Bộ trưởng Bộ Y tế kiểm tra công tác giảm tải ở các bệnh viện phía Nam

Ngày 7/7, Đoàn công tác của Bộ Y tế do Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến dẫn đầu đã khảo sát một số bệnh viện (BV) ở TP HCM về công tác giảm tải, cải cách thủ tục khám, chữa bệnh và các giải pháp để tăng sự hài lòng của bệnh nhân với ngành y tế. Nhiều vấn đề bức xúc cả về phía bệnh nhân và phía bác sĩ được phản ánh trực tiếp với Bộ trưởng .

Tại BV Chợ Rẫy, một bệnh nhân Nam ở Đắk Lắk, mắc bệnh viêm gan nói: “Chúng tôi vượt tuyến để điều trị vì tay nghề bác sĩ tuyến dưới không đảm bảo. Thế nhưng vượt tuyến thì bị thu phí cao là điều không hợp lý. Chừng nào Bộ Y tế tổ chức tốt hệ thống khám chữa bệnh ở tuyến dưới thì hãy thu phí vượt tuyến cao”.

Tương tự, một nữ bệnh nhân 62 tuổi, ngụ ở Tây Ninh cho biết do bị đau đầu nên tự đi xe đò lên BV Chợ Rẫy điều trị vì chữa hoài ở tuyến dưới không hết bệnh. Bệnh nhân này cho hay, 4h sáng bà đã có mặt tại khoa Khám bệnh Chợ Rẫy, tới hơn 9 h vẫn chưa tới lượt khám.

Nhiều lý do khác của bệnh nhân đưa ra lý giải việc vượt tuyến vì cùng một loại bệnh nhưng ở tuyến dưới bác sĩ cho một vài loại thuốc bảo hiểm y tế đơn giản, còn lên tuyến trên thì được bác sĩ cho nhiều loại thuốc tốt hơn.

Bộ Trưởng Bộ Y tế hỏi thăm các bệnh nhân lý do vượt tuyến điều trị.

Theo Bác sĩ Nguyễn Trường Sơn, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, cũng vì được bệnh nhân tin tưởng nên BV luôn quá tải từ nhiều năm, mặc dù cơ sở vật chất thì không tăng lên. BV đã tăng số phòng khám và số bàn khám bệnh nhưng vẫn không đáp ứng được số lượng bệnh nhân đến khám quá cao. Trung bình, mỗi ngày tiếp nhận hơn 4.000 lượt bệnh nhân đến khám, và thời điểm 9 h ngày 7/7 số bệnh nhân tại đây đã khoảng 3000. Cùng với trung bình mỗi bệnh nhân có một người nhà đi theo thì khu vực khám bệnh số người tập trung phải lên tới trên 7000 người. Trong khi đó BV chỉ có 55 phòng khám với 93 bàn khám nên không đáp ứng được yêu cầu. Trung bình mỗi bệnh nhân đến khám vẫn phải chờ hơn 3,5 giờ.

Cũng theo Bác sĩ Nguyễn Trường Sơn, khu phẫu thuật, trung bình có 190-100 bệnh nhân/ngày trong diện mổ chương trình; bệnh nhân mổ cấp cứu cũng trung bình từ 40-50 bệnh nhân /ngày. Do đó số lượng phòng mổ không đáp ứng kịp số bệnh nhân được chỉ định phẫu thuật. Trong khi đó 2/3 số bệnh nhân phẫu thuật là loại đặc biệt và loại I.

Bộ trưởng Bộ Y tế trao đổi với Giám đốc BV Chợ Rẫy về giải pháp giảm tải.

Ngoài ra, cũng theo Bác sĩ Sơn, một thủ tục gây mất rất nhiều thời gian cho bệnh nhân đó là quy định bệnh nhân chuyển viện diện bảo hiểm y tế phải photo cả chục tờ giấy chuyển viện. Các bệnh nhân khi chuyển lên BV Chợ Rẫy mới đi photo, lượng bệnh nhân đông nên phải xếp hàng rất lâu.

