Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: 'Qua rồi thời dựa vào tiềm năng tĩnh'

Theo Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, 3 đặc khu kinh tế được thành lập sẽ là cú hích cho tăng trưởng, thay vì dựa vào tiềm năng sẵn có đã bão hòa.

Tại Diễn đàn Mua bán và sáp nhập (M&A) Việt Nam 2017 diễn ra chiều 10/8 ở TP.HCM, ông Nguyễn Chí Dũng - Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư - đã có những chia sẻ liên quan đến câu chuyện về 3 đặc khu kinh tế.

Ông cho biết nền kinh tế Việt Nam có 2 đặc điểm nổi trội và đặc thù, đang chuyển đổi từ kinh tế tập trung sang thị trường nên phải có độ trễ. Do đang trong quá trình hội nhập vào sân chơi chung nên Việt Nam vẫn cải cách để tiệm cận các chuẩn mực quốc tế.

Đặc khu kinh tế: Mô hình phù hợp với xu thế thế giới

Người đứng đầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng từ trước đến nay, chúng ta đã dựa vào tiềm năng tĩnh quá nhiều nên cần hình thành 3 đặc khu kinh tế.

"Chúng ta thuần chỉ dựa vào tài nguyên, lao động, thuận lợi của vị trí địa lý... Bây giờ, những điều này đã tới giới hạn nên phải chuyển sang các tiềm năng động là sự sáng tạo, thể chế, mô hình để tạo ra một cú hích mới", ông Dũng nói.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng việc hình thành đặc khu kinh tế là phù hợp với xu thế thế giới. Ảnh: Như Ngọc.

Tư lệnh ngành Kế hoạch và Đầu tư cho biết trong những năm vừa qua, Việt Nam đã có những bước đột phá sau từng lần cải cách. Với mỗi cải cách, Việt Nam lại có động lực mới, tạo tăng trưởng ngoạn mục. Tuy nhiên, những cải cách này đã bắt đầu bão hòa và hết dư địa để tăng trưởng. Thực tiễn này cũng đòi hỏi phải có một cú hích mới.

Việc hình thành đặc khu kinh tế mới, theo ông Dũng, là phù hợp với xu thế thế giới. Hiện tại, Việt Nam đã đi quá lâu so với các nước trên thế giới về mô hình này.

Ông cho biết từ năm 1942, đặc khu kinh tế đã xuất hiện. Đến nay, nhiều mô hình thành công như Hong Kong, Trung Quốc, Dubai... Nhiều hình thái khác nhau như khu kinh tế mở, khu kinh tế tự do đã đạt được những thành công nhất định.

"Việt Nam cũng có nhiều mô hình như khu công nghiệp, khu kinh tế cửa khẩu nhiều năm nhưng chưa đủ một thể chế hấp dẫn để thu hút đầu tư và phát triển mạnh mẽ theo xu hướng góp vốn của họ. Đây là nhu cầu xu thế đặc biệt, là chuyển động của làn sóng đầu tư buộc chúng ta phải đưa ra thể chế tươi mới đủ sức hấp dẫn, đủ sức cạnh tranh với các khu khác trên thế giới", ông cho biết.

Mục đích của đặc khu kinh tế là thu hút được nguồn lực nhanh, tốt, môi trường xanh, sạch, giá trị gia tăng cao hơn. Theo ông, tất cả yếu tố tiên tiến của thế giới có thể được áp dụng vào mô hình tự do, sáng tạo để đóng góp cho sự phát triển của đất nước. Ý nghĩa ban đầu là sự lan tỏa của 3 đặc khu này đến sự tiến bộ của toàn ngành kinh tế.

