Bộ trưởng Công Thương 'đau xót' khi bị nói lợi ích nhóm

Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh chia sẻ ông cảm thấy rất đau xót trước ý kiến cho rằng Bộ này xây dựng Nghị định kinh doanh, khai thác khoáng sản trên cơ sở lợi ích nhóm.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đau xót khi bị nói lợi ích nhóm. Ảnh: Hoàng Hà.

Ngày 30/9, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh đã có buổi làm việc với các thành viên ban soạn thảo Nghị định quản lý hoạt động khai thác và kinh doanh khoáng sản.

Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Tuấn Anh cho hay sau khi đọc các ý kiến đóng góp từ Phòng Công nghiệp và Thương mại (VCCI), báo chí, doanh nghiệp… cá nhân ông cảm thấy rất đau xót trước những ý kiến cho rằng Bộ Công Thương vì doanh nghiệp lớn giết chết doanh nghiệp nhỏ hay Luật xây dựng trên cơ sở lợi ích nhóm…

Theo ông Tuấn Anh, mục tiêu xây dựng dự thảo là tốt đẹp nhằm tạo cơ sở cho doanh nghiệp phát triển, bảo vệ môi trường, an toàn cho người lao động, bảo tồn tài nguyên quốc gia… Chính vì vậy, việc nhìn nhận sai có phần lỗi của ban soạn thảo khi chưa công khai minh bạch thông tin, chưa rộng đường dư luận để mọi thành phần trong xã hội có thể đóng góp ý kiến hoàn thiện dự thảo Nghị định.

"Khi vẫn còn những phàn nàn, ý kiến trái chiều chưa đồng thuận tức là vẫn còn vấn đề ban soạn thảo cần tiếp thu cân nhắc chỉnh sửa. Chúng ta không sợ chậm ban hành mà chỉ sợ quy định đưa ra không hợp lòng dân, không đúng mục tiêu về Chính phủ kiến tạo, xóa bỏ các rào cản để doanh nghiệp phát triển”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Người đứng đầu ngành Công Thương cũng cho rằng, mục đích xây dựng nghị định là tốt nhưng cách đặt vấn đề của ban soạn thảo vẫn chưa sát, cần phải tư duy lại và thay đổi.

"Luật đặt ra là quản lý có hiệu quả, tạo hành lang pháp lý bảo vệ và thúc đẩy doanh nghiệp phát triển chứ không phải đẻ ra một loại giấy phép con mới để “hành doanh nghiệp”, cần phải làm rõ mục tiêu quản lý của Nghị định này”, ông Tuấn Anh nói.

Trước mắt, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh yêu cầu Vụ công nghiệp nặng có văn bản trả lời VCCI về những ý kiến đóng góp cho dự thảo. Điểm nào chưa được thì tiếp thu chỉnh sửa hoặc bãi bỏ, quy định nào cần giữ phải có giải trình rõ ràng.

Bên cạnh đó, các Vụ, Cục thuộc Bộ Công Thương cần nhanh chóng gửi ý kiến đóng góp cho dự thảo trên cơ sở “đặt mình vào doanh nghiệp” để thấy rằng vướng mắc ở đâu, lỗ hổng chỗ nào, các tổ chức xã hội nhìn nhận đánh giá đến đâu.

Ban soạn thảo cũng cần tiếp thu những cách thức quản lý mà nhiều quốc gia trên thế giới áp dụng thành công để xây dựng dự thảo cho phù hợp với điều kiện của Việt Nam.

Theo đánh giá của Bộ Công Thương, khoáng sản là một nguồn lực của quốc gia và là nền tảng phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Thời gian qua, ngành công nghiệp khoáng sản tăng trưởng nóng về quy mô với hơn 5.000 điểm mỏ và 60 loại khoáng sản khác nhau, với 170 doanh nghiệp nhà nước hoạt động trong lĩnh vực này.

Tuy nhiên, các quy định hiện hành chỉ mới điều chỉnh đến hoạt động thăm dò khai thác chứ chưa điều chỉnh đến hoạt động chế biến.

Trong khi đó, khai thác khoáng sản, điển hình là khai thác hầm lò luôn tiềm ẩn nguy cơ cao về mất an toàn (sập hầm mỏ, cháy nổ, khí mê tan, bục nước, phụt khí, ngộ độc…); chiếm tỷ lệ cao về tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp trong cả nước. Đặc biệt chiếm tỷ lệ cao nhất về các bệnh phổi, điếc nghề nghiệp…

Nghị định quản lý hoạt động khai thác và kinh doanh khoáng sản tiếp tục được lấy ý kiến đóng góp xây dựng để hoàn thiện dự thảo lần ba dự kiến vào đầu tháng 10/2016.

Kiều Linh

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/bo-truong-cong-thuong-dau-xot-khi-bi-noi-loi-ich-nhom-post686016.html