Ông Nguyễn Văn Khảm, Vụ Phó Vụ Bảo hiểm y tế, Bộ Y tế giải thích: Sở dĩ xảy ra tình trạng như vậy là do BV tin bệnh nhân nhưng bảo hiểm y tế lại không tin BV. Do đó, chỉ cần một người nắm đầu mối tờ giấy chuyển viện ở BV là được, không cần photo ra nhiều bản, đi mỗi khoa phòng nộp một bản như trước nữa.

Cùng ngày, Đoàn công tác Bộ Y tế cũng khảo sát tình hình khám chữa bệnh tại BV Đại học Y Dược TP HCM. Tuy tình trạng quá tải không bằng Chợ Rẫy nhưng BN cũng than phiền vì phải chờ đợi lâu. Nhiều bệnh nhân được khám bệnh từ sáng nhưng phải chờ đến chiều mới đến lượt siêu âm, CT... Có khi phải ở lại thành phố 2 ngày sau mới lấy được kết quả các loại xét nghiệm.

Bộ trưởng Bộ Y tế nhận định: Bệnh viện Chợ Rẫy là nơi quá tải nhất trong các bệnh viện phía Nam.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhận định, tình trạng quá tải ở BV phía Nam căng thẳng hơn ở phía Bắc. Lượng bệnh nhân tự vượt tuyến lên tuyến trên tại Chợ Rẫy có thể không phải 30% mà có khi lên tới 50%. Vấn đề ở chỗ người dân vẫn chưa tin tưởng vào y tế tuyến dưới. Do đó, trong thời gian tới bên cạnh việc tập trung nâng cao chất lượng y tế tuyến dưới, Bộ Y tế chủ trương đưa thương hiệu tuyến trên về tuyến dưới bằng cách cử bác sĩ tuyến trên luân phiên thường xuyên ở các phòng khám của BV tuyến dưới. Mà phải là bác sĩ giỏi. Để Kiên Giang, An Giang cũng mổ được tim thì không thể không có BS giỏi của BV Chợ Rẫy. Tuy nhiên để không xảy ra tình trạng “khuyết” mất bác sĩ giỏi ở tuyến trên, bác sĩ đi luân phiên sẽ đi ngắn ngày. Đồng thời yêu cầu giám sát những bệnh nhân vượt tuyến xem những trường hợp nào chuyển hợp lý, những trường hợp nào không, để phản hồi lại cho y tế tuyến dưới; cần thiết phê bình và cả kỷ luật những người liên quan trong việc đẩy bệnh nhân lên tuyến trên, gây quá tải.

Theo Bộ trưởng, có làm tốt công tác giảm tải thì BV tuyến trên như Chợ Rẫy mới “rảnh tay” lo tập trung nghiên cứu các kỹ thuật y tế chuyên sâu như: ghép tạng, nội soi, tế bào gốc, kỹ thuật robot, nghiên cứu các vấn đề về gien, di truyền.

Bộ trưởng Bộ Y tế cũng đề nghị cơ quan BHXH xem xét lại thủ tục giấy tờ, giảm phiền hà cho bệnh nhân. Đồng thời, cần có cách xử lý từ căn nguyên. Ví như toa thuốc phát cho bệnh nhân bảo hiểm y tế chữa các bệnh về nội khoa phải như nhau ở tất cả các tuyến, phác đồ điều trị cũng phải giống nhau, chỉ khác nhau về kỹ thuật. Vì cùng là bệnh nhân đau dạ dày nhưng ở tuyến dưới cho thuốc không giống bệnh viện tuyến trên. Lên tuyến trên, bệnh nhân được hưởng thuốc tốt hơn, nên không ai lại muốn khám ở địa phương.

Ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục quản lý khám và chữa bệnh cũng cho rằng, cùng một loại bệnh thì chỉ nên có một phác đồ điều trị giống nhau, thống nhất ở các tuyến. Vì không có cái gọi là “bệnh huyết áp trung ương” hay “bệnh huyết áp địa phương”. Tuy nhiên do thuốc cho bệnh nhân lại phụ thuộc vào qui định BV được xếp hạng nào, danh mục thuốc được phê duyệt hạng đó. Việc này Bộ Y tế sẽ làm việc lại với bảo hiểm y tế để có giải pháp phù hợp

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/vi-vn/thoisu/2014/7/236849.cand