Bộ Tài chính lấy sự hài lòng của doanh nghiệp là mục tiêu cải cách

Bộ Tài chính đã xác định công tác cải cách hành chính (CCHC), trong đó có cải cách thủ tục hành chính (TTHC) là một trong những giải pháp trọng tâm hàng đầu, lấy sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp là mục tiêu cải cách. Đây cũng là giải pháp đóng vai trò quan trọng, thúc đẩy hoàn thành các mục tiêu tăng trưởng kinh tế và phát triển của ngành Tài chính trong năm 2024.

Nguồn: Bộ Tài chínhh Đồ họa: Phương Anh

Bãi bỏ 40 thủ tục hành chính không cần thiết

Về rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa TTHC, ngay từ đầu năm, Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định số 137/QĐ-BTC về kế hoạch triển khai nhiệm vụ kiểm soát thủ tục hành chính năm 2024. Bám sát mục tiêu, yêu cầu về cải cách thủ tục hành chính (TTHC) tại các nghị định, nghị quyết của Chính phủ; chỉ thị, quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đã kịp thời chỉ đạo các đơn vị thực hiện nghiêm các yêu cầu kiểm soát TTHC. Hiện Bộ Tài chính có 132 công chức làm nhiệm vụ đầu mối kiểm soát TTHC thuộc Bộ Tài chính.

Kiểm soát chặt việc ban hành mới thủ tục hành chính Công tác cải cách hành chính (CCHC) của Bộ Tài chính ngày càng được quan tâm và đi vào nề nếp, chất lượng và hiệu quả công việc ngày một rõ nét hơn. Lãnh đạo Bộ Tài chính đã quan tâm, chỉ đạo xuyên suốt, linh hoạt, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực tài chính - ngân sách, góp phần giữ vững ổn định, kiềm chế lạm phát, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội. Kết quả này đã thể hiện sự nỗ lực, cố gắng của Bộ Tài chính trong triển khai công tác CCHC quý I/2024.

Thời gian tới, Bộ Tài chính tiếp tục coi công tác cải cách thể chế là nhiệm vụ trọng tâm; công tác cải cách thủ tục hành chính (TTHC) được đẩy mạnh. Đồng thời, xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật có quy định TTHC theo hướng kiểm soát chặt chẽ việc ban hành TTHC, đánh giá tác động TTHC đầy đủ, kết hợp với nghiên cứu cắt giảm, đơn giản hóa TTHC, chú trọng đổi với lĩnh vực thuế, hải quan, ngân sách nhà nước.

Trong quý I/2024, Bộ Tài chính tiếp tục thực hiện kiểm soát chặt chẽ các TTHC thuộc phạm vi thẩm quyền quản lý nhằm mục tiêu cải cách TTHC một cách toàn diện gắn với việc phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số để tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Bộ Tài chính thường xuyên rà soát, đánh giá TTHC nhằm đề xuất bãi bỏ những TTHC không còn phù hợp, hoặc sửa đổi theo hướng cụ thể, rõ ràng, đơn giản, tăng tính khả thi cho cá nhân, tổ chức thực hiện.

Từ ngày 15/12/2023 đến ngày 14/3/2024, các đơn vị thuộc Bộ Tài chính đã thực hiện đánh giá tác động đối với 3 TTHC tại 2 dự thảo văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực giá theo đúng quy định tại Thông tư số 03/2022/TT-BTP ngày 10/2/2022 của Bộ Tư pháp. Trên cơ sở đó, đã lựa chọn các phương án, giải pháp tối ưu cho việc ban hành mới hoặc sửa đổi, bổ sung TTHC thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Tài chính.

Trên cơ sở các văn bản quy phạm pháp luật quy định về TTHC, từ ngày 15/12/2023 đến 14/3/2024, Bộ Tài chính đã rà soát và ban hành 6 quyết định công bố bãi bỏ 40 TTHC; sửa đổi, bổ sung, thay thế 26 TTHC; công bố mới 12 TTHC trong các lĩnh vực quản lý. Trên cơ sở Quyết định công bố, Bộ Tài chính đã thực hiện việc công khai, cập nhật đầy đủ và kịp thời lên Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng Thông tin điện tử của Bộ và trụ sở cơ quan tiếp nhận thực hiện TTHC theo đúng quy định.

Đến ngày 14/3/2024, tổng số TTHC còn hiệu lực thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Tài chính là 765 TTHC. Trong đó, lĩnh vực thuế là 235 TTHC; lĩnh vực hải quan là 225 TTHC; lĩnh vực KBNN là 11 TTHC; lĩnh vực dự trữ là 7 TTHC; lĩnh vực chứng khoán là 104 TTHC; lĩnh vực tài chính chung là 183 TTHC.

