Bộ trưởng KH-ĐT nói về hơn 10 triệu tỷ đồng để tái cơ cấu nền kinh tế

“Đặt mục tiêu phấn đấu hơn 10,5 triệu tỷ đồng là để quyết tâm thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế mạnh mẽ, quyết liệt hơn”- Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng giải trình trước Quốc hội chiều 3-11.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng lo lắng nguy cơ "cục bộ, địa phương" khi thực hiện tái cơ cấu kinh tế.

Cơ cấu lại nền kinh tế với quy mô lớn hơn

Chiều 3-11, giải trình trước Quốc hội về kế hoạch tái cơ cấu kinh tế giai đoạn 2016-2020, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết: Tái cơ cấu nền kinh tế là quá trình sắp xếp, cơ cấu lại nền kinh tế với quy mô lớn hơn và tốc độ nhanh hơn để đạt mục tiêu nâng cao năng suất lao động, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Đây là đòi hỏi khách quan của quá trình vận động và phát triển, trong đó tại một thời điểm nhất định, nền kinh tế cần phải có sự thay đổi để chuyển sang một trạng thái mới tốt hơn và ở trình độ cao hơn.

Về vấn đề thu hút sự quan tâm của đại biểu Quốc hội và dư luận là nguồn lực tái cơ cấu, Bộ trưởng KH-ĐT cho biết: Nguồn lực dự kiến thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế không phải là nguồn lực riêng, mà đặt trong khuôn khổ tổng thể nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016-2020.

Mức dự kiến 10,567 triệu tỷ đồng là mục tiêu cần đạt được để tăng trưởng kinh tế bình quân 5 năm (2016-2020) đạt 6,5% đến 7%, trong đó, nguồn lực từ ngân sách nhà nước trong dự kiến là 2 triệu tỷ đồng.

Bộ trưởng phân tích: Để tốc độ tăng trưởng GDP bình quân 5 năm đạt 6,5% đến 7% với hệ số ICOR (hiệu quả sử dụng vốn đầu tư) dự kiến là 5-5,5 thì cần tổng vốn đầu tư toàn xã hội chiếm 32-34% GDP, tương đương 9-10 triệu tỷ đồng, trong đó năm 2016 tổng vốn đầu tư toàn xã hội là 1,5 triệu tỷ đồng và kế hoạch 2017 dự kiến khoảng 1,6 triệu tỷ đồng. Như vậy, đặt mục tiêu phấn đấu hơn 10,5 triệu tỷ đồng là để quyết tâm thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế mạnh mẽ, quyết liệt hơn.

“Nếu chúng ta làm tốt tái cơ cấu, thì tổng vốn đầu tư toàn xã hội có thể còn tăng cao hơn mục tiêu đặt ra. Nếu làm không tốt tái cơ cấu kinh tế, thì thậm chí mục tiêu 9 triệu tỷ đồng cũng khó đạt được”- Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.

Chính vì vậy, người đứng đầu ngành Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, cần phải thực hiện một cách khẩn trương và hiệu quả hàng loạt nhiệm vụ ưu tiên của tái cơ cấu nền kinh tế như: Đẩy nhanh xử lý nợ xấu và áp dụng các biện pháp kiên quyết đối với các ngân hàng thương mại yếu kém; cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp một cách thực chất theo lộ trình và kế hoạch đã phê duyệt, tái cơ cấu danh mục vốn đầu tư và tài sản của khu vực nhà nước, trước hết là doanh nghiệp nhà nước; hoàn thiện thể chế đầu tư công; thực hiện nghiêm Luật Ngân sách nhà nước, quản lý chặt chẽ thu chi ngân sách nhà nước...

Cần loại bỏ lợi ích cục bộ

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết: Việc thực hiện kịch bản tái cơ cấu quyết liệt (như ý kiến đề nghị của nhiều đại biểu) đòi hỏi phải thực hiện nghiêm kỷ luật ngân sách; tăng đáng kể hiệu quả đầu tư công; cắt giảm chi tiêu thường xuyên; giảm bội chi ngân sách xuống còn 4% GDP; cổ phần hóa, giảm tỷ lệ vốn nhà nước tại các doanh nghiệp, trước hết là các doanh nghiệp mà nhà nước không còn nắm giữ trên 50% vốn điều lệ...

Việc thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế đòi hỏi các giải pháp quyết liệt như đề cập ở trên nên Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cảnh báo: Điều này có thể ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của một số bộ, ngành, địa phương và đơn vị có liên quan. Do đó, nguy cơ bị trì hoãn hoặc thực hiện không nhất quán, không quyết liệt, không thực chất là rất lớn, làm chậm quá trình tái cơ cấu kinh tế nói chung.

Ngoài ra, cần có một khung khổ pháp lý phù hợp hỗ trợ thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm tái cơ cấu kinh tế. Vì vậy, một số luật và văn bản pháp luật khác phải được bổ sung, sửa đổi phù hợp và kịp thời. Đây là công việc không dễ, bởi nó đòi hỏi phải đổi mới tư duy, phải có sự đồng thuận cao và phải thực hiện nhanh trong thời gian ngắn.

“Cuối cùng, một điều rất quan trọng trong nhiệm vụ đổi mới tư duy là lãnh đạo của các ngành, các cấp cần vượt qua được chính mình, vượt qua được tư duy nhiệm kỳ, vượt qua lợi ích cục bộ của ngành, địa phương để hướng tới sự liên kết chặt chẽ giữa các ngành, các vùng một cách hiệu quả hơn, tránh bị cát cứ, chia cắt. Có vậy, mới thực hiện thành công tái cơ cấu, nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế”- Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Các chỉ tiêu phát triển kinh tế chủ yếu của năm 2017, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết: Kế hoạch năm 2017 được xây dựng theo hướng tăng trưởng tích cực. Mục tiêu tăng trưởng GDP phấn đấu 6,7% của năm 2017 có đại biểu cho là cao, nhưng có cơ hội. Chính phủ đã trình Quốc hội nhiều giải pháp căn cơ để cải thiện môi trường kinh doanh, tạo thuận lợi cho khởi nghiệp... Về mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu, mục tiêu tăng trưởng 6% đến 7% so với kết quả thực hiện năm 2016 có vẻ khiêm tốn, nhưng xét về số tuyệt đối tăng thêm tới 11 đến 12 tỷ USD.

Thái Bình

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/bo-truong-ke-hoach-va-dau-tu-noi-ve-hon-10-trieu-ty-dong-de-tai-co-cau.aspx