Bộ trưởng Bộ NN-PTNT: Nông nghiệp vẫn có thể tăng trưởng 1,2-1,4%

Mặc dù đối mặt với nhiều khó khăn, tăng trưởng âm trong 6 tháng đầu năm 2016, tuy nhiên với những bứt phá trong khôi phục SX và XK nửa cuối năm, ngành nông nghiệp dự báo vẫn có thể có mức tăng trưởng từ 1,2-1,4%. Đây là đánh giá của Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường tại cuộc họp báo thường kỳ tháng 11/2016 diễn ra ngày 9/11.

Nỗ lực cao nhất

Theo Bộ NN-PTNT, mặc dù diện tích lúa năm 2016 ước giảm 71 nghìn ha so với năm 2015; sản lượng giảm 785 ngàn tấn so với năm 2015, tuy nhiên SX nhiều ngành hàng có giá trị cao trong 10 tháng đầu năm 2016 vẫn giữ được đà tăng trưởng mạnh. Thủy sản vẫn giữ được tăng trưởng khá với tổng sản lượng 10 tháng đầu năm 2016 ước đạt 5.482,0 nghìn tấn, tăng 1,8% so với cùng kỳ, trong đó sản lượng khai thác ước đạt khoảng 2.558 nghìn tấn, tăng 2,0% so với cùng kỳ năm 2015; sản lượng thủy sản nuôi lũy kế 10 tháng đạt 2.924 nghìn tấn, tăng 1,6%...

Về XK, lũy kế 10 tháng đầu năm, giá trị XK các mặt hàng nông sản chính ước đạt 12,5 tỷ USD, tăng 7,8% so với cùng kỳ năm 2015; XK thủy sản ước đạt 5,7 tỷ USD, tăng 5,9%; mặt hàng gỗ và lâm sản chính ước đạt 5,8 tỷ USD, tăng nhẹ so với cùng kỳ năm 2015; các mặt hàng khác đạt 2,4 tỷ USD, tăng 16,4%... Tổng giá trị XK toàn ngành 10 tháng ước đạt 26,4 tỷ USD, tăng 6,3% so với cùng kỳ năm 2015; thặng dư thương mại đạt 6,4 tỷ USD, tăng 15,6%.

XK nông lâm thủy sản 10 tháng đầu năm vẫn tăng trưởng mạnh

Tại cuộc họp, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đánh giá: Mặc dù đối mặt với nhiều khó khăn thách thức, nhất là thiên tai lũ lụt, tuy nhiên các đơn vị thuộc Bộ NN-PTNT đã chủ động, tích cực triển khai nhiệm vụ được giao với nỗ lực cao nhất để đạt mức tăng trưởng theo kế hoạch đề ra. Trong đó, một số đơn vị đã chủ động tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy SX, quyết tâm cùng các địa phương, các thành phần kinh tế thực hiện nhiệm vụ đảm bảo kịp thời, có trọng tâm, trọng điểm, nhất là các tháng nước rút cuối năm để giữ mức tăng trưởng của ngành ở mức cao nhất có thể. Ví dụ: Tổng cục Thủy sản đã đi xuống 4 tỉnh miền Trung cùng bàn, cùng tháo gỡ khó khăn vướng mắc để thúc đẩy phát triển SX thủy hải sản và đã ban hành kế hoạch tăng cường nguồn hải sản tự nhiên; đồng thời, chủ động ban hành các biện pháp tập trung để SX tôm an toàn XK. Rốt ráo chỉ đạo SX vụ ĐX ở miền Nam; vụ Đông ở miền Bắc đã triển khai được 350.000ha. Vừa qua, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh đã cùng Cục Trồng trọt đi các tỉnh để đôn đốc, khích lệ người dân và các địa phương tăng cường SX đảm bảo tiến độ, kế hoạch đề ra.

Đối phó La-nina

Nhờ nỗ lực của toàn ngành, đến nay, mặc dù thiên tai bất khả kháng ở 8 tỉnh miền Trung làm phát sinh thêm một số khó khăn mới, nhưng sức SX, đặc biệt là những mặt hàng Việt Nam có dư địa SX lớn như chăn nuôi, thủy sản tiếp tục phát triển tốt, an toàn dịch bệnh ổn định... Nhờ đó, tăng trưởng của ngành đảm bảo theo đúng mục tiêu đề ra và khả năng tăng trưởng ngành nông nghiệp năm nay có thể đạt từ 1,2-1,4%; giá trị XK nông, lâm, thủy sản đạt 31 tỷ USD, thặng dư 8 tỷ USD.

Hai tháng cuối năm, Bộ trưởng lưu ý đúng như dự báo, hiện tượng La-nina đang diễn ra và hầu hết 7 vùng kinh tế xã hội đều có mưa lớn, muộn hơn nhiều năm, chi phối tới tất cả các hoạt động của ngành nông nghiệp cả nước.

“Về vụ Đông ở ĐBSH, năm nay nếu không đẩy mạnh SX thì có thể thiếu hụt sản lượng, rau quả sẽ lên giá. Bên cạnh đó, cần tái đẩy phục hồi SX các tỉnh từ Tây Nguyên trở ra Bắc Trung bộ, thậm chí cục bộ ở tỉnh Khánh Hòa, Phú Yên...”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.

Bộ trưởng đề nghị các đơn vị phải rà soát lại nhiệm vụ cụ thể để có giải pháp đối phó kịp thời, nhất là đối với 450.000ha vụ ĐX ở phía Nam đã gieo trồng. Đối với cây công nghiệp, mưa sẽ khiến số diện tích cây tiêu đã trồng sẽ bị ảnh hưởng, có khả năng bị chết. Do đó, cần đốc thúc, có biện pháp xử lý kịp thời.

Đối với chăn nuôi, Bộ trưởng lưu ý cần tập trung xử lý dịch bệnh do mưa nhiều, độ ẩm cao, giao thời chuyển từ Thu sang Đông; luân chuyển bệnh tật từ những vùng bị ngập úng và mật độ đàn đông nhất từ trước đến nay đối với cả 3 đối tượng: lợn, trâu bò, gà. Vì vậy, hai ngành Chăn nuôi - Thú y cần có biện pháp xử lý. Cụ thể, Cục Thú y cần xây dựng kế hoạch tiêm phòng, đôn đốc các địa phương thực hiện quyết liệt; Cục Chăn nuôi tăng cường quản lý con giống, thức ăn… Về thủy sản, năm nay cả nước đã tăng 40% con lượng giống, vì vậy phải đặc biệt kiểm soát giống tôm nước lợ.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường khẳng định, thị trường từ nay đến cuối năm đối với con tôm XK đi Nhật, châu Âu rất tốt, nên cần kiểm soát tốt vấn đề chất lượng ATTP.

LÊ BỀN

Nguồn Nông Nghiệp: http://nongnghiep.vn/bo-truong-bo-nn-ptnt-nong-nghiep-van-co-the-tang-truong-12-14-post179993.html