Bộ phim cuối cùng của Marilyn Monroe

Nếu phải lựa chọn một cảnh phim nói hết về Marilyn Monroe, thay vì chọn cảnh quay chiếc váy trắng bị tốc lên kinh điển trong 'The Seven Year Itch', tôi sẽ chọn một cảnh ít người biết đến hơn, trong một bộ phim ít người biết đến hơn của Marilyn, 'The Misfits'.

Cảnh đó thực ra là một cuộc hội thoại giữa Clark Gable trong vai Gayland, một gã cao bồi từng trải và Marilyn trong vai nàng Roslyn xinh đẹp mới trải qua cuộc ly hôn. Clark Gable hơn Marilyn 25 tuổi. Gương mặt ông lúc này đã khác rất nhiều thời vào vai Rhett Butler đểu cáng, cay nghiệt mà mê hoặc trong “Cuốn theo chiều gió”, những vết tích của tuổi 60 xâm lấn làn da ông không chút nương tay, ông nheo con mắt của một gã trai đã nếm trải tất thảy mọi thứ trong đời nhìn Marilyn mơn mởn và căng mọng rồi nói: "Em là cô gái buồn nhất thế gian anh đã từng gặp".

Marilyn Monroe và Clark Gable trong bộ phim cuối đời của cả hai minh tinh huyền thoại

Ông nói thế sau khi cùng nàng và những người bạn trải qua một buổi tiệc tùng múa ca náo nhiệt, và rồi khi ra đến ngoài cửa, nàng Marilyn vẫn khiêu vũ một mình, như một con thiên nga cô đơn và bao nhiêu tiếng cười, rượu, âm nhạc, những vũ khúc và những lời tán tỉnh như mật mía từ những người đàn ông cũng không lấp đầy được những gì đã mất trong lòng nàng.

Marilyn ngạc nhiên nói ông là người đầu tiên nói với nàng điều đó. Thường thì mọi người luôn nghĩ nàng rất hạnh phúc. Clark Gable đáp lời, bảo rằng đó là vì nàng luôn khiến đàn ông cảm thấy hạnh phúc. Thử nghĩ mà xem, nếu một người đàn bà sở hữu mái tóc bạch kim óng ánh, bộ ngực đẫy đà luôn kiêu hãnh hướng về phía trước, luôn trực trào ra như một đỉnh núi lửa, bờ hông gợi cảm nảy bần bật trên mỗi bước đi trên đôi giày cao gót như Marilyn, thì người phụ nữ ấy có lý do gì để không hạnh phúc? Đàn ông mê mẩn nàng, còn đàn bà đố kỵ nàng nhưng cũng thầm ngưỡng mộ nàng. Nàng có đủ mọi lý do để hạnh phúc trên đời. Lời tiên đoán của tiểu thuyết gia William Saroyan rằng "Cô sẽ mãi cô độc. Marilyn. Và cô sẽ luôn cô độc" có vẻ phi lý thế nào.

Hình ảnh Marilyn trong “The Seven Year Itch” của đạo diễn Billy Wilder gần với tưởng tượng của chúng ta về nàng hơn. Một cô gái đủ khả năng khiến những người đàn ông trung niên với một gia đình yên ấm cũng phải xiêu lòng và trở nên hoang tưởng. Từng bộ phận trên cơ thể nàng đều mời gợi. Thước phim về đôi bàn chân của nàng khi cố vươn ra để lấy đôi giày cao gót có thể chỉ kéo dài vài giây trên màn bạc nhưng ở lại vĩnh viễn trong trái tim những người yêu phim. Nàng giống như một ảo ảnh cám dỗ mà quỷ sứ sinh ra để thử thách lòng người, hoặc nếu không thì cũng phải là một nữ thần bảo trợ tình dục. Nhưng nàng lại khờ khạo đến khó tin. Trong khi gã trung niên đã say nàng như say một ly martini thì nàng lại ngây thơ xin qua đêm ở nhà gã chỉ vì muốn được hưởng ké một chút điều hòa mát lạnh. Nàng kể chuyện cất áo lót trong ngăn đựng đá cùng với nước ngọt thật vô tư. Tóm lại, một người đẹp tóc vàng hoe như nàng tốt nhất nên cất bộ não của mình ở đâu đó để không ai tìm ra được.

