Eric Schmidt, người từng điều hành Google trong hơn một thập kỷ, xác nhận ông từng có lúc cân nhắc mua TikTok nhưng sau đó đã từ bỏ ý định này.

“Tôi hiện không xem xét điều đó. Tôi từng cân nhắc nhưng hiện đã bỏ qua ý định đó”, Eric Schmidt nói trong một cuộc phỏng vấn với Bloomberg TV. Theo Eric Schmidt, Mỹ nên áp dụng các quy định với TikTok, thay vì cấm hoặc đưa ứng dụng này ra tòa án giải quyết.

ByteDance khó có thể bán đi công nghệ cốt lõi xác định những video mà mọi người dùng TikTok nhìn thấy trong nguồn cấp dữ liệu của họ. Đây là thuật toán đã được trải nghiệm bởi hơn 170 triệu người dùng TikTok hàng tháng ở Mỹ. Chính phủ Trung Quốc sẽ phải phê duyệt bất kỳ thương vụ nào như vậy, khiến một số người suy đoán rằng bên mua sẽ chỉ tìm cách sở hữu hoạt động và người dùng của TikTok tại Mỹ chứ không phải công nghệ cốt lõi.

Việc tạo lại thuật toán như của TikTok sẽ khó khăn và tốn kém. Kể từ khi TikTok trở nên phổ biến trong đại dịch COVID-19 vì cung cấp cho người dùng nguồn dữ liệu video hiển thị tự động, những gã khổng lồ công nghệ như Meta Platforms (công ty mẹ Facebook, Instagram) và Alphabet (chủ sở hữu YouTube) đã dành nhiều năm để cố gắng sao chép trải nghiệm này với mức độ thành công khác nhau.

Eric Schmidt nói rằng ông xem TikTok giống với truyền hình hơn là mạng xã hội và hy vọng Mỹ sẽ xem xét quản lý nó theo cách như vậy. Doanh nhân người Mỹ 69 tuổi cho hay: “Bạn có thể quản lý truyền hình theo quy tắc thời gian bình đẳng, nhưng bằng cách nào đó, chúng ta lại không có cuộc thảo luận về chuyện này”, đề cập đến quy định liên bang mà các đài phát thanh và truyền hình Mỹ phải cung cấp quyền tiếp cận tương đương cho các ứng cử viên chính trị cạnh tranh.

Eric Schmidt hiện là người giàu thứ 48 trên thế giới với tài sản ròng 32,8 tỉ USD, theo Bloomberg Billionaires Index (chỉ số tỷ phú của Bloomberg). Eric Schmidt giữ chức Giám đốc điều hành Google từ năm 2001 đến 2011 và làm chủ tịch công ty này đến năm 2015. Sau khi rời Google, Schmidt đã đầu tư vào nhiều công ty AI khác nhau, gồm cả Anthropic. Ông cũng trở thành Chủ tịch Ủy ban Đổi mới của Bộ Quốc phòng Mỹ vào năm 2016 và Chủ tịch Ủy ban An ninh Quốc gia về AI trong ba năm.

Eric Schmidt đã đặt sự cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc trở thành tâm điểm thông qua sáng kiến mang tên Dự án Nghiên cứu Cạnh tranh Đặc biệt.

Sơn Vân

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/bo-tu-phap-my-va-tiktok-muon-toa-an-nhanh-chong-xet-xu-ra-phan-quyet-ve-luat-co-the-cam-ung-dung-217385.html