Bỏ thuốc sâu vào thức ăn học sinh ở Sơn La: Làm rõ động cơ của đối tượng

Đối tượng đã lợi dụng nghề nghiệp của mình, vi phạm đạo đức nghề nghiệp để thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội, trường hợp bị kết tội thì đây là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự.

Trường THPT Chu Văn Thịnh, nơi xảy ra vụ việc. (Ảnh: Fanpage trường THPT Chu Văn Thịnh)

Trường THPT Chu Văn Thịnh, nơi xảy ra vụ việc. (Ảnh: Fanpage trường THPT Chu Văn Thịnh)

Hành vi nguy hiểm, táng tận lương tâm

Công an (CA) huyện Mai Sơn, Sơn La, đã ra lệnh bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp đối với bà Hà Thị Thi, SN 1984, trú xã Chiềng Ban, huyện Mai Sơn, nhân viên bếp ăn trường THPT Chu Văn Thịnh để điều tra về tội “Gây tổn hại cho sức khỏe người khác”.

Trước đó, ngày 22/9, UBND xã Chiềng Ban nhận được báo cáo của trường THPT Chu Văn Thịnh về việc thức ăn của học sinh có mùi thuốc sâu. Sau đó, chính quyền xã phối hợp với lực lượng chức năng xuống kiểm tra, phát hiện mẫu phẩm được lưu có mùi thuốc sâu.

Quá trình điều tra, cơ quan chức năng xác định, bà Hà Thị Thi là vợ của nguyên hiệu trưởng trường THPT Chu Văn Thịnh, nay đã chuyển sang làm phó hiệu trưởng của một trường khác trên địa bàn huyện Mai Sơn.

Khi chồng còn làm hiệu trưởng, bà Thi được giao phụ trách bếp ăn bán trú của trường THPT Chu Văn Thịnh và được lựa chọn đơn vị cung cấp thực phẩm. Tuy nhiên, khi trường THPT Chu Văn Thịnh có hiệu trưởng mới, bà Thi không được giao phụ trách bếp ăn và nhà trường cũng không nhập thực phẩm từ đơn vị cũ nên người phụ nữ này nảy sinh ý định xấu và đã cho thuốc diệt côn trùng vào thức ăn của học sinh.

Được biết, trường THPT Chu Văn Thịnh có trên 1.200 học sinh, trong đó, có hơn 400 học sinh ăn bán trú. Sự việc thức ăn có mùi lạ được phát hiện sớm, các học sinh chưa ăn nên không ai bị ảnh hưởng đến sức khỏe.

Luật sư Đinh Thị Nguyên, Giám đốc Công ty Luật TNHH Đại Đông Á, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, thông tin vụ việc trên gây hoang mang lo lắng cho các phụ huynh có con học tại trường THPT Chu Văn Thịnh và cho xã hội. Bởi vậy, việc cơ quan chức năng khẩn trương vào cuộc xác minh làm rõ để xử lý với đối tượng này là rất cần thiết.

Với kết quả xác minh ban đầu, cho thấy hành vi của người phụ nữ này là rất nguy hiểm, táng tận lương tâm, động cơ đê hèn và có thể làm chết nhiều người. May mắn là các học sinh chưa ăn phải nên chưa gây ra hậu quả thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe của học sinh. Tuy nhiên, hành vi này là vô nhân đạo, không có tính người, gây lo lắng hoang mang cho các phụ huynh, đe dọa đến tính mạng, sức khỏe của học sinh và các thầy cô giáo. Bởi vậy, việc CQĐT giữ người trong trường hợp khẩn cấp là có căn cứ, đúng pháp luật.

Cơ quan chức năng sẽ lấy mẫu thức ăn đi giám định để xác định chất độc có trong thức ăn là loại chất gì, tính chất nguy hiểm đến đâu, nếu ăn phải thức ăn như vậy thì có thể chết người hay không? Đồng thời sẽ làm rõ hành vi của đối tượng gây án, làm rõ động cơ mục đích của đối tượng này khi bỏ thuốc độc vào thức ăn của học sinh?

Thế nào là phạm tội chưa đạt?

Luật sư Nguyên cho biết, theo Điều 134 BLHS 2015 về tội “Cố ý gây thương tích” hoặc “Gây tổn hại cho sức khỏe của người khác”, người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11-30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp: Dùng a-xít nguy hiểm hoặc hóa chất nguy hiểm; Đối với người dưới 16 tuổi; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn…thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng-3 năm…

"Như vậy, mức truy cứu trách nhiệm hình sự đối với tội “Cố ý gây thương tích” hoặc “Gây tổn hại cho sức khỏe cho người khác” sẽ căn cứ vào mức độ tổn thương cơ thể của người bị hại. Cơ quan chức năng sẽ tiến hành giám định thức ăn bị bỏ thuốc diệt côn trùng vào xem hàm lượng nó có thể gây tổn hại đến sức khỏe của học sinh đến đâu", luật sư Nguyên nhấn mạnh.