Gần như trong tất cả những bộ phim đóng đinh tên tuổi của mình, Marilyn đều dụ hoặc và ngốc nghếch. Hai tính từ ấy luôn đi kèm như bánh mì với mứt, như rượu vang với phô mai. Nàng dụ hoặc vì nàng ngốc nghếch và sự ngốc nghếch rỗng tuếch của nàng lại khiến nàng trở nên quyến rũ gấp bội. Còn gì tuyệt vời hơn sự kết hợp ấy, như F.Scott Fitzgerald từng viết trong “Gatsby vĩ đại”: "Tôi hy vọng nàng là một con ngốc - đó điều tuyệt vời nhất về một cô gái trên thế gian này, rằng nàng là một ả ngốc đẹp xinh".

Trong “Gentlemen Prefer Blondes” (Các quý ông thích những ả tóc vàng), tác phẩm đưa nàng tới vũ đài danh vọng, vai diễn Lorelei Lee chưng diện của Marilyn có màn ca hát kinh điển trong chiếc đầm hồng, nội dung ca từ đại để rằng người Pháp sẵn sàng chết vì yêu, song nàng thì thích những người đàn ông sống hơn để họ còn tặng nàng kim cương. "Kim cương là người bạn thân nhất của các cô gái", chẳng có ai hợp hơn Marilyn khi uốn éo hát ra một câu hát sặc mùi vật chất như thế này. Cũng như thế, trong “Some Like It Hot”, nàng bảo chẳng quan tâm đến việc người đàn ông giàu ra sao chừng nào anh ta sở hữu một chiếc du thuyền. Nàng là phiên bản "cô gái vật chất" đầu tiên, rất lâu trước khi Madonna xuất hiện.

Cảnh phim kinh điển của Marilyn trong “Gentlemen prefer blondes”

Ai mà muốn tin một nữ diễn viên với "truyền thuyết" phải đóng 10 đúp mới có thể nhớ được lời thoại ở ngoài đời lại là người đọc cả bộ tiểu thuyết có chứa câu văn dài gần 1.000 từ, tức gần 2 trang giấy, như “Đi tìm thời gian đã mất” của Marcel Proust? Đến thoại còn không nhớ nổi, làm sao khi đọc tới cuối câu văn của Proust mà nàng ta vẫn nhớ được phần đầu câu?

Trên phim, hầu như nàng chẳng bao giờ buồn, buồn bực thì có nhưng buồn bã thì không, bởi vì biết buồn bã là biểu hiện của trí tuệ và tâm hồn. Nhưng trong “The Misfits”, Marilyn đã buồn.

Kịch tác gia vĩ đại Arthur Miller viết “The Misfits” cho Marilyn Monroe, khi họ còn là vợ chồng. Có lẽ chỉ có đôi mắt của một tác giả đã từng viết câu thoại rằng "Con người không phải trái cam. Không thể ăn phần thịt và vứt đi phần vỏ" mới có thể không cần bóc bộ da của Marilyn ra (nàng vẫn vào vai một người đàn bà đẹp) mà vẫn nhìn thấy bên dưới có gì. Có nỗi buồn, có lòng độ lượng, có một ý tưởng về tình yêu - tình yêu đích thực.

Định mệnh của “The Misfits” thật kỳ lạ. Nó là bộ phim cuối cùng của Clark Gable và cũng là bộ phim cuối cùng của Marilyn Monroe. Một năm trước khi nó phát hành, tài tử Gable từ biệt thế gian. Một năm sau khi nó phát hành, Marilyn mất. Và khi nghiền ngẫm lại tác phẩm đã bị ghẻ lạnh vào thời điểm ra đời này, ta phải thừa nhận rằng chính trong đây, cả Clark và Marilyn đã có những phút giây thăng hoa nhất trên màn bạc của mình.

