Bộ GTVT dự kiến 22-4 khắc phục xong sự cố sập hầm Bãi Gió

Nguy cơ sạt lở ở hầm đường sắt qua đèo Ngang đã được dự báo trước, đưa vào dự án nâng cấp các hầm đường sắt Bắc - Nam. Dù vậy, đang trong quá trình thi công thì xảy ra sạt lở, sập hầm Bãi Gió.

Trong cuộc họp trực tuyến với địa phương về sự cố sập hầm Bãi Gió vào sáng 16-4, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Danh Huy, cho biết hầm đường sắt này đi qua khu vực có địa chất rất phức tạp. Bản thân công trình đã có từ thời Pháp thuộc, trải qua nhiều năm sử dụng, kết cấu xuống cấp.

“Khả năng sạt lở hoàn toàn nằm trong dự báo của cơ quan quản lý nhà nước từ năm 2020”, ông Huy nói.

Chính vì vậy, Bộ GTVT đã chủ động giao cho Ban Quản lý dự án 85 mở gói thầu số 11A gia cố các hầm yếu kết hợp mở mới các ga và cải tạo kiến trúc trên đoạn Vinh - Nha Trang, tuyến đường sắt Hà Nội - TP HCM. Trong số này có công trình gia cố và cải tạo hầm Bãi Gió.

Sự cố sập hầm Bãi Gió. Ảnh: XUÂN HOÁT

Trong quá trình thi công, những ngày qua, hầm Bãi Gió hứng chịu ba đợt sạt lở. Đợt đầu tiên xảy ra chiều 12-4, khoảng 150m2 đất đá rơi xuống vị trí cách cửa hầm phía bắc khoảng 85m và kéo dài chừng 20m. Đến khoảng 4 giờ 15 ngày 13-4, hầm tiếp tục sạt lở với khối lượng đất đá khoảng 50m2, đã được công nhân thu dọn. Đến 17 giờ 45 cùng ngày, đất, đá sạt lở tiếp, bịt kín vị trí khu vực này.

Việc thi công, kiên cố hóa hầm Bãi Gió được thực hiện theo quy trình vừa thi công, vừa đảm bảo khai thác tuyến đường sắt Bắc - Nam, nên yêu cầu an toàn rất cao. Vì vậy, ba đợt sạt lở xảy ra không gây thiệt hại về người.

Dù vậy, các diễn biến bất lợi này đang đặt ra các yêu cầu mới theo hướng xử lý sự cố sập hầm Bãi Gió. Theo đó, cần thực hiện “4 tại chỗ” theo tình huống khẩn cấp, đáp ứng 5 yêu cầu: Thông tuyến sớm nhất; huy động lực lượng nhanh nhất; giải pháp sáng tạo nhất; an toàn tuyệt đối cho cán bộ, kĩ sư, công nhân tham gia khắc phục; các đơn vị tập trung nguồn lực cao nhất thi công 24/24 giờ theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng.

Đến lúc này, Cục Đường sắt, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, Ban Quản lý dự án 85, Tổng công ty Tư vấn thiết kế giao thông vận tải (TEDI), nhà thầu thi công đã khảo sát và họp để đề xuất giải pháp xử lý, nguyên tắc là giữ cho ổn định trên và trong hầm để xử lý.

Cụ thể nhà thầu đã bắt tay gia cố khối đất đã sụt trong hầm. Từ phía trên đỉnh hầm tiến hành khoan thăm dò địa chất cũng như lấp đầy khoảng trống đã bị sụt nhằm giữ ổn định khối đất đá trên đỉnh hầm, không cho sụt tiếp…

Thứ trưởng Nguyễn Danh Huy "cơ bản thống nhất” với các giải pháp nêu trên. Tuy nhiên, ông yêu cầu lập tổ chỉ huy tiền phương do Phó Tổng giám đốc Ban Quản lý dự án 85 - chủ đầu tư dự án làm tổ trưởng, để chỉ đạo bảo đảm thi công an toàn 24/24 giờ.

Ông Huy cho biết Bộ GTVT cũng sẽ thành lập tổ công tác giao ông làm tổ trưởng, họp giao ban hàng ngày, để nắm tiến độ thi công hàng giờ, có chỉ đạo kịp thời.

“Các cơ quan, đơn vị chức năng của Bộ GTVT giải quyết mọi đề xuất của tổ công tác, tham mưu cho lãnh đạo Bộ quyết định trong thời gian không quá 24 giờ phải có văn bản trả lời để đảm bảo tiến độ thi công khắc phục sự cố, mục tiêu hoàn thành, thông đường sớm nhất” - ông Nguyễn Danh Huy giao nhiệm vụ.

Với tinh thần đó, lãnh đạo Bộ GTVT và các đơn vị trực thuộc đặt mục tiêu đến ngày 22-4 hoàn thành xử lý sự cố để thông tuyến đường sắt Bắc - Nam.

Đảm bảo vận chuyển hành khách, hàng hóa thuận tiện

Lãnh đạo bộ GTVT giao tổ chỉ huy tiền phương xác định rõ trách nhiệm của từng đơn vị, phân chia khối lượng trong quá trình tổ chức thi công khắc phục sự cố. Huy động máy móc, thiết bị, vật tư, vật liệu, nguồn nhân lực và chịu trách nhiệm đảm bảo toàn bộ tài chính trong quá trình thi công khắc phục. Ban 85 huy động thêm các đơn vị để đảm bảo vật liệu đủ, kịp thời trong quá trình thi công khắc phục.

Thứ trưởng Bộ GTVT cũng và yêu cầu Tổng công ty Đường sắt chỉ đạo các đơn vị thực hiện chuyển tải hành khách, hàng hóa sao cho thuận lợi, ít ảnh hưởng nhất đến khách hàng, đảm bảo an ninh, an toàn.

VIẾT LONG

Nguồn PLO: https://plo.vn/bo-gtvt-du-kien-22-4-khac-phuc-xong-su-co-sap-ham-bai-gio-post785913.html