Thuế, hải quan đi đầu trong cải thiện môi trường kinh doanh

Trong quý I/2024, Bộ Tài chính tiếp tục tăng cường công tác chỉ đạo, điều hành CCHC, rà soát, xây dựng và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản chỉ đạo, điều hành về CCHC nhằm triển khai có hiệu quả các nhiệm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao.

Theo đó, Bộ Tài chính đã xây dựng và ban hành Kế hoạch CCHC năm 2024 với những nhiệm vụ cụ thể và nhiều giải pháp quan trọng. Kế hoạch CCHC năm 2024 của Bộ Tài chính tiếp tục bám sát 7 nội dung của công tác CCHC, đề ra 65 nhóm nhiệm vụ với 146 sản phẩm/hoạt động đầu ra cụ thể.

Trong quý I/2024, Bộ Tài chính đã triển khai thực hiện 96/146 nhiệm vụ theo Kế hoạch; trong đó, đã hoàn thành 17 nhiệm vụ, triển khai 63 nhiệm vụ thường xuyên có hiệu quả và đảm bảo tiến độ, đang tiếp tục thực hiện 16 nhiệm vụ theo kế hoạch.

Theo ông Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng thư ký, Trưởng Ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cơ quan quản lý phải lấy sự hài lòng của người dân làm mục tiêu cải cách. Điều này, cơ quan thuế, hải quan đã làm được. Ông Đậu Anh Tuấn khẳng định, cơ quan thuế, hải quan là hai cơ quan đi đầu trong quá trình cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Vị chuyên gia này cũng đánh giá cao việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý của cơ quan thuế, hải quan.

Trên thực tế, ứng dụng công nghệ thông tin đóng vai trò quan trọng trong tiến trình cải cách của Bộ Tài chính. Nhiều năm qua, Bộ Tài chính luôn trong top dẫn đầu về ứng dụng công nghệ thông tin trong khối các cơ quan của Chính phủ và là đơn vị tiên phong tiến hành chuyển đổi số. Cho đến nay, hầu hết các lĩnh vực trong ngành Tài chính về cơ bản đều đã có những kết quả chuyển đổi số mạnh mẽ và ngày càng đi vào thực chất hơn, lấy thước đo thành công là sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp.

Chuyển đổi số hướng tới nền tài chính thông minh

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý. Kết quả, trong lĩnh vực thuế, hệ thống khai thuế điện tử đã được triển khai tại 100% cục thuế và chi cục thuế. Hiện đã có 99,36% số doanh nghiệp đã đăng ký tham gia sử dụng dịch vụ nộp thuế điện tử với cơ quan thuế. Về hóa đơn điện tử, tổng số lượng hóa đơn đã tiếp nhận và xử lý là khoảng 7,11 tỷ hóa đơn. Đã có 74 nhà cung cấp nước ngoài đăng ký, khai thuế và nộp thuế qua Cổng Thông tin điện tử cho nhà cung cấp nước ngoài; số lượng sàn thương mại điện tử gửi dữ liệu cung cấp thông tin đến cơ quan Thuế là 357 sàn, số lượng tổ chức, cá nhân tham gia kinh doanh trên các sàn là hơn 191 nghìn với tổng giá trị giao dịch là gần 59 nghìn tỷ đồng.

Trong lĩnh vực hải quan, Bộ Tài chính triển khai các ứng dụng công nghệ thông tin tạo thuận lợi cho hoạt động xuất, nhập khẩu, hướng tới xây dựng mô hình Hải quan thông minh. Về triển khai Cơ chế một cửa quốc gia, Bộ Tài chính tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành để triển khai các thủ tục hành chính trên Cơ chế một cửa quốc gia. Đến nay, có 250 thủ tục hành chính của 13 bộ, ngành kết nối với hơn 67 nghìn doanh nghiệp đã được xử lý thông qua Cơ chế một cửa quốc gia...

Lãnh đạo Bộ Tài chính luôn xác định, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số tạo ra sự thay đổi về tư duy, nhận thức, phương thức xử lý công việc và công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành của hầu hết các đơn vị trong ngành Tài chính. Đến nay, phần lớn hoạt động chỉ đạo, điều hành tại Bộ Tài chính đã được thực hiện trên môi trường số. Hầu hết mọi lĩnh vực trong ngành Tài chính về cơ bản đã có những bước chuyển mình mạnh mẽ trong bối cảnh chuyển đổi số.

Kế hoạch chuyển đổi số hướng tới nền tài chính thông minh được thực hiện trên cơ sở "dữ liệu” là tài nguyên, “nền tảng” là giải pháp đột phá. Đây là những chìa khóa quan trọng cho quá trình xây dựng, hình thành hệ sinh thái Tài chính số phong phú hiện đại trên mọi lĩnh vực, đảm bảo huy động nguồn lực cho mục tiêu phát triển kinh tế bền vững./.

Minh Anh

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/bo-tai-chinh-lay-su-hai-long-cua-doanh-nghiep-la-muc-tieu-cai-cach-147511-147511.html