Do bị hành vi này bị phát hiện kịp thời (phạm tội chưa đạt) nên tùy theo tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi, mức độ thực hiện ý định phạm tội… mà cơ quan tiến hành tố tụng sẽ quyết định mức hình phạt tương ứng.

Cũng theo luật sư Nguyên, về phạm tội chưa đạt, Điều 15, BLHS năm 2015 nêu rõ, phạm tội chưa đạt là cố ý thực hiện tội phạm nhưng không thực hiện được đến cùng vì những nguyên nhân ngoài ý muốn. Người phạm tội chưa đạt phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm chưa đạt.

Có thể chia phạm tội chưa đạt thành 2 loại là phạm tội chưa đạt chưa hoàn thành và phạm tội chưa đạt đã hoàn thành. Trường hợp phạm tội chưa đạt đã hoàn thành là việc một cá nhân đã thực hiện hành vi phạm tội của mình như vì một nguyên nhân nào đó mà hậu quả của việc phạm tội không xảy ra. Còn phạm tội chưa đạt chưa hoàn thành là việc người phạm tội vì nguyên do nào đó chưa hoàn thành việc phạm tội của mình.

"Trường hợp bỏ thuốc diệt côn trùng vào thức ăn của học sinh thuộc trường hợp phạm tội chưa đạt đã hoàn thành do đối tượng đã thực hiện xong việc cho thuốc vào thức ăn.

Về việc quyết định hình phạt trong trường hợp phạm tội chưa đạt, Điều 57, BLHS năm 2015 quy định, với trường hợp phạm tội chưa đạt, nếu điều luật được áp dụng có quy định hình phạt cao nhất là tù chung thân hoặc tử hình thì áp dụng hình phạt tù không quá 20 năm; nếu là tù có thời hạn thì mức hình phạt không quá ¾ mức phạt tù mà điều luật quy định", luật sư Nguyên nhận định.

Tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự

Tuy nhiên, trong trường hợp kết quả điều tra cho thấy lượng thuốc độc đó có thể làm chết người, đối tượng thực hiện hành vi bỏ thuốc độc vào thức ăn nhận thức được hành vi của mình là vi phạm pháp luật, có thể dẫn đến chết người nhưng vẫn mong muốn hoặc bỏ mặc hậu quả chết người xảy ra, hành vi vi phạm có dấu hiệu cấu thành tội phạm của tội “Giết người” được quy định tại Điều 123, BLHS năm 2015 với nhiều tình tiết định khung, tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự...

Để buộc tội đối tượng này về tội “Giết người”, CQĐT cần thực hiện các hoạt động tố tụng để xác định hành vi phạm tội, xác định tính chất nguy hiểm của hành vi, xác định nhận thức của đối tượng gây án và hậu quả có thể xảy ra đối với xã hội để xử lý theo quy định của pháp luật.

Điều đáng chú ý trong vụ việc này là đối tượng là người có trách nhiệm phải đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, trách nhiệm phục vụ bữa ăn cho học sinh nhưng đã lợi dụng nghề nghiệp của mình, vi phạm đạo đức nghề nghiệp để thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội, trường hợp bị kết tội thì đây là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự có thể áp dụng đối với đối tượng này.

Ngoài ra, thông tin bước đầu của cơ quan chức năng xác định, đối tượng này là vợ của hiệu trưởng cũ của trường, đây có thể là nguyên nhân động cơ thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, có thể là một sự trả thù hoặc cố ý làm mất uy tín của ban lãnh đạo mới. Vấn đề này CQĐT sẽ làm rõ để đánh giá tính chất của vụ án, xác định nguyên nhân động cơ sự việc để thực hiện các giải pháp phòng ngừa tội phạm.

Nhấn mạnh thêm về vụ việc này, luật sư Nguyên cho hay: "Vụ án lại một lần nữa cho thấy nguy cơ mất an toàn trong môi trường trường học, đối với các đối tượng là học sinh. Bởi vậy, các cơ sở giáo dục cần quan tâm hơn nữa việc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ tính mạng, sức khỏe của học sinh khi ăn bán trú ở nhà trường để tránh những vụ việc hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.

Với những cán bộ, công nhân viên hoặc những cơ sở cung cấp thực phẩm không đủ uy tín, có biểu hiện tâm lý bất thường hoặc đạo đức nhân cách không phù hợp thì cũng không sử dụng để phục vụ bữa ăn cho học sinh và các thầy cô giáo".

Thái An

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/bo-thuoc-sau-vao-thuc-an-hoc-sinh-o-son-la-lam-ro-dong-co-cua-doi-tuong-354616.html