Bộ trưởng Ngoại giao Panama thăm Việt Nam: Khai phá dư địa thúc đẩy hợp tác kinh tế

Đại sứ Panama tại Việt Nam Eligio Alberto Salas De Leon trả lời phỏng vấn của Báo TG&VN về ý nghĩa của chuyến thăm Việt Nam của Bộ trưởng Ngoại giao Panama Érika Mouynes (ngày 5-6/4) và tiềm năng hợp tác song phương.

Đại sứ Panama tại Việt Nam Eligio Alberto Salas De Leon. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Đại sứ Panama tại Việt Nam Eligio Alberto Salas De Leon. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Việt Nam là điểm đến đầu tiên của Bộ trưởng Ngoại giao Erika Mouynes trong chuyến thăm các quốc gia Đông Nam Á lần này. Đại sứ có thể chia sẻ ý nghĩa và những trọng tâm trong chuyến thăm Việt Nam của Bộ trưởng?

Mục đích của chuyến thăm Việt Nam lần này của Bộ trưởng Ngoại giao Mouynes là thúc đẩy quan hệ song phương và điều phối các cơ chế tham vấn chính thức giữa hai nước.

Đại dịch Covid-19 đã có những tác động tiêu cực đến nền kinh tế của cả hai nước và chúng ta cần hợp tác để tăng kim ngạch thương mại và đầu tư nhằm đưa nền kinh tế của hai bên đi đúng hướng.

Trong bối cảnh đó, chuyến thăm Việt Nam lần này của Bộ trưởng Mouynes có ý nghĩa rất lớn đối với quan hệ Panama-Việt Nam.

Một điểm quan trọng khác cũng cần nhấn mạnh, đây là chuyến thăm đầu tiên của một Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Latinh sau khi Việt Nam có những quy định mới về yêu cầu đi lại trong bối cảnh đại dịch.

Với lợi thế là trung tâm trung chuyển lớn nhất khu vực Trung Mỹ với Khu ngoại quan Tự do Colon, Panama có thể đóng vai trò là cửa ngõ giúp Việt Nam thúc đẩy mậu dịch vào Mỹ Latinh. Theo Đại sứ, Việt Nam nên tận dụng cơ hội này như thế nào?

Có nhiều cách để Việt Nam có thể hưởng lợi từ các nền tảng mà Panama cung cấp.

Các công ty Việt Nam có thể được thành lập tại Panama và tận dụng vị trí địa lý đặc biệt của chúng tôi ở trung tâm châu Mỹ để tăng xuất khẩu.

Đồng thời, các nhà đầu tư Việt Nam cũng có thể hướng đến thị trường Panama.

Trung tâm hàng hải của Panama, bao gồm kênh đào và một số cảng container cũng như tuyến đường sắt thông suốt Thái Bình Dương và Đại Tây Dương, tạo điều kiện để nơi đây trở thành địa điểm lý tưởng, giúp Việt Nam thực hiện chiến lược đưa các sản phẩm vào khu vực.

Như Đại sứ chia sẻ, hợp tác kinh tế là một trọng tâm trong chuyến thăm. Đại sứ có thể nêu những lĩnh vực tiềm năng mà doanh nghiệp hai bên có thể hợp tác trong thời gian tới?

Trao đổi thương mại song phương giữa hai nước có dư địa để phát triển hơn nữa. Cụ thể, chúng ta có thể mở rộng hoạt động thương mại xi măng và thép từ Việt Nam sang Panama.

Panama có thể hưởng lợi từ việc Việt Nam mở cửa cho Panama xuất khẩu gỗ quý, thịt bò và thịt lợn cũng như các dịch vụ tài chính.

Bên cạnh đó, hai nước có thể giúp nhau thúc đẩy ngành du lịch trong bối cảnh chúng ta đã ký một hiệp định miễn thị thực.

Lời khuyên của Đại sứ đối với doanh nghiệp Việt Nam muốn thâm nhập thị trường Panama?

Đại sứ quán Panama tại Việt Nam gần đây đã cùng với Vietrade tổ chức một hội thảo về cách thức kinh doanh ở Panama với sự tham gia của người đứng đầu ProPanama, cơ quan đầu tư và Phòng Thương mại Panama.

Chúng tôi có thể cung cấp các thông tin liên quan theo yêu cầu nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam liên lạc với các cơ quan chức năng của Panama.

Xin cảm ơn Đại sứ!

Quan hệ thương mại Việt Nam-Panama trên đà gia tăng, từ 50 triệu USD năm 2005 lên trên 341 triệu USD năm 2019, trong đó Việt Nam xuất siêu hơn 90%. Hai bên duy trì Ủy ban hỗn hợp về Hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư Việt Nam-Panama (phiên I được tổ chức từ ngày 21-22/9/2016 tại Panama). Tính đến tháng 3/2022, Panama có 16 dự án FDI tại Việt Nam với số vốn 56,4 triệu USD (đứng thứ 56 trên tổng số 139 nước/lãnh thổ có dự án FDI tại Việt Nam). Hai bên còn nhiều tiềm năng và thế mạnh bổ trợ lẫn nhau, đặc biệt trên trên các lĩnh vực thương mại, vận tải hàng hải, nông nghiệp, y học cổ truyền...

Phương Hà

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/bo-truong-ngoai-giao-panama-tham-viet-nam-khai-pha-du-dia-thuc-day-hop-tac-kinh-te-179281.html