Dường như đó là lần đầu tiên, Marilyn không bị vật dục hóa. Khoảnh khắc khi nàng cho một gã đàn ông âu sầu nằm trong lòng mình, cơ thể nàng tuy vẫn ngồn ngộn sắc tình nhưng lại có gì đó chở che như Đức Mẹ ôm Jesus, hay thậm chí nó gợi ta nhớ về truyền thuyết Bồ Tát hóa thành người con gái đẹp để độ nhân, ra điều kiện cho những thanh niên muốn cưới vợ rằng ai đọc được hết Pháp Hoa Kinh trong một năm sẽ làm thê tử người đó; hay phảng phất chút gì từ truyện thiền sư thi sĩ Saigyo vào lầu xanh trú mưa rồi chuyện trò về đạo pháp... Tội lỗi và thiêng liêng chỉ cách nhau trong gang tấc mà thôi.

Bộ phim dường như cũng là lần đầu tiên, Marilyn không chạy theo những triệu phú, những chiếc vương miện đá quý hay những chiếc du thuyền. Ta được thấy nàng khóc không phải vì vuột mất cơ hội trở thành một thiếu phu nhân của đại gia tộc dầu mỏ, mà được thấy nàng khóc vì nhìn bầy ngựa hoang bị những tay cao bồi săn đuổi và thu phục. Theo cách nào đó, Marilyn như thể đã soi thấy mình trong tình thế của bầy ngựa tuyệt vọng ấy. Sợi dây thòng lọng của những gã đàn ông thít chặt lấy cổ của từng con ngựa cũng hệt như sợi dây vô hình của quyền lực nam trị thít lấy Marilyn, biến nàng thành một cỗ máy của sắc đẹp và tình dục, là phẳng nàng như một tấm bích chương bốc lửa treo tường. Ta thán phục cảnh Clark Gable một mình dũng mãnh giao chiến với con ngựa đầu đàn, áp đảo con ngựa, để rồi lại thả nó đi chỉ vì muốn chứng minh rằng gã có sự lựa chọn chứ không phải gã đã chịu thua - đó là một gã đàn ông bất kham đích thực; nhưng ta rung động trước cảnh Marilyn làm mọi cách để thả tự do cho những con ngựa hoang ấy. Nàng cần được thấy chúng tự do để mơ về sự tự do của riêng mình.

“The Misfits” chiếu một ánh sáng khác về phía Marilyn. Một nhân vật trong phim mô tả nàng rằng, nàng là người "có năng khiếu sống", trong khi những kẻ khác chỉ tìm trong cuộc sống một chỗ để trốn và nhìn cuộc đời trôi qua mà thôi. Ta bỗng nhiên phải tự hỏi rằng, làm sao mà nàng có thể là một ả ngốc hoàn hảo mà lố bịch như trông nàng có vẻ là, bởi để diễn ra một kẻ ngốc, người ta không thể là một kẻ ngốc. Như ai đó đã nói, trong thế giới toàn những kẻ điên, chỉ tên hề là tỉnh.

Giờ đây, khi đã biết về nàng Marilyn "buồn nhất thế gian", xem lại phân cảnh khi nàng đứng trên nắp cống ngầm trong “The Seven Year Itch”, một làn gió lùa qua làm chiếc váy trắng tốc lên và nàng vội lấy tay che lại, ta mới nghĩ, khoảnh khắc ấy, nàng không chỉ muốn bộ đồ lót đừng bị phô bày, mà dường như nàng muốn nói rằng, thực ra chẳng có gì để nhìn ở đó. Nơi nàng giấu sự sâu sắc của mình, sự sâu sắc của một người đàn bà nóng bỏng vốn không được đón chào trong thế giới mà nàng sống, không phải ở đây. Còn cơn gió, cái nó tốc lên cũng không chỉ là tà váy, mà còn là cả lớp ngoài tha thướt, phù phiếm của thị trấn Tinsel .

Hiền Trang

Nguồn ANTG: https://antgct.cand.com.vn/nguoi-trong-cuoc/bo-phim-cuoi-cung-cua-marilyn-monroe-i666444/