Bổ sung 'phát triển không gian hài hòa, hợp lý'

Phát biểu tại Hội thảo khoa học định hướng quy hoạch Thủ đô, GS.TS Phạm Văn Điển, Hiệu trưởng Trường Đại học Lâm nghiệp 1; GS.TS.BS Tạ Thành Văn - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Đại học Y Hà Nội, góp ý về quy hoạch một số Thủ đô tiêu biểu trên thế giới và hệ thống y tế…

Hội thảo khoa học định hướng quy hoạch Thủ đô

GS.TS Phạm Văn Điển, Hiệu trưởng Trường Đại học Lâm nghiệp 1 chia sẻ tại Hội thảo. Ảnh: Khánh Huy

GS.TS Phạm Văn Điển, Hiệu trưởng Trường Đại học Lâm nghiệp 1 chia sẻ tại Hội thảo. Ảnh: Khánh Huy

Không có mô hình Thủ đô nào là “chuẩn mực” của thế giới

GS.TS Phạm Văn Điển, Hiệu trưởng Trường Đại học Lâm nghiệp 1 nêu, cần có đánh giá, phân tích sâu về việc quy hoạch một số Thủ đô tiêu biểu trên thế giới.

Nội dung này là rất cần thiết, giúp cho việc rút ra các bài học trong quy hoạch Thủ đô, đồng thời để “biết người, biết mình”. Có thể nói, “tầm nhìn đến năm 2050” không chỉ là nhìn về phía trước của đất nước mình, mà còn là nhìn ra thế giới, nhìn rõ các xu thế lớn của thời đại.

Chẳng hạn, nói đến thành phố lịch sử, nghệ thuật, thời trang và ẩm thực, người ta nghĩ ngay đến Thủ đô Paris của Pháp. Biểu tượng của nước Pháp nằm ở Paris – Tháp Eiffel. Paris được mệnh danh là “Thành phố tình yêu - City of love”, “thành phố ánh sáng - City of light”.

Các điểm đến nổi tiếng của Paris thể hiện tầm nhìn vượt thời gian như: Bảo tàng Louvre, nhà thờ Notre-Dame, điểm đến Champs-Élyseés. Văn hóa cà phê rất nổi tiếng tại Thủ đô Paris.

London nổi tiếng toàn thế giới, là sản phẩm của quy hoạch và thực hiện quy hoạch có tầm nhìn vượt thiên niên kỷ. Có một điểm nhấn rất quan trọng có thể gợi suy cho Hà Nội là phát triển đô thị, cảnh quan, dịch vụ ven sông. Sông Thêm (The Thames) đã trở thành biểu tượng đặc sắc của Thủ đô London.

Tokyo (Nhật Bản) nổi tiếng là thành phố về công nghệ hiện đại, ẩm thực, sự hấp dẫn về văn hóa, là điểm đến của giới trẻ. Tàu điện ngầm của Tokyo được đánh giá là biểu trưng của công nghệ vượt thời gian.

Quy hoạch của Singapore là mô hình rất đáng học tập. Nhiều nét đặc trưng và nổi bật của thành phố này như: quy hoạch đô thị có hiệu quả với hạ tầng hiện đại, đường phố sạch đẹp, giao thông công cộng tối ưu, hiện đại; là TP thịnh vượng về kinh tế với tài chính mạnh, công nghiệp công nghệ cao, môi trường thương mại lành mạnh; được mệnh danh là “Thành phố trong vườn”; sạch và an toàn; các biểu tượng kiến trúc đẹp; kết nối toàn cầu; quản trị thông minh; tinh thần đổi mới, khởi nghiệp.

Thực tiễn cho thấy, không có mô hình Thủ đô nào là “chuẩn mực” của thế giới. Cũng không có mô hình Thủ đô nào có thể nhân rộng toàn phần ra thế giới. Mỗi nước, mỗi Thủ đô phải xác định cho riêng mình mô hình Thủ đô phù hợp.

Đó là tầm nhìn, là trí tuệ, là ý chí quyết tâm, là bề dày và sức sống văn hóa, lịch sử của mỗi nước, mỗi thành phố. Tuy nhiên, việc “nhìn ra thế giới, vận dụng vào trong nước” là theo tư duy “đứng trên vai người khổng lồ”, là quá trình tham khảo, chắt lọc, chuyển hóa tinh hoa của thế giới thành “giá trị cốt lõi”, “khác biệt” của riêng mình.

Cần khái quát hóa tổng thể bức tranh Thủ đô Hà Nội hiện nay, qua đó liên kết các khía cạnh đa dạng, các lát cắt riêng biệt, các góc nhìn khác nhau thành một chỉnh thể sống động. Việc đánh giá không chỉ dừng lại ở từng khía cạnh, mà cần được đánh giá cả chỉnh thể thống nhất

Bản chất của thiên nhiên hay bất kỳ hệ thống kinh tế - xã hội nào cũng là một thể thống nhất, chứ không phải tách rời như việc chúng ta tách chúng ra thành từng bộ phận riêng rẽ để quan sát hay nghiên cứu.

Vì vậy, luôn cần có tư duy tích hợp, tổng thể đối với từng nội dung quy hoạch, từ việc đánh giá thực trạng, phân tích nguyên nhân, đề ra giải pháp quy hoạch, đến khi định hình quy hoạch tổng thể.

