Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Cần tìm 'con sâu', giải bài toán chống khai thác IUU

Bộ trưởng Lê Minh Hoan đề nghị tỉnh Bình Định, Cục Kiểm ngư, Cục Thủy sản tìm 'con sâu' nằm ở đâu, rủi ro nhất nằm ở đâu để giải quyết bài toán chống khai thác IUU.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan vừa dẫn đầu đoàn công tác của Bộ NN&PTNT làm việc với UBND tỉnh Bình Định về công tác chống khai thác hải sản bất hợp pháp không báo cáo và không theo quy định IUU, chuẩn bị làm việc với Đoàn Thanh tra của Ủy ban châu Âu lần thứ 5.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan nghe tỉnh Bình Định báo cáo công tác chống khai thác IUU tại cảng cá Đề Gi. Ảnh: Diễm Phúc

Báo cáo tại buổi làm việc, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bình Định Trần Văn Phúc thông tin, thời gian qua, tỉnh Bình Định đã tập trung tăng cường, đẩy mạnh tuyên truyền về chống khai thác IUU đến từng cán bộ, từng người dân. Nhận thức của ngư dân được từng bước được nâng lên.

Hiện, 100% tàu cá của tỉnh Bình Định có chiều dài từ 15m trở lên tham gia hoạt động khai thác hải sản (3.215 tàu) được trang bị thiết bị giám sát hành trình (GSHT) theo quy định.

Theo ông Phúc, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác chống khai thác IUU trên địa bàn tỉnh Bình Định thời gian qua vẫn còn một số tồn tại, hạn chế.

Từ năm 2023 đến nay, tỉnh Bình Định có 5 tàu cá/34 thuyền viên bị nước ngoài bắt giữ. Riêng 3 tháng đầu năm 2024, tỉnh Bình Định có 1 tàu cá/6 thuyền viên vi phạm vùng biển nước ngoài bị Malaysia bắt giữ.

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Phạm Anh Tuấn cho hay, dù tỉnh đã thực hiện quyết liệt các công tác phòng chống IUU, từ phân công đảng viên, chi bộ phụ trách đến tận con tàu, cử lực lượng vào các tỉnh phía Nam để làm việc, tuyên truyền nhưng không tránh hết được tình trạng vi phạm khi các tàu đánh bắt trên biển.

Trong số các tàu bị nước ngoài bắt giữ từ năm 2023 đến nay chỉ có một tàu trên 15m, và bị bắt tại vùng biển chồng lấn. Còn những con tàu còn lại là tàu từ 12-15m và xuất bến ở tỉnh khác.

Cấm biển trong vòng vài tháng đối với những tàu có nguy cơ cao

Chủ tịch Phạm Anh Tuấn đề xuất phương án chịu trách nhiệm 50/50, tức là cảng nào có tàu xuất bến mà tàu cá vi phạm thì 50% địa phương có tàu phải chịu trách nhiệm và 50% địa phương để tàu xuất bến chịu trách nhiệm. Bên cạnh đó, thực hiện cấm biển trong vòng vài tháng đối với những tàu có nguy cơ cao và đề xuất hỗ trợ tiền cho những hộ này; lắp thiết bị GSHT đối với tàu 12-15m.

“Tàu cá 12-15m khai thác vùng lộng, nhưng vùng lộng, vùng khơi chỉ cách nhau một sợi chỉ. Chúng ta không lắp thiết bị GSHT cho những tàu này thì không quản được”, ông Phạm Anh Tuấn quả quyết.

Kết luận tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan đánh giá cao những nỗ lực của tỉnh Bình Định trong công tác chống khai thác IUU, đề nghị đưa các mô hình, quyết tâm của tỉnh Bình Định để cả nước học tập.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng lưu ý, tỉnh Bình Định cần tổ chức tốt công tác quản lý đội tàu; thực hiện nghiêm công tác truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác; tăng cường công tác thực thi pháp luật ngăn chặn khai thác IUU.

Bộ trưởng đề nghị Cục Kiểm ngư, Cục Thủy sản làm từng phần, phải tìm “con sâu” nằm ở đâu, rủi ro nhất nằm ở đâu để giải quyết bài toán chống khai thác IUU.

“Một cuộc họp chỉ giải quyết một vấn đề, dần dần tìm ra được “con sâu”. Chúng ta phải kết nối sức mạnh, kết nối hệ thống để giải quyết”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Cũng trong 9/4, đoàn công tác của Bộ NN&PTNT đã kiểm tra thực tế tình hình hoạt động của cảng cá Đề Gi (xã Cát Khánh, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định). Bộ trưởng thăm hỏi ngư dân huyện Phù Cát về tình hình chống khai thác IUU và trao đổi những giải pháp để phát triển nghề cá bền vững.

Nhiều ngư dân đồng thuận thực hiện các giải pháp trong khai thác hải sản và phát triển nghề cá. Đồng thời, đề nghị phải xử phạt nặng những tàu cá vi phạm.

Diễm Phúc

Diễm Phúc

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/bo-truong-le-minh-hoan-can-tim-con-sau-giai-bai-toan-chong-khai-thac-iuu-2268745.html