Bộ GD-ĐT lý giải về cách đánh giá học sinh tiểu học mới

Thay vì chỉ chỉ có 2 mức đánh giá là Hoàn thành và Chưa hoàn thành như Thông tư 30 trước đây, tới đây học sinh tiểu học sẽ được đánh giá làm 3 mức: Hoàn thành tốt, Hoàn thành và Chưa hoàn thành.

Tới đây, học sinh tiểu học sẽ được đánh giá theo 3 mức: Hoàn thành tốt, Hoàn thành và Chưa hoàn thành. (Ảnh minh họa: Thanh Hùng).

Bộ GD-ĐT cho biết, Thông tư 22 (có hiệu lực từ 6/11/2016) vừa ban hành nhằm sửa đổi, bổ sung một số quy định trong đánh giá học sinh tiểu học chứ không thay thế Thông tư 30. Do đó, các tư tưởng nhân văn như đánh giá thường xuyên bằng nhận xét, không so sánh học sinh này với học sinh khác, đánh giá vì sự tiến bộ của học sinh,… trong Thông tư 30 vẫn được kế thừa và phát triển trong Thông tư 22.

Theo Bộ GD-ĐT, Thông tư 22 quy định việc đánh giá định kì đối với từng môn học, hoạt động giáo dục được lượng hóa thành ba mức Hoàn thành tốt, Hoàn thành, Chưa hoàn thành. Việc quy định như vậy nhằm xác định rõ mức độ hoàn thành nhiệm vụ học tập của học sinh so với chuẩn kiến thức, kĩ năng để động viên học sinh phấn đấu trong học tập. Cùng đó, giúp cả giáo viên và học sinh cùng điều chỉnh hoạt động, phương pháp dạy và học, đồng thời giúp cha mẹ học sinh nắm bắt rõ hơn mức độ đạt được của con mình và có biện pháp giúp đỡ để các em tiếp tục vươn lên.

Cùng đó, Thông tư 22 cũng quy định việc đánh giá từng năng lực, từng phẩm chất học sinh theo ba mức: Tốt, Đạt và Cần cố gắng thay cho hai mức quy định trong Thông tư 30 là Đạt và Chưa đạt.

Việc lượng hóa thành 3 mức như vậy sẽ giúp giáo viên, cán bộ quản lý, cha mẹ học sinh xác định được mức độ hình thành, phát triển từng năng lực, từng phẩm chất sau một giai đoạn rèn luyện, phấn đấu của học sinh. Từ đó giáo viên, nhà trường, cha mẹ học sinh có những biện pháp kịp thời giúp đỡ học sinh phát huy những điểm tích cực, khắc phục những hạn chế để ngày một tiến bộ hơn.

Một điểm thay đổi của thông tư 30 là có thêm bài kiểm tra định kì giữa học kì đối với môn Tiếng Việt và môn Toán ở lớp 4, lớp 5.

Theo Bộ GD-ĐT, điều này bởi lớp 4, lớp 5 là các lớp cuối cấp tiểu học. Các khối lớp này có yêu cầu kiến thức, kĩ năng cơ bản ở mức sâu hơn, khái quát hơn, tường minh hơn so với các khối lớp 1, lớp 2, lớp 3.

Môn Tiếng Việt và môn Toán ở các khối lớp này là hai môn học công cụ, chiếm nhiều thời lượng hơn so với các môn học khác. Ngoài ra, việc này cũng tạo điều kiện cho học sinh quen dần với cách kiểm tra đánh giá ở cấp trung học cơ sở và các cấp học cao hơn.

Bộ GD-ĐT cũng cho biết, quy định về hồ sơ đánh giá và việc ghi chép của giáo viên theo Thông tư 22 sẽ có sự thay đổi đáng kể.

Cụ thể, thay vì có 5 loại như trước đây, giờ đây sẽ chỉ có Học bạ và Bảng tổng hợp kết quả đánh giá giáo dục của lớp. Bộ GD-ĐT cũng cho biết, sẽ quy định mẫu “Học bạ” và “Bảng tổng hợp kết quả đánh giá giáo dục của lớp” trước khi Thông tư 22 có hiệu lực.

Đối với Học bạ học sinh đang dùng được tiếp tục sử dụng và có điều chỉnh cho phù hợp với nội dung theo Thông tư 22. Việc này cũng sẽ được hướng dẫn cụ thể trong khi tập huấn giáo viên.

Về việc ghi chép của giáo viên, trong đánh giá thường xuyên, để có thời gian nhiều hơn cho đổi mới phương pháp dạy học và quan tâm, hỗ trợ giúp đỡ học sinh, thay vì “hàng tháng, giáo viên ghi vào sổ theo dõi chất lượng giáo dục” như trước đây, nay ngoài việc dùng lời nói chỉ ra cho học sinh biết được chỗ đúng, chưa đúng và cách sửa chữa, khi cần thiết giáo viên viết nhận xét hay những lưu ý đối với học sinh có nội dung chưa hoàn thành hoặc có khả năng vượt trội trong học tập và rèn luyện.

Tại thời điểm giữa và cuối mỗi học kì, giáo viên ghi kết quả đánh giá vào Bảng tổng hợp kết quả đánh giá giáo dục của lớp.

Tại thời điểm cuối năm học, giáo viên chủ nhiệm ghi kết quả đánh giá học sinh vào Học bạ.

Thanh Hùng

Nguồn VietnamNet: http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/khoa-hoc/332835/bo-gd-dt-ly-giai-ve-cach-danh-gia-hoc-sinh-tieu-hoc-moi.html