Một quy hoạch tổng thể tốt là quy hoạch tích hợp được tất cả các yếu tố cấu thành và kiểm soát, loại trừ càng nhiều “lỗ hổng” hay “độ vênh” giữa các quy hoạch thành phần thì càng tốt. Quy hoạch là một tổng thể. Cả tổng thể của Thủ đô Hà Nội cũng như các thành phần khác có liên quan (như các yếu tố ngoại biên, liên vùng) cũng cần được xem xét là một đơn vị dùng để tính toán, phân tích, đánh giá tổng thể.

Cần bổ sung phương pháp phân tích hệ thống và tối ưu hóa hệ thống. Xác định rõ hơn các tình huống và kịch bản khác nhau cho quy hoạch Thủ đô Hà Nội. Việc hệ thống hóa thông tin thành hệ thống cơ sở dữ liệu tại thời điểm lập quy hoạch và các thời điểm sau đó là rất cần thiết. Về mặt logic học, có thể cho rằng, bản chất của quy hoạch là xác định được hệ thống cơ sở dữ liệu mong muốn (tức là dữ liệu phản ánh bức tranh sau khi quy hoạch).

Đồng thời đề ra giải pháp để chuyển hóa dữ liệu trước khi quy hoạch thành dữ liệu sau khi quy hoạch trên thực tiễn. Quy hoạch chính là tìm ra sự cân đối tốt nhất giữa các biến số, và là sự tính toán đối với “dữ liệu lớn, dữ liệu động, dữ liệu có tác động, ảnh hưởng qua lại với nhau”.

Tư tưởng, triết lý phát triển Thủ đô (trang 46 của Đề cương) cần được bổ sung để tránh sự phiến diện, chưa đầy đủ. Chẳng hạn, bổ sung “phát triển không gian hài hòa, hợp lý”; nên bổ sung, thu thập các thông tin cần thiết khác như: thông tin về di dân; liên kết trong; rà soát, đảm bảo tính logic, thống nhất giữa các nội dung quan trọng có liên quan đến quy hoạch Thủ đô Hà Nội

Có “độ vênh” giữa tư tưởng, triết lý phát triển Thủ đô (trang 45 - 46) với quan điểm phát triển Thủ đô (trang 47 - 48) và với trình bày về quan điểm, mục tiêu, các nguyên tắc lập quy hoạch Thủ đô (trang 5 - 7). Vì vậy, cần rà soát đảm bảo tính thống nhất, nhất quán trong đề cương.

GS.TS.BS Tạ Thành Văn - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Đại học Y Hà Nội, phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Khánh Huy

GS.TS.BS Tạ Thành Văn - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Đại học Y Hà Nội, phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Khánh Huy

Hà Nội cần có các chính sách, cơ chế sử dụng nhân lực chất lượng cao

GS.TS.BS Tạ Thành Văn, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Đại học Y Hà Nội, chia sẻ, hệ thống y tế còn bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập. Với hệ thống y tế công lập, chất lượng khám, chữa bệnh của các cơ sở y tế trên địa bàn Thủ đô chưa đồng đều và chưa xứng tầm với vị thế của Thủ đô Hà Nội.

Bên cạnh đó, sự mất cân đối nghiêm trọng về nhân lực y tế giữa lĩnh vực y học lâm sàng và y học sự phòng; giữa các chuyên khoa là vấn đề tồn tại nhiều năm. Sự thiếu vắng các chuyên gia trong một số lĩnh vực chuyên khoa đã tạo ra những khoảng trống nhân lực y tế chuyên khoa chất lượng cao ở ngay các bệnh viện của Hà Nội ở giữa Thủ đô.

Trong khi đó, Hà Nội chưa có các chính sách, cơ chế sử dụng nguồn nhân lực y tế chất lượng cao của đất nước thuộc các bệnh viện, trường đại học y dược trực thuộc Trung ương đóng trên địa bàn Hà Nội cũng như chưa có các chính sách tổng thể, phân vai và phối kết hợp vai trò của ba lĩnh vực.

Bên cạnh hệ thống y tế công lập, hệ thống y tế ngoài công lập đang từng bước phát triển, thể hiện vai trò của mình trong sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho người dân Thủ đô và các tỉnh lân cận.

Tuy nhiên, hệ thống y tế tư nhân hầu như hình thành tự phát, chưa nằm trong quy hoạch tổng thể của mạng lưới y tế Thủ đô. Điều này đã làm mất sự cân đối trong bức tranh tổng thể về cung cấp các dịch vụ y tế chăm sóc và bảo vệ sức khỏe của người dân trên địa bàn Thủ đô.

GS.TS.BS Tạ Thành Văn nhấn mạnh, mục tiêu phát triển Thủ đô Hà Nội là trái tim của cả nước, đầu não chính trị - hành chính quốc gia, nơi hội tụ tinh hoa văn hóa nghìn năm văn hiến của cả nước mang đậm đà bản sắc dân tộc; trung tâm đi đầu trong nghiên cứu, sáng tạo, ứng dụng và chuyển giao khoa học và công nghệ; có giáo dục, đào tạo và y tế tiên tiến, hiện đại, nơi đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, chiêu dụng hiền tài, bồi dưỡng và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.

Hà Nội cần có các chính sách, cơ chế sử dụng nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Cùng với đó, cần ban hành các chính sách, cơ chế sử dụng nguồn nhân lực y tế chất lượng cao thuộc các bệnh viện, trường đại học y - dược trực thuộc Trung ương đóng trên địa bàn.

Nhóm PV

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/bo-sung-pha-t-trie-n-kho-ng-gian-ha-i-ho-a-ho-p-ly-354460.html