Tránh "cho cái không cần, cái cần thì không cho"

“Chúng ta đang mong muốn tạo ra một sân chơi mới cho nhà đầu tư, từ đây hiểu rằng nhà đầu tư cần gì, hiểu gì ở mình để xây dựng thể chế đáp ứng nhu cầu của người ta. Chứ không phải tiếp cận bằng cách Nhà nước có gì để cho nhà đầu tư. Nhiều khi cho mà họ không cần, mà cái cần thì mình không cho”, Bộ trưởng Dũng chia sẻ.

Ông cũng cho hay với các đặc khu kinh tế, lần này, việc tiếp cận cần được tiến hành bằng tiềm năng phát triển của từng khu. Chiến lược để phát triển các tiềm năng đó cũng cần được xây dựng. Các khu phải phát triển hài hòa, không cạnh tranh nhau, có thể bổ sung cho nhau, không chồng lấn. Các ngành thế mạnh phải được phát triển tối đa cho từng khu.

Điều quan trọng, theo ông, là các thể chế này phải không lệch với Hiến pháp, không ảnh hưởng đến quốc phòng an ninh, chủ quyền của lãnh thổ, vấn đề văn hóa, sức khỏe người dân, môi trường…

"Còn lại là chúng ta phải cải tiến một cách tốt nhất nếu không sẽ vuột cơ hội thu hút đầu tư. Vì mô hình đặc khu này ở các nước khác đã đạt đến mức cải cách tối ưu rồi, chúng tôi cần phải nghiên cứu kỹ để tìm kiếm cơ hội cho Việt Nam”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Muốn thay đổi, phải mạnh dạn

Liên quan đến đặc khu kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đưa ra những kiến nghị cụ thể về đất đai.

Theo ông Nguyễn Chí Dũng, nhà đầu tư rất quan tâm đến thời hạn giao đất. Hiện tại, luật pháp quy định thời gian thuê là 50 năm, trường hợp đặc biệt là 75 năm. Trước mắt, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang đề xuất với Quốc hội nâng thời gian lên 99 năm như các nước khác.

"Quan điểm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư là muốn thay đổi phải mạnh dạn, nếu không thì cần có thể chế vượt trội về chính quyền để thu hút", ông khẳng định.

Về vấn đề chính quyền, theo ông Dũng, Việt Nam hiện tại có rất nhiều cấp. Do đó, nếu phát triển các khu này, đề xuất chỉ có một cấp. Phương án mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra là chỉ cần Ủy ban Hành chính mà không có HĐND. Chức năng của HĐND liên quan đến lập pháp hay kiểm tra sẽ chuyển lên tỉnh đảm nhiệm.

"Vận hành tối ưu các khu này cần phải bỏ đi những cấp không cần thiết và không phù hợp với các đặc khu kinh tế. Cái này tôi cho là vượt trội", ông Dũng nói.

Cuối cùng, theo ông Dũng, việc cần làm là cải cách về thuế để tạo sự minh bạch công bằng với tất cả nhà đầu tư. Phương án sẽ chờ Quốc hội quyết định nhưng cơ bản là tiệm cận với các mô hình quốc tế.

Được cho phép về chủ trương kinh doanh casino du lịch

Chia sẻ thêm đối với các lĩnh vực kinh doanh có điều kiện, ông Nguyễn Chí Dũng cho biết cả 3 khu này đã được Trung ương cho phép về chủ trương kinh doanh casino du lịch và không bị hạn chế chỉ như vậy.

Tùy vào điều kiện địa lý, các khu vực này sẽ có nhiều ngành nghề, bên cạnh ngành nghề ưu tiên. Ví dụ như Vân Phong là nơi phát triển cảng trung chuyển tốt nhất Việt Nam thì có thể phát triển logistics hay Vân Đồn phát triển các dịch vụ y tế, giáo dục, sinh học…

Các ngành nghề có giá trị gia tăng cao sẽ được thiết kế tại các khu vực này và không xung đột với nhau.

Bình Nguyên

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/bo-truong-nguyen-chi-dung-qua-roi-thoi-dua-vao-tiem-nang-tinh-post770328.html