Bộ sưu tập ngôn ngữ độc đáo của Italo Calvino

'Bộ sưu tập cát' là tập tiểu luận của nhà văn người Italy - Italo Calvino, trong đó, tác giả đặt ra những câu hỏi lớn hơn về thời gian và lịch sử.

Sách Bộ sưu tập cát của Italo Calvino. Ảnh: Minh Hùng.

Theo Italo Calvino, não bộ bắt đầu từ mắt. Và từ những quan sát dù chỉ thoáng qua, người ta có vô vàn những chiều kích có thể khai mở trong tâm trí. Trong tập tiểu luận mang tên Collezione di sabbia (Bộ sưu tập cát), nhà văn này đã nỗ lực làm tỏ rõ những bối rối của cá nhân trước sự xoay vần chóng mặt của thế giới.

Tách rời khỏi bối cảnh văn học - chính trị - xã hội quê hương

Bộ sưu tập cát là tập tiểu luận trọng yếu thứ hai của Italo Calvino. Tập đầu tiên là Una pietra sopra (tạm dịch: Đặt một viên đá lên).

Xuất bản năm 1980, Una pietra sopra cho thấy một trí thức dấn thân vào các vấn đề xã hội và văn học. Vị trí thức này cảm thấy một giai đoạn đời mình đã kết thúc khi khát vọng viết văn nhằm thay đổi thế giới nay đã chìm nghỉm. Sang đến Bộ sưu tập cát, vị trí thức trở thành một người hoàn toàn tách rời khỏi bối cảnh văn học - chính trị - xã hội Italy.

Giờ đây, ông chu du các quốc gia khác, ông bình luận các cuộc triển lãm, chiêm ngưỡng các tác phẩm nghệ thuật, sách nghệ thuật... Bộ sưu tập cát, với Calvino, chỉ là một bộ sưu tập ngôn ngữ phản ánh những hiếu kỳ bách khoa của ông. Ông quan sát thật tỉ mỉ nhằm cố hiểu cái mà ông gọi là "sự thật của thế giới".

Italo Calvino vẫn là một người tường thuật đại tài. Ông say mê với mọi khía cạnh của thế giới thị giác, từ chủ thể cái nhìn, những gì ta thấy cho đến cách ta nhìn và diễn giải những gì đã thấy. Và chỉ bằng cách quan sát, miêu tả, bình luận, Calvino tạo ra một tác phẩm của riêng mình - Bộ sưu tập cát.

Sách được chia thành bốn phần chính. Phần đầu - “Triển lãm - Khám phá” - bao gồm mười bài đánh giá, hầu hết là các cuộc triển lãm mà Calvino đã xem ở Paris giai đoạn 1980-1984. Phần thứ hai - “Những tia nhìn” - bao gồm tám tác phẩm trong cùng thời kỳ, dành cho các khía cạnh của thị giác, với một bài luận về cuốn sách về nhiếp ảnh của Roland Barthes, một miêu tả về Cột Trajan, một bài phê bình cuốn sách về lịch sử quang học và những ý tưởng về cách mà con mắt nhìn thấy.

Phần ba - “Những chuyện kể huyễn tưởng” - có năm bài điểm sách, bình về một chuyên khảo Scotland thế kỷ XVII về địa lý của thần tiên; các tác phẩm của những nghệ sĩ huyễn tưởng thị giác đương đại đáng chú ý. Phần cuối cùng - “Hình dạng của thời gian” - bao gồm 15 ký sự du lịch Nhật Bản, Mexico và Iran.

Chất đầy những dòng tường thuật, miêu tả, tập tiểu luận của này cho thấy năng lực kể chuyện của một nhà văn. Có lẽ, sự dấn thân của khán giả cũng quan trọng và giá trị không kém sự dấn thân của người nghệ sĩ trong nghệ thuật.

Nếu người nghệ sĩ tạo ra các tác phẩm khiến người thưởng thức phải suy tư, những suy tư của Italo Calvino trong Bộ sưu tập cát cũng khiến người đọc mở rộng thế giới quan.

Đây không chỉ là tường thuật về những hành trình vượt qua không gian địa lý mà còn là những ức đoán với những câu hỏi lớn hơn về thời gian và lịch sử.

Nhà văn Italo Calvino (1923-1985). Ảnh: Il Foglio.

Đá và cát?

“Trong cùng một ngày, tôi không làm gì khác ngoài việc gặp những đám đông con người đang di chuyển đã băng qua con đường của tôi: Những dòng người cố định mãi mãi trong đá và những dòng người khác đang di chuyển trong hành trình chuyển dịch bất tuyệt.

