Bộ Ngoại giao Nga ra tuyên bố phản đối hành động của Mỹ về việc mở rộng thềm lục địa

Trên trang web chính thức ngày 25/3, Bộ Ngoại giao Nga cho hay đã đưa ra lời cảnh báo Mỹ về việc thay đổi ranh giới bên ngoài thềm lục địa ở 7 khu vực đại dương trên thế giới.

Mỹ mở rộng thềm lục địa ở 7 khu vực, trong đó có Bắc Cực. (Nguồn: World Atlas)

TASS dẫn tuyên bố của bộ trên nêu rõ: “Phái đoàn Nga tuyên bố không công nhận giới hạn bên ngoài của thềm lục địa vượt quá 200 hải lý tính từ đường cơ sở được Mỹ đơn phương tuyên bố tháng 12/2023”.

Bộ Ngoại giao Nga giải thích rằng, Mỹ muốn đơn phương thu hẹp diện tích đáy biển thuộc thẩm quyền của toàn thể cộng đồng thế giới và tăng thêm diện tích thềm lục địa cho nhu cầu của Washington.

Theo tuyên bố, các bước đi đơn phương của Mỹ "không tuân thủ luật pháp quốc tế. Phái đoàn Nga đã chỉ trích cách tiếp cận có chọn lọc này... và bác bỏ nỗ lực mới nhất của Washington nhằm sử dụng các quy tắc của Công ước 1982 của Liên hợp quốc về Luật Biển chỉ để phục vụ lợi ích riêng".

Vào tháng 12/2023, chính phủ Mỹ đã công bố một bản đồ chính thức với đường biên giới mở rộng trên phần thềm lục địa của nước này, ngoài phạm vi 200 hải lý từ đường bờ biển.

Trên bản đồ, các vùng lãnh thổ mới có diện tích khoảng 1 triệu km² (gấp đôi diện tích bang California). Hầu hết chúng nằm ở Bắc Cực và Biển Bering gần biên giới Nga và Canada, những nước cũng tuyên bố chủ quyền đối với các vùng lãnh thổ này.

Cụ thể, có 7 khu vực chịu ảnh hưởng của việc Mỹ mở rộng thềm lục địa, nằm ở Bắc Cực, Đại Tây Dương, biển Bering, Thái Bình Dương, quần đảo Mariana và 2 khu vực ở vịnh Mexico.

Mỹ cũng tuyên bố quyền sử dụng thềm lục địa tại các khu vực khác ở Thái Bình Dương và Đại Tây Dương.

Bộ Ngoại giao Mỹ cho rằng, nước này có quyền theo luật pháp quốc tế bảo tồn và quản lý các nguồn tài nguyên và môi trường sống quan trọng trên và dưới thềm lục địa.

Thềm lục địa là vùng đáy biển và lòng đất dưới đáy biển, nằm bên ngoài lãnh hải của một quốc gia ven biển, trên phần kéo dài tự nhiên của lãnh thổ đất liền của quốc gia này cho đến bờ ngoài của rìa lục địa hoặc tới giới hạn 200 hải lý tính từ đường cơ sở khi bờ ngoài của rìa lục địa ở khoảng cách gần hơn.

Bằng cách mở rộng những khu vực này, các nước có thể khai thác bất cứ tài nguyên thiên nhiên nào nằm trong đó.

Bảo Minh

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/bo-ngoai-giao-nga-ra-tuyen-bo-phan-doi-hanh-dong-cua-my-ve-viec-mo-rong-them-luc-dia-265506.html