Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Kết luận sạt lở do thủy điện là chưa có cơ sở

Theo Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà, những khu vực như khu Kiểm lâm 67, Phong Điền, Cha Lo (Thanh Hóa), Binh đoàn 337 Hướng Hóa, Trà Leng, Trà Vân ở Nam Trà Mi (Quảng Nam) và vùng sạt lở Rào Trăng 3… đều ở độ cao 300-900m, nên kết luận thiệt hại do thủy điện là chưa có cơ sở.

Tiếp theo chương trình kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, hôm nay (5/11), Quốc hội tiếp tục thảo luận tại Hội trường liên quan đến các vấn đề kinh tế - xã hội dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà phát biểu giải trình tại thảo luận.

Tại thảo luận, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà (TN&MT) cho biết, theo báo cáo của Ủy ban về rủi ro thiên tai Liên hợp quốc, do biến đổi khí hậu cực đoan mà thời điểm này con người rất khó kiểm soát tính cực đoan khi nồng độ khí gây hiệu ứng nhà kính đạt trên 400 đơn vị %, cho thấy cường độ và tần sất thiên tai cực đoan trong 40 năm qua tăng 4 lần, trong đó bão lũ chiếm 40%.

“Giai đoạn 2000-2019, đã có trên 7.300 thiên tai, trong đó, loại hình thiên tai xảy ra nhiều nhất là lũ chiếm 44% và bão chiếm 28%. Theo đánh giá và thống kê, trong 100 năm qua, dù thiên tai tăng những thiệt hại về con người lại giảm đi. Việt Nam ở trong vòng bão ở Tây Nam Thái Bình Dương. Việt Nam đứng thứ 7 trong số các quốc gia có cực đoan và có rủi ro thiên tai cao nhất; và đứng đầu trong số 1 6 nước liên quan đến khí hậu cực đoan”, Bộ trưởng thông tin.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà cũng cho biết, xu hướng của thế giới và khu vực, thời tiết cực đoan tăng lên. Từ năm 2009, Đảng và Nhà nước đã quan tâm là chỉ đạo thực hiện 2 nghiên cứu về dự báo lũ ống lũ quét tại các tỉnh miền núi, vùng Tây Nguyên và miền Trung; và chương trình điều tra tai biến điện chất, cảnh báo sạt lở tại các khu vực vùng núi Tây Nguyên, Tây Bắc và Miền Trung.

Theo đó, cần phải có nghiên cứu và đánh giá độc lập của các cơ quan khoa học. Qua đó, hiện trạng của các điểm thiên tai vừa qua là tổ hợp hợp các dạng thiên tai. Trong 4 cơn bão đổ bộ, bão số 9 là cơn bão mạnh nhất trong 25 năm qua.

Cùng với đó, hình thái thời tiết là vùng áp thấp duy trì ở miền Trung, tạo ra lượng mưa lớn vượt qua các chỉ số đo lịch sử. Có những ngày lượng mưa ở Quảng Nam lên trên 500mm, có nơi lượng mưa vượt qua con số từ 2.000-4.000mm.

“Số liệu khách quan cho thấy, khu Kiểm lâm 67, Phong Điền, Cha Lo (Thanh Hóa), Binh đoàn 337 Hướng Hóa, Trà Leng, Trà Vân ở Nam Trà Mi (Quảng Nam) và vùng sạt lở Rào Trăng 3… đều ở độ cao 300-900m, nên kết luận thiệt hại do thủy điện là chưa có cơ sở. Toàn bộ những khu vực này nằm trong đứt gãy địa chất và trong thời gian qua đã có sự cà sát. Quá trình đó, độ phong hóa tạo ra cát, sét, sỏi có độ gắn kết thấp và nằm trên địa hình đồi núi dốc với trọng lực trượt và độ dốc sông suối đều theo hình chữ “V”. Cộng thêm với vấn đề ngoại sinh là lượng mưa lớn trong liên tiếp nhiều ngày dẫn đến nguy cơ sạt lở”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Theo Bộ trưởng, cần đánh giá rừng tự nhiên trong thiên tai bão lũ. Với rừng trồng, qua số liệu quan sát từ vệ tinh các binh đoàn đã phủ xanh 100%. Bên cạnh đó, tại các khu vực bà con đã sinh sống cả trăm năm nay, rừng nông nghiệp có độ che phủ 50% và rừng lâm nghiệp từ 60-80%.

Lỗi cũng không ở các thủy điện nhỏ, lỗi là chính chúng ta chưa phân tích được lợi ích, các tính năng thiết kế hiệu quả và ứng dụng công nghệ. Nếu chúng ta tính toán và thiết kế được hài hòa thì vẫn duy trì các thủy điện nhỏ mà không gây tác động quá lớn tới tự nhiên. Tất nhiên cũng cần có đánh giá chuyển đổi mục đích sử dụng rừng thế nào? Nhất là khi dân số tăng trưởng lên hơn 100 triệu dân. Cần tính toán chức năng, khu vực rừng cần phải giữ, cần bảo vệ đó là rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, rừng tự nhiên”, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nêu quan điểm.

Quốc Trần

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/bo-truong-tran-hong-ha-ket-luan-sat-lo-do-thuy-dien-la-chua-co-co-so-post104239.html