Cả hai đều sống trong những không gian khác với của chúng ta: một nhóm hòa nhập vào sự cô đọng của thế giới khoáng vật, còn nhóm còn lại lướt qua từ nơi này đến nơi khác, bỏ qua những cái tên địa lý và lịch sử, đi theo những hành trình không được đánh dấu trên bất kỳ bản đồ nào, như cuộc thiên di của các loài chim”.

“Nếu phải lựa chọn giữa hai cách tồn tại, tôi sẽ phải cân nhắc cái ưu và khuyết điểm của chúng trong một thời gian dài: Hoặc sống chỉ để lại dấu ấn không thể xóa nhòa, biến bản thân thành hình bóng được chạm khắc trên trang sách bằng đá, hoặc sống bằng cách đồng nhất theo chu kỳ của các mùa, sự phát triển của cỏ và bụi cây, với nhịp điệu của những năm tháng không thể dừng lại bởi vì nó theo vòng quay của mặt trời và trăng sao. Trong cả hai trường hợp, đó là cái chết mà người ta muốn chạy trốn. Trong cả hai trường hợp, đó là tính bất biến mà người ta nhắm đạt tới”, trích nội dung sách.

Hình ảnh đá và cát bao trùm tiểu luận của Calvino hiển hiện không thể ngó lơ. Những tảng đá qua năm tháng dần biến thành cát biểu trưng cho sự trôi chậm chạp của những kỷ nguyên địa chất; đây là một chủ đề thường thấy trong văn chương Calvino.

Nhân loại được đặt trong cảnh quan môi trường sống. Trong nỗ lực hiểu về con người, nhà văn si mê tìm hiểu nguồn gốc của chữ viết, bản đồ, hệ thống tính toán, cách đọc không gian đô thị, các phương cách biểu nghĩa…

Việc Calvino sử dụng hình ảnh cát trong nhan đề thay cho hình ảnh đá ở tập tiểu luận đầu tiên, theo dịch giả bản tiếng Anh Martin McLaughlin, ngầm ám chỉ sự phân mảnh và bối rối của chính tác giả trước thế giới nhiều biến động.

Hình ảnh cát cứ trở đi trở lại trong các tiểu luận, đầu tiên là trong lớp cát bụi của Cột Trajan dần tan rã, rồi đến cát Mặt Trăng trong khu vườn Thiền Nhật Bản... Những móc nối tinh tế ấy gắn kết các tiểu luận mà thoạt nhìn có vẻ rời rạc này thành một tập viết về thị giác và chữ viết với một cảm thức trừu tượng về thời gian.

Nỗi ám ảnh với đá và cát của Italo Calvino có lẽ chính là nỗi ám ảnh với khái niệm tồn tại, với ý niệm về di sản trong cuộc sống. Giống cát, đó là một nỗi ám ảnh khó nắm bắt. Làm thế nào để định hình tập tiểu luận này? Nhật ký hành trình? Nhật ký tâm cảnh? Nhật ký những cảm hứng thoáng qua? Có sự tương quan nào giữa cát lạnh màu đất từ Leningrad với hạt sói cát mịn từ Copacabana không?

Có lẽ, tập tiểu luận này xuất phát từ nhu cầu biến dòng chảy tồn tại của cá nhân thành chuỗi các “di sản” được lưu giữ để tránh số phận bị phân tán. Không ai biết chắc được. Nhưng theo chính Calvino, “sức thu hút của một bộ sưu tập nằm ở những gì nó tiết lộ cũng như giấu cái động lực thầm kín dẫn đến việc chế tạo ra nó”.

Độc giả tiếp cận thế giới ngôn từ của Italo Calvino lần đầu có thể cảm thấy rối bời trước những tư tưởng của ông, nhưng cho đến một giai đoạn nào đó, một ý nghĩ chợt đến, tựa một nắm cát được bốc lên từ một bãi cát lớn, ẩn chứa suy nghĩ của mọi hạt cát từng tồn tại, ta nhận ra ý nghĩ ấy từng là của Calvino, của bao người khác trên thế giới hiện tại và quá khứ và cả tương lai. Ý nghĩ ấy rồi cũng sẽ bị cuốn đi, như bao hạt cát khác. Nhưng nó không biến mất, mà lại di chuyển, chu du như một người lữ khách, chẳng biết sẽ dừng đáp nơi đâu.

Minh Hùng

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/bo-suu-tap-ngon-ngu-doc-dao-cua-italo-calvino-post1439239.html